Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, 300 tỷ USD ưu tiên đầu tư thời gian tới cho 3 lĩnh vực: cơ sở hạ tầng, con người và hệ thống thể chế.
Theo điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2009-2011 của Diễn đàn thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) được công bố sáng nay tại "Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam", Việt Nam là một trong 15 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Những yếu tố được các nhà đầu tư đánh giá cao vẫn là tốc độ phát triển thị trường, khả năng thâm nhập vào thị trường khu vực, nhân công rẻ và ưu đãi đầu tư.
Còn theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2011 do Ngân hàng thế giới và công ty tài chính quốc tế IFC vừa thực hiện, Việt Nam xếp thứ 4 trong số 10 nền kinh tế có mức độ cải cách nhất trong năm 2010 trên 3 lĩnh vực: thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng.
Trong phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết mục tiêu mức lạm phát năm 2011 khoảng 11,75%, tương đương năm 2010. Những tháng còn lại thì áp lực rất căng thẳng khi chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm đã tăng 9,64%. Dự báo GDP năm nay vào khoảng 6,5%, thấp hơn so năm 2010.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết hướng ưu tiên của ADB với Việt Nam tập trung vào lĩnh vực con người, đạo tạo nhân lực. Điểm yếu của Việt Nam là thiếu nhân lực chất lượng cao, có năng suất hiệu quả và đội ngũ quản lý tương đương.
Cũng theo ông Hải, cơ sở hạ tầng của Việt nam đều bị quá tải. Chẳng hạn như lĩnh vực điện, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng về điện giảm xuống còn 10%. Các hệ thống giao thông bến cảng sân bay giao thông đô thị, hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế đòi hỏi vốn đầu tư vô cùng lớn.
Việt Nam cần 300 tỷ USD sẽ đầu tư vào 3 lĩnh vực ưu tiên thời gian tới: cơ sở hạ tầng, con người và hệ thống thể chế. Vốn đầu tư này không thể chờ vào ODA và FDI. Thời gian vừa qua đã phối hợp với các tổ chức quốc tế kêu gọi nhiều hướng đầu tư mới như BOT, IPP, PPP.
Theo giám đốc ADB Việt Nam, ông Konishi, Việt Nam phải cải thiện được chính sách giữa các bộ ngành khác nhau, xây dựng chính sách có hệ thống chứ không phải một cách ngẫu nhiên.
Để đạt được như vậy, một là, Việt Nam cần phải học hỏi chính sách của các nước như Singapore Hàn Quốc để khuyến khích khu vực tư nhân phải đóng góp nhiều hơn và tích cực hơn. Hai là, lãnh đạo phải thực sự giỏi để đưa nền kinh tế vượt qua được những thách thức lớn hơn.
(Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com