Nhóm hàng Nông-lâm-thuỷ sản chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và chiếm một vị trí quan trọng góp phần phát triển kinh tế của đất nước. 9 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 9,42 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2008 giảm 11,8%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm này là do tác động của suy thoái kinh tế thế giới khiến số lượng các đơn hàng giảm mạnh. Góp phần không nhỏ vào sự suy giảm này là sự “rớt giá thảm hại” của nông sản xuất khẩu, nhất là nhóm có khả năng chi phối thị trường như gạo, cà phê... đã bộc lộ sự lép vế của các nhà xuất khẩu Việt Nam. Do năng lực cạnh tranh của phần lớn các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản của ta chưa cao, làm cho “đầu ra” của xuất khẩu càng thêm khó khăn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thì từ tháng 7 đến nay, đơn hàng gỗ xuất khẩu đặt nhiều không làm kịp.Có điều, lượng đặt hàng tăng nhưng nhà nhập khẩu nào cũng đòi giảm giá tới 20%.
Cà phê năm nay được mùa nhưng “rót giá” trên thị trường xuất khẩu. Giá cà phê xuất khẩu bình quân đã giảm từ 2.105 USD/tấn năm 2008 xuống còn 1.479 USD/tấn. Kết quả là dù đã tăng 15,7% về sản lượng nhưng ngoại tệ thu về giảm tới 18,8% so với cùng kỳ.
Cùng với cà phê, sản phẩm gỗ, rau quả, hạt tiêu, hạt điều... cũng trong tình trạng lấy lượng bù giá. Giảm giá nhiều nhất là cao su nên dù tăng 10,3% về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn âm tới 40%.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông-lâm-thuỷ sản và nghề muối cho biết, điểm mặt hầu hết các mặt hàng nông sản, trừ thuỷ sản chế biến của Việt Nam hiện nay, đều chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề tăng giá trị hàng xuất khẩu.
Như xuất khẩu chè của Việt Nam, do không kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, năng suất thấp, ảnh hưởng ngay đến giá thành chè xuất khẩu.Hiện nay trên sàn giao dịch thế giới, giá chè đen trung bình khoảng 3,7 USD/kg, trong khi chè đen của Việt Nam giá dưới 1 USD/kg. Chưa kể, nguy cơ về lâu dài, ngành chè sẽ mất thị phần , mất cả thương hiệu.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để tăng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thuỷ sản trong 3 tháng cuối năm (dự kiến đạt 3,05 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 12,4 tỷ USD), các ngành chức năng đang thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nâng-lâm-thuỷ sản, nhất là việc tiêu thụ nông sản và một số ngành hàng có lượng hàng hoá lớn và sản xuất tập trung như lúa gạo, thuỷ sản và một số nông sản khác.
Bên cạnh đó, ngoài việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông,lâm nghiệp và thuỷ sản, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá nông nghiệp, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm giữ vững các thị trường truyền thống, mở thêm thị trường mới và tập trung khai thác triệt để lợi thế của thị trường trong nước.
Trong thời gian tới cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường nông, lâm, thuỷ sản thế giới, chủ động đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành những giải pháp tháo gỡ khó khăn, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hoá.Đồng thời , phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và ngoài nước.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com