Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Barack Obama: 4 năm đương nhiệm và hành trình giải cứu kinh tế Mỹ

obamaTiếp quản nền kinh tế với hàng loạt lỗ hổng, Obama đã có được 1 số thành công nhất định. Tuy nhiên, thách thức lại quá lớn đối với chặng đường giúp nền kinh tế cất cánh.

Kể từ năm 1933 đến nay, chưa có vị Tổng thống Mỹ nào phải đọc lời tuyên thệ trong bối cảnh nền kinh tế u ám như khi Barack Obama đặt tay trái lên cuốn Lincoln Bible hồi tháng 1/2009. Hệ thống ngân hàng Mỹ gần như sụp đổ; 2 hãng xe hơi lớn phá sản; thị trường việc làm, nhà đất và sản lượng sản xuất đều lao dốc không phanh. 
 
Thông thường, tầm ảnh hưởng của các Tổng thống lên nền kinh tế Mỹ bị hạn chế ở mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, giống như 2 người tiền nhiệm Franklin Roosevelt (năm 1933) và Ronald Reagan (năm 1981), Obama là trường hợp ngoại lệ. Không chỉ có những quyết định mang tính chất sống còn với sự phục hồi của kinh tế Mỹ, Obama còn có cơ hội định hình lại nền kinh tế lớn nhất thế giới.  
 
Nhiệm kỳ Tổng thống của Obama đã sắp kết thúc và ông đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch tái tranh cử. Sau gần 4 năm, tỷ lệ ủng hộ các chính sách điều hành kinh tế của ông Obama ở mức rất thấp và đây chính là trở ngại lớn nhất của chiến dịch tranh cử. 
 
Tuy nhiên, không nên chỉ nhìn vào kết quả mà còn phải xem xét những quyết định mà ông đã đưa ra, những lựa chọn khác và cả những chướng ngại vật mà Obama gặp phải. Nhìn ở góc độ này, kết quả mà Obama đạt được là khá ấn tượng. Khủng hoảng và suy thoái đã được kiềm chế. Dẫu vậy, thật không may, nỗ lực định hình lại nền kinh tế vẫn chưa tạo ra được kết quả. Đồng thời, nền tài chính công của Mỹ đang ở trong tình trạng báo động. 
 
Nhậm chức trong giông tố 

7 tuần trước khi Obama đánh bại John McCain vào tháng 11/2008, Lehman Brothers sụp đổ. Ngay sau đó, chính phủ Mỹ phải ra tay cứu giúp AIG. Không chỉ dừng lại ở đó, Bank of America và Citigroup là những nạn nhân tiếp theo. Quý IV/2008, GDP của Mỹ suy giảm mạnh nhất trong 27 năm.  
 
Nước Mỹ cũng xuất hiện nỗi lo niềm tin của nhà đầu tư sẽ biến mất khi phải đối mặt với cuộc chuyển giao quyền lực gây nhiều xáo trộn. Obama đã làm tất cả những gì có thể để xoa dịu nỗi sợ này. 
 
Obama ủng hộ chương trình Giải cứu tài sản xấu (TARP) đã được Henry Paulson – người nắm giữ chức Bộ trưởng tài chính dưới thời George Bush - điều chỉnh. Obama cũng chọn Tim Geithner, người đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc đối phó với khủng hoảng của chính quyền Bush – làm Bộ trưởng tài chính. 
 
Những cái tên còn lại trong ban điều hành kinh tế: Larry Summers (bộ trưởng tài chính thời Bill Clinton), Peter Orszag (chủ tịch bảo thủ của Văn phòng ngân sách quốc hội) hay Christina Romer (1 chuyên gia kinh tế vĩ mô nổi tiếng) đều khiến người ta yên tâm. 
 
Công cuộc giải cứu nền kinh tế

Để giải quyết khủng hoảng, các định chế tài chính yếu kém cần được tái cấu trúc, các khoản nợ xấu tư nhân biến thành nợ xấu của khu vực công. Dưới thời Bush, chính phủ đã bơm tiền vào các ngân hàng. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện. 
 
Đến thời Obama, với sự chặt chẽ và minh bạch của TARP, nhà đầu tư đã bị thuyết phục rằng hệ thống ngân hàng không còn che giấu điều gì. Các ngân hàng huy động hàng trăm tỷ USD trên thị trường chứng khoán, tỷ lệ vốn đã được nâng lên cao hơn mức trước khủng hoảng và những khoản tiền vay từ TARP đã được hoàn trả cho chính phủ và còn đem lại lợi nhuận. 
 
General Motors (GM) và Chrysler lại là 1 thách thức khác. Năm 2009, không ngân hàng nào có thể tài trợ nổi cho 2 hãng xe hơi khổng lồ này. Nếu 2 công ty này phá sản, nền kinh tế địa phương và các nhà cung cấp sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Mặt khác, chi phí giải cứu 2 công ty này lại là quá lớn. 
 
Obama đã đưa ra giải pháp: buộc các hãng này phải nộp đơn bảo hộ phá sản và sau đó mới cung cấp nguồn tài chính cần thiết để GM và Chrysler tổ chức lại với điều kiện phải cắt bỏ hết các bộ phận sản xuất và nhân công không cần thiết. 
 
Kết quả, chỉ vài tháng sau, GM và Chrysler đã được cứu sống. Hiện là 1 bộ phận của hãng Fiat đến từ nước Ý, Chrysler đã có được lợi nhuận. GM cũng đã quay trở lại thị trường chứng khoán hồi năm 2010. 
 
Không giống như 2 vấn đề trên, trong việc giải cứu thị trường nhà đất, nỗ lực của Obama đã không thành công như mong đợi. Đến đầu năm 2009, số nợ thế chấp với trị giá lên tới 900 tỷ USD vẫn chưa được thu hồi. 
 
Chính phủ được khuyến nghị nên giảm nợ cho các khoản nợ xấu, làm sạch hệ thống ngân hàng và sau đó mới có thể cho vay tiếp.  Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ cơ chế nào điều chỉnh việc này. Một giải pháp khác là trả tiền cho các ngân hàng thực hiện giảm nợ. Đối với biện pháp này, nhược điểm là các ngân hàng có thể nhận được quá nhiều tiền trong khi người nộp thuế không được bảo vệ đầy đủ. Cũng có thể, số tiền các ngân hàng nhận được quá ít và họ không muốn thực hiện việc này. 
 
Thay vào đó, Obama đã thực hiện chính sách buộc các ngân hàng và công ty tài chính phải giảm lãi suất các khoản nợ có thế chấp bằng bất động sản. Tuy nhiên, họ không làm theo điều này. Kể cả Fannie Mae và Freddie Mac cũng từ chối tham gia. Đến tháng 4, chỉ có 2,3 triệu khoản vay được tái tài trợ theo chương trình này, quá thấp so với mục tiêu 7 – 9 triệu. 
 
Giá như Obama kiên quyết bơm lượng tiền lớn ngay từ đầu, kết quả sẽ khả quan hơn và cuối cùng thì vấn đề cũng được giải quyết. 
 
Các sách giáo khoa về kinh tế cho rằng khi chính sách tiền tệ không có hiệu quả, chỉ có chính sách tài khóa mới có thể kéo nền kinh tế khỏi “vũng lầy”. Tháng 12/2008, Mỹ lâm vào tình trạng này – lần đầu tiên kể từ những năm 1930.  Fed đã giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức gần 0 và cho in tiền thông qua các gói nới lỏng định lượng (QE).
 
Sự ì ạch của nền kinh tế Mỹ từ năm 2009 đến nay khiến nhiều người phản đối các gói kích thích này. Những người bảo thủ cho rằng các gói QE không hiệu quả hoặc đã Obama đã sai lệch khi thiết kế chúng.  
 
Tuy nhiên, cho rằng kế hoạch này hoàn toàn sai lầm là điều không công bằng. Gần như toàn bộ số tiền được chuyển thẳng đến các cá nhân thông qua các loại trợ cấp như trợ cấp thực phẩm, trợ cấp thất nghiệp, hoặc chuyển đến các chính quyền địa phương (ví dụ như chương trình y tế Medicaid). 
 
Theo Daniel Wilson đến từ chi nhánh của Fed tại San Francisco, có thể quan sát dữ liệu việc làm của các bang để có thể thấy các tác động tích cực. Các gói kích thích đã tạo ra hoặc giữ lại 3,4 triệu việc làm. 
 
Dẫu vậy, nếu như các gói kích thích hoạt động hiệu quả, tại sao nền kinh tế Mỹ vẫn chỉ phục hồi chậm chạp? Kể từ khi khủng hoảng kết thúc từ giữa năm 2009, GDP chỉ tăng trưởng trung bình 2,2% - 1 trong những tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử.

------------

Nếu như các biện pháp kích thích kinh tế là hiệu quả, tại sao sự phục hồi vẫn chậm chạp như vậy? Obama đã phạm phải sai lầm khi nghĩ rằng gói kích thích lần này sẽ khác.


Nền kinh tế mang phong cách Obama 

Ngay từ khi thực hiện chiến dịch tranh cử, Obama đã bộc lộ khát vọng rõ ràng với ước mơ tái tạo nền kinh tế Mỹ chứ không chỉ dừng lại ở phục hồi.  Tầng lớp tinh hoa của nước Mỹ sẽ phục vụ ngành năng lượng sạch chứ không phải đi đầu cơ tài chính. Đầu tư công chú trọng vào giáo dục và cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho tầng lớp trung lưu và giảm bớt thách thức đến từ lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc.  
 
Lên nắm quyền, Obama cống hiến hết mình cho chương trình đã vạch ra. Theo Jared Bernstein, cố vấn kinh tế cho Phó Tổng thống Joe Biden, khi đạo luật phục hồi (Recovery Act) bắt đầu được đưa ra thảo luận vào tháng 12/2008, chủ đề bao trùm là năng lượng sạch: về lưới điện thông minh, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và pin cải tiến. 
 
Sau đó, 90 tỷ USD đã được bơm vào các dự án năng lượng sạch, trong số đó có 8 tỷ USD vào đường sắt cao tốc. 1 số trong các dự án này đã tỏ ra không hiệu quả và khá lãng phí. Tuy nhiên, con số là không đáng kể. Dưới 2% các khoản nợ dành cho chương trình năng lượng sạch vốn gây nhiều tranh cãi bị lâm vào tình trạng nợ xấu. 
 
Dẫu vậy, vấn đề lớn hơn ở đây là các khoản đầu tư này đi ngược lại với diễn biến của nền kinh tế. Năm ngoái, Obama tỏ ra rất hãnh diện khi Mỹ sẽ sớm chiếm đến 40% thị phần sản xuất xe hơi chạy bằng điện. Tuy nhiên, với doanh số quá nhỏ so với toàn bộ thị trường xe hơi, tỷ lệ trên có lẽ là không cần thiết. 
 
Hơn nữa, rất nhiều nhà sản xuất pin đang phải chật vật sống sót. Họ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các tấm pin năng lượng giá rẻ của Trung Quốc. Trong khi đó, khí tự nhiên khiến năng lượng mặt trời và năng lượng gió bị lu mờ. 
 
Đối với đường sắt cao tốc, các con đường cao tốc rộng rãi, giá vé máy bay rẻ khiến đây là 1 dự án mơ hồ. Số tiền đầu tư khổng lồ 3,5 tỷ USD từ ngân quỹ liên bang dành cho bang California có thể không cho ra kết quả, chính phủ mất kiểm soát đối với chi phí thực hiện dự án.
 
Obama thường được mô tả là một người thực dụng. Trong lễ nhậm chức, Tổng thống nước Mỹ có nói rằng vấn đề cần quan tâm là chính phủ sẽ hoạt động thế nào chứ không phải qui mô của chính phủ là lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, có vẻ như ông thường chọn chính phủ qui mô lớn.
 
Đôi lúc, điều này là cần thiết. Sự phức tạp của đạo luật về y tế là kết quả cuộc việc thực hiện giấc mơ của đảng Dân chủ muốn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho toàn thể nhân dân. Cuộc khủng hoảng tài chính khiến việc điều chỉnh các tổ chức tài chính không phải là ngân hàng và nâng cao công tác giám sát, đặc biệt là đối với thị trường phái sinh, trở nên cần thiết. Đó là lý do tại sao đạo luật Dodd-Frank ra đời. 
 
Tuy nhiên, đạo luật này cũng đem đến 1 loạt hậu quả. Những người phản đối cho rằng Đạo luật mới gia tăng quyền hạn của Chính phủ đối với hoạt động của các công ty tài chính tư nhân, vi phạm nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường và sẽ gây ra những hệ quả không mong muốn. Đạo luật này như là một gánh nặng đối với các ngân hàng cỡ nhỏ và những doanh nghiệp dựa vào chúng, sẽ khiến người tiêu dùng tốn kém và cản trở tăng trưởng việc làm. 
 
Nhiệm kỳ thứ 2 sẽ ra sao?

Obama đã đạt được những mục tiêu lớn: cải cách y tế và cải cách tài chính đã được thực hiện thành công. Tuy nhiên, vẫn còn 1 điều nhức nhối: nền tài chính công của nước Mỹ. 
 
Đúng là Cựu Tổng thống Bush đã để lại cho Obama khoản thâm hụt ngân sách lớn nhất kể từ sau thế chiến thứ 2 với tỷ lệ 10% GDP. Tuy nhiên, năm 2009, Obama cho rằng thâm hụt sẽ giảm xuống còn 3% vào năm 2010 và nợ chính phủ lên đến đỉnh điểm 70% vào năm 2011. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. 
 
Năm 2010, thâm hụt ngân sách là 6%. Năm 2011, nợ chính phủ bằng 79% GDP và thậm chí còn được dự báo sẽ lên đến 79% vào năm 2014 nếu như xu hướng hiện nay tiếp diễn. 
 
Trong khi các hộ gia đình, doanh nghiệp và các chính phủ cấp địa phương có thể cắt giảm nợ, đó là điều không thể đối với ngân sách liên bang. Cắt giảm nợ, chính quyền liên bang chỉ khiến cuộc suy thoái thêm tồi tệ mà thôi. 
 
Kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách trong tương lai còn yếu ớt hơn. Không muốn tăng thuế đánh vào 95% dân số, kế hoạch của Obama phần lớn tập trung đánh thuế người giàu và các doanh nghiệp. Nỗ lực cắt giảm chi tiêu chủ yếu đánh vào ngân sách quốc phòng. Cải cách y tế không làm tồi tệ thêm thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, quỹ Medicare mở rộng cũng khiến ngân sách bị giảm nhẹ. 
 
Obama kết luận rằng  các cải cách sẽ là 1 phần của cuộc thương lượng trong đó đảng Cộng hòa đồng ý tăng thuế. Tuy nhiên, ông đã tính toán nhầm: cho đến nay đảng Cộng hòa vẫn không hề nhượng bộ về thuế. Mặc dù vậy, thỏa thuận vẫn sẽ đạt được nếu như Obama trúng cử nhiệm kỳ thứ 2. 
 
Tính đến sự chia rẽ sâu sắc giữa 2 đảng hiện nay, có vẻ như họ sẽ quay trở lại với mô hình công kích lẫn nhau như thường lệ. Tuy nhiên, cả 2 bên đều có mong muốn chung là tìm ra biện pháp thoát khỏi tình trạng“vách đá tài khóa” sẽ xảy ra vào cuối năm.  
 
Mùa hè năm ngoái, Obama và John Boehner, người phát ngôn của Quốc hội, đã tiến hành đàm phán tăng thuế. Tuy nhiên, cuộc đàm phán đã đi vào ngõ cụt bởi cả 2 người đều có những dự tính sai về chính trị. Từ nay đến ngày 6/11, chiến dịch tái tranh cử của ông Obama sẽ là 1 cơ hội nữa để 2 người đi đến đích đã bỏ lỡ năm ngoái.

----

Thu Hương

Theo TTVN/Economist