Bộ Tài chính vừa công bố bản tin nợ nước ngoài số 6. Theo đó, trong năm 2010 VN đã vay thêm 1 tỉ USD, nâng tổng số nợ lên 29 tỉ USD. Bộ Tài chính khẳng định an toàn, trong khi các chuyên gia cho rằng nên cẩn thận... Đánh giá khoản nợ 29 tỉ USD, ông Nguyễn Thành Đô - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - cho rằng con số này là phù hợp với nhu cầu và chiến lược, các định hướng về nợ của đất nước. Với số vay như vậy, theo ông Đô, việc trả nợ hằng năm vẫn đang nằm trong khả năng của đất nước. Ông Đô cho biết tính từ năm 1993 đến nay, VN luôn trả được nợ và trả đúng hạn cả gốc lẫn lãi, chưa bao giờ để nợ nước ngoài quá hạn, vượt khả năng thanh toán. Theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, riêng quý 1-2010 VN phải trả trên 329 triệu USD cả gốc và lãi, phí. Các doanh nghiệp, tổ chức được Chính phủ bảo lãnh cũng phải dành số tiền trả gốc và lãi, phí trong quý 1-2010 là trên 127 triệu USD. Với số nợ hiện tại, trong những năm tới không vay thêm thì số tiền VN phải bỏ ra mỗi năm để trả nợ sẽ cao nhất vào năm 2016 với trên 1,7 tỉ USD trả nợ gốc và trên 250 triệu USD trả lãi. Trước mắt, năm 2011 VN sẽ phải trả nợ khoảng 1,1 tỉ USD tính cả gốc lẫn lãi. Đến năm 2025, VN cũng còn phải trả 764 triệu USD/năm tiền gốc và 91 triệu USD lãi... Hiện nay, nhiều tập đoàn đang có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế huy động vốn trong năm tới khiến nợ của VN sẽ tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Đô cho biết tất cả các khoản vay sẽ được kiểm soát kỹ. Theo ông Đoàn Hồng Quang - chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại VN, các quốc gia đang phát triển như VN vay là bình thường nhưng điều quan trọng nhất cần tính đến là khả năng trả nợ. Hiện VN đang vay khá nhiều từ Nhật Bản, chủ yếu vay bằng đồng yen. Trong khi đó, đồng yen lên giá vẫn thường được nhắc đến khá nhiều và đây là bài toán ngay với nước Nhật. Vì vậy, ông Quang cho rằng nếu vay nhiều bằng đồng yen và đồng tiền này lên giá, đồng USD cũng lên giá ở VN thì khi đến hạn trả nợ, việc phải mua USD rồi dùng USD mua yen trả nợ sẽ khiến VN phải chịu tăng giá kép, gánh nặng trả nợ nhiều lên không ít. “Vì vậy, theo tôi, VN ngoài việc tính đến khả năng trả nợ khi vay, cần tính toán kỹ việc vay bằng đồng tiền nào để tránh rủi ro tỉ giá, nhất là với đồng yen và cả USD” - ông Quang nói. Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất Theo số liệu do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính soạn thảo, tổng nợ của Chính phủ và nợ được Chính phủ VN bảo lãnh tính đến ngày 30-6-2010 là 29 tỉ USD, quy ra tiền Việt khoảng 537.800 tỉ đồng (GDP của VN năm 2010 là khoảng 104 tỉ USD). Như vậy, so với tổng nợ tính đến hết năm 2009 27,9 tỉ USD, nợ năm 2010 của VN đã tăng trên 1 tỉ USD. Trong tổng số nợ trên, nợ của Chính phủ là trên 25 tỉ USD, nợ Chính phủ bảo lãnh là trên 3,9 tỉ USD. Theo Bộ Tài chính, VN đã vay nhiều nhất từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) với số tiền 6,1 tỉ USD, tiếp theo là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 3,8 tỉ USD, các chủ nợ tư nhân khác 2,4 tỉ USD... Nợ song phương với các quốc gia khác, VN hiện nợ Nhật Bản nhiều nhất (trên 8,4 tỉ USD), tiếp theo là Pháp (trên 1 tỉ USD), Nga (579 triệu USD), Trung Quốc (448 triệu USD)... Với Mỹ, VN chỉ nợ trên 89 triệu USD. CẦM VĂN KÌNH//Theo Tuổi Trẻ
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com