![]() |
BMW lo lắng ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: TL |
Khi các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới tụ họp tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 11-11 và 12-11, ý tưởng bao trùm họ sẽ là “tái cân bằng toàn cầu”.
Ý tưởng này nhằm thay đổi nền kinh tế thế giới để nó phụ thuộc ít hơn vào người tiêu dùng Mỹ và nhiều hơn vào người tiêu dùng Trung Quốc, Đức và các nước khác với thặng dư thương mại lớn, để xây dựng nền tảng vững chắc hơn cho sự tăng trưởng toàn cầu và tránh sự bất ổn tài chính.
Nói thì dễ, nhưng để đạt được mục tiêu tái cân bằng thì không dễ. Mùa thu năm ngoái ở Pittsburgh (Mỹ), các nước G20 cam kết tái cân bằng tăng trưởng nhưng đến nay vẫn có quá ít bằng chứng về sự thay đổi cơ bản. Thay vì chuyến biến trong tiêu dùng nội địa, Trung Quốc và Đức lại báo cáo lợi nhuận xuất khẩu cao hơn trong tháng 8-2010, dù thặng dư thương mại của họ xấp xỉ đáy suy thoái năm 2009. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 40% so năm ngoái.
Ở mức độ thực tế nhất, tái cân bằng xoay quanh thành công của các công ty trong việc bán được nhiều hàng hóa hơn ở các nước tiêu thụ thấp hơn như Trung Quốc và Đức. Như vậy, mỗi công ty kể trên đều phải tìm ra sự tái cân bằng phù hợp cho mình. Các CEO liên tục xem xét, cố gắng nhận thức xem người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng tằn tiện hơn, hay sức mạnh kinh tế của Trung Quốc bền vững, hay châu Âu dành riêng cho sự tăng trưởng chậm chạp.
Thử xem xét 3 công ty: Briggs & Stratton - một nhà sản xuất máy xén cỏ có thâm niên 102 năm, hãng sản xuất xe hạng sang BMW (Đức) và GAP - một biểu tượng bán lẻ của Mỹ, sẽ thấy tại sao tái cân bằng chắc chắn chậm, phức tạp và nhiều rủi ro hơn so với những gì mà các bộ trưởng tài chính và cố vấn kinh tế nghĩ.
Đối với Briggs & Stratton, chuyển dịch kinh doanh sang Trung Quốc sẽ khó khăn bởi vì người Trung Quốc ít tiêu thụ hàng Mỹ. Trong khi đó, thị trường máy cắt cỏ kiểu Mỹ cũng nhỏ tại Đức. Đối với GAP, việc mở rộng tại một thị trường cạnh tranh như Đức và một thị trường phát triển nhanh chóng như Trung Quốc đòi hỏi đồng thời phải có chiến lược và thử nghiệm khác nhau. Đối với BMW, thách thức chính là việc duy trì sự cân bằng: xe ô tô của BMW thành công tại Trung Quốc đễn nỗi các nhà điều hành công ty của Đức lo sợ họ là dễ bị can thiệp của chính phủ hoặc sự bùng nổ của bong bóng Trung Quốc.
Rào cản văn hóa
Briggs & Stratton đang hướng vào Trung Quốc, Đức, Ấn Độ và bất cứ nơi nào cỏ mọc để bù lỗ cho doanh số bán máy cắt cỏ tại Mỹ. Giám đốc điều hành của công ty, ông Todd Teske, cho biết “Tôi thấy bực mình khi thấy mọi người (ở nước ngoài) cắt cỏ với tay và đầu gối chứ không có máy cắt điện”.
Briggs & Stratton phải đối mặt với những rào cản văn hóa quá lớn khi mở rộng ra nước ngoài. Tầng lớp trung lưu mới nổi Trung Quốc sống trong căn hộ nhiều nên ít cần máy cắt cỏ. Những chủ nhà người Đức có bãi cỏ nhỏ hơn so với người Mỹ và không cần máy cắt có tính năng mạnh mẽ như các sản phẩm của Briggs & Stratton.
Khi thi trường bất động sản bị vỡ, doanh thu của Briggs & Stratton cũng sụt giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2005-2008. Briggs & Stratton đã giảm dự báo tăng trưởng của mình tại Mỹ. Theo số liệu, thị trường cho máy cắt cỏ và các động cơ nhỏ khác sẽ chỉ đạt 8 triệu máy trong năm nay so với dự báo hơn 11 triệu chiếc trước khi suy thoái. Để đối phó, công ty đã cắt giảm 7.000 lao động trên toàn cầu và 2.500 việc làm tại Mỹ từ năm 2005.
Về lý thuyết, sự tăng trưởng có thể đến từ những bãi cỏ của châu Âu và các nước đang phát triển, nhưng máy cắt cỏ kiểu Mỹ không thịnh hành ở nước ngoài. Trung Quốc vẫy tay chào đón nhưng không phải máy cắt cỏ. Briggs & Stratton đặt mục tiêu vào thị trường nông nghiệp, trông chờ chi tiêu cơ giới hóa nông trại nhiều hơn như một phần trong sự phát triển của Trung Quốc. Công ty đã làm lại các thiết bị sản xuất tại nhà máy ở Trùng Khánh để chúng có thể được sử dụng trong thu hoạch lúa và trồng rừng.
Mặc dù Briggs & Stratton có mạng lưới đại lý kinh doanh tại các thành phố của Trung Quốc để bán máy phát điện và máy cắt cỏ, công ty vẫn cần hệ thống nhà phân phối mới tại nông thôn. Nhiệm vụ đó sẽ khó khăn. Briggs & Stratton đang tìm đối tác Trung Quốc hiểu biết thị trường nông thôn và liên quan đến chính quyền vì nông dân mua máy móc thiết bị được chính quyền xác nhận có thể được trợ cấp đến 90% giá trị.
Bài học: Thật khó cho nhiều công ty thay đổi nhanh chóng doanh số bán hàng ở nước ngoài vì người tiêu dùng nước ngoài có sở thích và nhu cầu khác.
Hai thị trường, hai chiến lược
Trước đây, GAP từng cố gắng mở rộng sang Đức nhưng không thành công và phải đóng cửa 10 cửa hàng trong năm 2004. Giờ đây, công ty này đang xâm nhập trở lại Đức thông qua mạng internet thay vì các cửa hàng để tiết kiệm tiền.
GAP phải tìm kiếm các thị trường mới vì doanh số bán hàng tại Mỹ giảm 15%. Để bù lại, GAP bắt tay vào chiến lược với 2 tốc độ khác nhau ở nước ngoài. Tại Đức và các nước châu Âu khác, GAP từ từ cải thiện trang web của mình để người mua hàng châu Âu có thể đặt hàng bằng ngôn ngữ và trả bằng tiền riêng của họ. Nhờ công nghệ, GAP sẽ hạn chế rủi ro tài chính với sự tăng trưởng chậm tại thị trường cạnh tranh cao.
Quan trọng là phải đánh giá được thị hiếu của người tiêu dùng trước khi đầu tư. Các nhà bán lẻ rất khó thành công ở nước ngoài vì họ phải hiểu thị hiếu, quy luật và thói quen thị trường khác nhau. Họ có vai trò đặc biệt trong tái cân bằng toàn cầu, lôi kéo người tiêu dùng ở nước ngoài chi tiêu nhiều hơn thông qua những giao dịch đặc biệt và tiếp thị phù phiếm. Đức, một trong những hy vọng lớn cho những doanh nghiệp có ý tưởng tái cân bằng, là một thị trường đặc biệt khó khăn. Không chỉ bởi nó đầy sự cạnh tranh mà còn bởi người tiêu dùng Đức không phung phí.
Việc mở rộng thị trường của GAP tại Trung Quốc cũng không hề dễ dàng. GAP nhận ra mình đang đối mặt với nhiều cạnh tranh có sẵn tại Trung Quốc, bao gồm các đối thủ toàn cầu của GAP là H & M và Zara. GAP hy vọng làm khác biệt bằng cách tạo ra “sự phù hợp với châu Á” với những đường cong ít hơn và hạ đối thủ cạnh tranh qua giá một số mặt hàng. Nhiều nhà bán lẻ phương Tây đơn giản chỉ chuyển giá sản phẩm tính bằng đô la Mỹ hoặc euro sang nhân dân tệ.
Một nghiên cứu của Đại học British Columbia về tác động của bốn nhà bán lẻ phương Tây tại Trung Quốc - Walmart của Mỹ, Carrefour của Pháp, Metro của Đức và Tesco của Anh - cho thấy các cửa hàng thực sự làm gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc. Các nhà bán lẻ là những người mua nên các nhà cung cấp Trung Quốc sản xuất nhiều hơn và khả năng cạnh tranh quốc tế tốt hơn.
Bài học: tái cân bằng là nguy hiểm và đắt tiền vì cạnh tranh chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy, nhiều công ty phải bước đi thận trọng.
Dư thừa có thể gây tai hại
Đối với BMW, tái cân bằng xảy ra nhanh hơn dự kiến. Nhưng các nhà điều hành của hãng sản xuất xe hơi hàng đầu không vội vui mừng: Họ lo lắng vì ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Kể từ đầu năm, doanh số của BMW tại Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi với 114.000 xe, giúp Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ ba của BMW. Trong khi đó, doanh số bán hàng tại hai thị trường lớn hơn là Mỹ và Đức chỉ tăng 5% với khoảng 330.000 xe được bán sau khi giảm mạnh từ mức trước suy thoái. Đó chính xác là mô hình mà các nhà tái cân bằng hy vọng.
Trung Quốc hiện là thị trường xe ô tô mui kín lớn nhất của BMW. Bernstein Research ước tính 50% lợi nhuận của BMW đến từ Trung Quốc. Chi tiêu tiêu dùng chỉ chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, so với 70% ở Mỹ và 56% ở Đức. Các hộ gia đình Trung Quốc tiết kiệm hơn 25% thu nhập khả dụng. Tuy nhiên, tầng lớp giàu có của nước này chi tiêu một cách tự do, giúp các nhà sản xuất hàng hóa xa xỉ thu lợi lớn. Giới giàu có Trung Quốc cũng săn lùng thời trang cao cấp, túi xách, giày dép, nước hoa. Theo công ty tư vấn Bain, nhu cầu mua sắm những mặt hàng của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 30% trong năm nay với khoảng 13 tỉ đô la Mỹ và sẽ trở thành thị trường hàng hoá xa xỉ lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản ở giữa thập kỷ này.
Tuy nhiên, điều khó khăn hơn là rủi ro chính trị của việc kinh doanh tại một nước mà các chính sách có thể thay đổi đột ngột. BMW đặc biệt lo ngại Bắc Kinh có thể thúc đẩy các nhà sản xuất xe hơi loại nhỏ trong nước bằng cách làm tê liệt việc nhập khẩu của BMW và các loại xe lớn hơn thông qua các quy định về hiệu suất nhiên liệu hoặc các loại thuế. Vì vậy, BMW đang giảm tốc. Trong khi BMW sản xuất một chiếc mui kín đặc biệt cho thị trường Trung Quốc, nó vẫn không tăng sản xuất đủ để đáp ứng tất cả các đơn đặt hàng của Trung Quốc. BMW muốn chắc chắn rằng mình có khả năng cung cấp đầy đủ cho Mỹ và Đức.
BMW cho rằng Mỹ sẽ phục hồi nhanh hơn những gì người ta nghĩ và việc tái cân bằng sẽ ít cần thiết hơn.
Bài học: Lo ngại những hành động chuyên quyền của chính phủ, các công ty thận trọng với việc dựa quá nhiều vào Trung Quốc.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // WSJ)
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com