Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vay vốn phải trả lãi trước

Nhiều hộ nông dân tại các tỉnh ĐBSCL cho biết, khi vay vốn, họ bị ngân hàng (NH) giữ lại một phần vốn, gọi là... trả lãi trước. Có trường hợp phải trả trước đến 12 tháng tiền lãi, số tiền bị giữ lại tương đương gần 18% vốn vay.

Người vay vốn đang khá bức xúc vì bị NH chiếm dụng vốn, trong khi họ vẫn phải trả lãi cho toàn bộ số tiền vay.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng VietinBank Bến Tre - Ảnh: Tuổi Trẻ

Vay 60 triệu đồng, chỉ nhận 49,5 triệu!

Cần vốn để chăn nuôi, ngày 16 - 4, bà L.T.L. (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đến phòng giao dịch Mỏ Cày, NH VietinBank Bến Tre vay 60 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền thực nhận sau khi giải ngân chỉ 49,52 triệu đồng, còn lại 10,48 triệu đồng để trả lãi trước 12 tháng và trả phí dịch vụ cho NH. Bức xúc hỏi vì sao có chuyện kỳ lạ như vậy, bà được nhân viên giao dịch NH trả lời “đó là quy định!”.

Các loại phí mà bà L. phải nộp khi vay vốn gồm: phí hồ sơ vay 44.000 đồng, phí lãnh tiền mặt và phí quản lý tài sản đảm bảo (sổ đỏ) 418.000 đồng, phí thẩm định tài sản đảm bảo 418.000 đồng. Còn lại 9,6 triệu đồng NH yêu cầu bà mở tài khoản tiền gửi thanh toán để hằng tháng NH tự động trích lãi. Số tiền nằm trong tài khoản này cũng được trả lãi nhưng là lãi suất không kỳ hạn, thấp hơn nhiều so với lãi suất vay vốn mà bà phải trả cho NH.

Tương tự, ông N.Q.T. (huyện Châu Thành, Bến Tre) vay 300 triệu đồng tại phòng giao dịch Châu Thành - NH VietinBank để kinh doanh lúa gạo, khi giải ngân cũng bị giữ lại 18,7 triệu đồng. Trong đó, 17,9 triệu đồng để trả lãi trước ba tháng, còn lại để đóng các loại phí: hồ sơ vay, phí lãnh tiền mặt, phí quản lý tài sản thế chấp...

Tiền Giang: cấm thu phí cho vay

Giám đốc chi nhánh NH Nhà nước Tiền Giang Võ Thanh Nhã vừa ký văn bản yêu cầu các NH Á Châu, Công thương, Phương Nam, Đại Tín, TMCP Sài Gòn, Nam Việt, TMCP Miền Tây ngưng ngay việc thu phí cho vay.

Văn bản nêu rõ việc thu phí gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, lưu giữ hồ sơ tín dụng (bao gồm cả hồ sơ quản lý tài sản đảm bảo...) là trái với quy định của NH Nhà nước.

Nhiều trường hợp khác bức xúc vì vay vốn tại các NH khác được lãnh đủ, trong khi vay tại NH VietinBank Bến Tre thì bị trừ đủ loại phí, lại bắt đóng lãi trước. Nhân viên NH giải thích việc đóng lãi trước là theo quy định, nếu không chấp nhận thì không được giải ngân.

Có trường hợp khách hàng đã đóng lãi trước ba tháng nhưng nhân viên NH điện thoại cho biết theo quy định mới, NH yêu cầu phải đóng lãi trước cho suốt quá trình vay.

Trả lãi trước là... tiện ích?

Trao đổi với phóng viên, ông Vương Tấn Khôi - Phó giám đốc VietinBank Bến Tre - xác nhận, hệ thống VietinBank trong tỉnh có thu phí cho vay như khách hàng phản ảnh nhưng là theo quy định của VietinBank.

Theo đó, phí chi tiền mặt là 0,03% số tiền giải ngân; phí quản lý tài sản đảm bảo 360.000 đồng/hồ sơ, phí quản lý tín dụng ngắn hạn 0,05%/tháng, dài hạn là 0,1%/tháng; phí thu xếp vốn cho vay 0,05% thu một lần vào ngày giải ngân đầu tiên và nhiều loại phí khác...

Tuy nhiên, việc bắt khách hàng mở tài khoản tiền gửi và nộp tiền trả lãi khi nhận vốn, ông Khôi giải thích là để đảm bảo khách hàng đóng lãi đúng hạn, đỡ mất công đi lại. Còn đóng bao nhiêu là tùy khách hàng và NH không lấy đó là điều kiện quyết định để cho vay.

Lãnh đạo phòng giao dịch Châu Thành - VietinBank cũng cho rằng, NH chỉ gợi ý chứ không ép khách hàng. Người vay cũng không bị thiệt vì số tiền nằm trong tài khoản vẫn được NH tính lãi.

Trường hợp nông dân đã đóng lãi trước một năm khi cần vẫn có thể rút ra. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khách hàng cho biết nếu không đồng ý đóng lãi trước thì NH không giải ngân, lãi suất NH trả cho số tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán rất thấp, khi cần vốn kinh doanh NH không cho rút ra.

Theo các chuyên gia NH, hình thức thu lãi trước thông qua việc giữ lại một phần vốn của người vay trên tài khoản tiền gửi thanh toán là không đúng quy định. Người vay bị chiếm dụng một phần vốn trong khi vẫn phải trả lãi cho toàn bộ số tiền vay. Từ đó gián tiếp đẩy chi phí lãi suất thực tế lên cao hơn nhiều so với lãi suất ghi trên hợp đồng tín dụng.

Lãi suất mà NH trả cho khách hàng trên sổ tiền gửi thanh toán chỉ vài phần trăm, trong khi lãi suất vay vốn khách hàng phải trả cao hơn 4 - 5 lần. Về phía NH lại tận dụng số tiền giữ lại của khách hàng để tiếp tục kinh doanh.

Trước đây, NH Nhà nước nhiều lần có văn bản nhắc nhở các NH không được thực hiện bất kỳ hình thức nào làm tăng chi phí vốn vay thực tế của khách hàng, kể cả yêu cầu khách hàng để lại một phần vốn vay gửi lại tại NH dưới nhiều hình thức như ký quỹ...

NH Nhà nước cũng giao chi nhánh NH Nhà nước tỉnh, thành phố kiểm tra, giám sát các NH thực hiện nghiêm quy định này; xử lý và báo cáo các trường hợp vi phạm.

(Theo Vân Trường - Ánh Hồng // Tuổi Trẻ)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • Trên 15 nghìn tỷ đồng bội chi ngân sách 4 tháng đầu năm
  • Kinh tế, tài chính trong nước ngày 5/5/2010
  • Việt Nam giữ vị trí 1 trong 10 quốc gia nhận tiền kiều hối hàng đầu trên thế giới
  • Bốn tháng, giải ngân vốn FDI đạt 3,4 tỷ USD
  • 03/05 - Tổng hợp tin kinh tế trong nước
  • Giảm chi 9 tỷ đồng nhờ đơn giản thủ tục ngân hàng
  • ADB hỗ trợ Việt Nam cải tạo hệ thống thủy lợi
  • Giải cơn khát vốn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!