Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiết lộ ‘kỳ đà cản mũi’ kinh tế thế giới

Cơn khát tậu nhà để cưới vợ của các đấng mày râu Trung Quốc đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, tờ The World của Tây Ban Nha nhận định.

Theo truyền thống, điều kiện tiên quyết để kết hôn của đàn ông Trung Quốc là phải sở hữu ít nhất một căn hộ riêng. Nhưng giá đất “cắt cổ” tại nước này lại trở thành “cơn ác mộng” của những chàng trai muốn cưới vợ.

Và phương án hữu hiệu được nhiều người áp dụng là cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tới mức tối đa. Các nhà phân tích lo ngại rằng, tâm lý và thói quen “chắt bóp” của thanh niên Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu bị ngưng trệ khi thị trường tiêu dùng của quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới này tụt dốc không phanh.

Anh Dương Gia Hòa là một trong những thanh niên sẵn sàng hy sinh những cơ hội hưởng thụ cuộc sống thoải mái với các mặt hàng xa xỉ phẩm để nuôi kế hoạch tậu nhà cưới vợ. Anh này sống trong khu phố nhỏ tại Bắc Kinh với căn nhà tối tăm không cửa sổ dưới tầng hầm. Diện tích chật hẹp nơi đây chỉ đủ chỗ cho một chiếc giường đơn. Thứ ánh sáng duy nhất trong phòng là bóng đèn treo trên trần.

Khu tầng hầm với nhà vệ sinh và bếp ăn công cộng này còn là nơi cư ngụ của hơn 100 người dân, trong đó có cả trẻ em. Anh Dương hoàn toàn có thể thuê một căn hộ đàng hoàng với điều kiện sống tốt hơn hẳn thực tại kham khổ. Nhưng vì mục đích kết hôn, anh đành chấp nhận chịu khổ một thời gian: “Để tồn tại ở Bắc Kinh, trước hết tôi phải nỗ lực làm việc và kiếm tiền”.

Tiền thuê căn hộ ọp ẹp này chỉ chiếm khoảng 10% thu nhập kiếm được nhờ buôn bán điện thoại di động, do vậy khoản tiết kiệm hàng tháng của Dương Gia Hòa quả thực không nhỏ. Anh này chia sẻ: “Tôi chỉ có hai nguyện vọng: một là mua được căn hộ ưng ý, hai là cưới được người vợ tốt. Nếu không tậu nổi nhà riêng, bạn đành chấp nhận sống cảnh ế vợ vì chẳng cô gái Trung Quốc nào chịu lấy một người đàn ông không mảnh đất cắm dùi”.

Thực tế, mối liên hệ chằng chịt giữa nhà cửa và kết hôn đang khiến nhiều thanh niên nước này lựa chọn cách sống như Dương Gia Hòa. Cung Bản Như cũng là trường hợp khá điển hình cho trào lưu siêu tiết kiệm.

Là một lập trình viên máy tính thành đạt với thu nhập hàng tháng hơn 1.000 USD, nhưng anh này lại chung tiền với hai người bạn thuê căn hộ cơi nới bất hợp pháp trên nóc một nhà hàng. Dù có cửa sổ thông thoáng song trong phòng luôn nồng mùi mồ hôi và chăn chiếu do diện tích quá chật hẹp. Nhưng anh Cung cho biết đây là lựa chọn duy nhất của mình.

Theo anh này: “Mỗi người đều phải sở hữu một căn hộ riêng mới mong tìm được ý trung nhân xứng đáng. Vì thế tôi lựa chọn mức sống bình dân để đủ tiền sắm nhà”.

Nỗi lo tậu nhà, cưới vợ là lý do chính khiến dân Trung Quốc ngày càng thích trữ tiền. Và trào lưu này vô hình chung trở thành vấn đề lớn cản trở tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia mong muốn Chính phủ Trung Quốc thuyết phục người dân “hạ cơn khát” tích tiền và tăng nhu cầu mua sắm các mặt hàng nhập khẩu, tạo tiền đề cho nền kinh tế toàn cầu được phục hồi nhanh chóng và thuận lợi.

(Báo Đất Việt)

  • 10 siêu đại gia Nga trong danh sách đen sẽ bị Mỹ trừng phạt?
  • Liên minh 04 nước đối phó Trung Quốc ở châu Á-TBD?
  • Mỹ - Trung: Đối thủ tiềm ẩn, sẵn sàng 'rút kiếm'
  • Mỹ- Trung và quan hệ 'nước lớn kiểu mới'
  • Trung Quốc chịu “mở cửa” kiểm toán cho Mỹ
  • Thế giới thực sự có bao nhiêu tỷ phú?
  • Kinh tế thế giới bớt u ám nhờ Đông Á
  • Obama và trò chơi 'hai mặt của đồng tiền'
  • Mô hình phát triển mới của châu Á sẽ thay đổi kinh tế thế giới
  • Thách thức chủ chốt trong chống biến đổi khí hậu
  • Bóng mây u ám đang bao phủ nền kinh tế toàn cầu
  • Các nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức chậm
  • TS. Nguyễn Minh Phong: Kinh tế toàn cầu còn gặp "gió chướng"?
  • Goldman Sachs: Thủ phạm chính gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu?
  • Hiểu biết 'ngây thơ' của người Mỹ về Trung Quốc
  • Phản ứng của kinh tế thế giới về cái chết của Bin Laden