Xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng hàng thứ hai trên thế giới nhưng điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam lại trông chờ vào cái điện thoại - Ành: KL. |
Với nhiệm vụ được giao điều hành xuất khẩu gạo, những quyết định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành cũng như thu nhập của nông dân. Thế nhưng, cung cách điều hành của VFA thường xuyên bị phản ứng gay gắt. Hôm 7-10, một lần nữa, doanh nghiệp lại có ý kiến về cách làm của VFA.
Muốn ký hợp đồng phải điện thoại VFA
Tại buổi họp báo ngày 7-10 tại văn phòng VFA, ông Nguyễn Thọ Trí, Phó chủ tịch VFA luôn miệng giải thích rằng việc điều hành xuất khẩu gạo thông qua giá sàn của VFA là rất linh hoạt và khi ký hợp đồng, thường thì các doanh nghiệp gọi điện thoại tham khảo trước.
“Trang web của hiệp hội ở địa chỉ www.vietfood.org.vn không thể cập nhật giá sàn của hiệp hội để định hướng cho doanh nghiệp vì nhân sự của văn phòng hiệp hội quá mỏng”, ông Trí giải thích với báo chí sau khi các báo cho biết là doanh nghiệp không nhận được thông tin cập nhật giá sàn của VFA qua trang web của hiệp hội, mà phải hỏi qua điện thoại khá phiền phức.
Giám đốc một doanh nghiệp ở ĐBSCL kể công ty ông đàm phán qua điện thoại, qua e-mail và gặp trực tiếp với khách hàng nước ngoài mới gút được giá xuất khẩu, nhưng khi điện thoại sang VFA để “tham khảo” giá định hướng của hiệp hội ban hành, mà thực chất là giá sàn, thì lại không phù hợp.
Năm ngoái, cứ vào mỗi cuối tuần, thường là thứ Năm hay thứ Sáu, công ty ông nhận bản tin nội bộ của VFA gửi tới qua e-mail, thông báo tình hình lúa gạo thế giới, khu vực và giá gạo tham khảo trong nước như một cách định hướng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Căn cứ trên giá tham khảo của bản tin mà VFA cung cấp, nhà xuất khẩu đàm phán với phía nước ngoài nhưng để chắc ăn, trước khi đặt bút ký hợp đồng, ông vẫn phải nhấc điện thoại hỏi lại VFA xem giá như thế có phù hợp hay không.
Nay thì giá sàn do VFA ban hành ổn định hơn và có khi cả tháng, thậm chí 2-3 tháng mới thay đổi, và mỗi lần có giá sàn mới, VFA phát công văn tới các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nhưng dù có công văn, các doanh nghiệp cho biết trước khi ký hợp đồng vẫn phải điện thoại hỏi cho bảo đảm khỏi bị mất uy tín với khách hàng.
Do vậy nên mới có chuyện doanh nghiệp căn cứ trên giá sàn của VFA có trên trang web của hiệp hội này mà không hề biết nó đã lỗi thời, quên điện thoại hỏi trước khi ký hợp đồng, đồng nghĩa với việc không được VFA xác nhận hợp đồng thì hải quan không thông quan. Có lúc giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm có trên trang chủ của hiệp hội là 430 đô la Mỹ/tấn nhưng thực tế chỉ là 400 đô la Mỹ/tấn vì giá thông báo trên trên web quá cũ, không cập nhật.
Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp trong nước đã ký hợp động xuất khẩu được gần 5,8 triệu tấn, trong đó đã giao 4,97 triệu tấn và theo ông Trí thì số lượng hợp đồng ở mức 1.000 - 1.100 hợp đồng. Ông cũng đồng ý với TBKTSG Online rằng tính bình quân, mỗi ngày cán bộ của văn phòng VFA phải nhận ít nhất 3 cuộc điện thoại của doanh nghiệp xuất khẩu gạo “tham khảo giá sàn”.
Tuy nhiên, ông cũng giải thích là nhân viên văn phòng VFA hiện nay có 5 người, trừ 2 người là tài xế, bảo vệ thì còn làm việc thực sự cho công tác điều hành xuất khẩu gạo chỉ có 3 người. “Chúng tôi làm việc như vậy từ khi thành lập VFA tới nay, và sẽ phát công văn đến các doanh nghiệp nếu có thông tin gì mới”, ông nói thêm.
Với 3 người, kiểm soát bán phá giá cách nào?
Không biết thực hư thế nào nhưng từ đầu năm nay, giới truyền thông dẫn lời các quan chức VFA “kể tội” một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo bán phá giá làm thiệt hại chung cho xuất khẩu gạo của cả nước. Theo VFA thì đã có tình trạng doanh nghiệp trong nước khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo với hiệp hội thì vẫn theo đúng giá sàn của tổ chức này nhưng thực tế thì họ bắt tay với khách hàng nước ngoài để bán giá thấp hơn có thể vì nhiều lý do khác nhau.
Để làm rõ trắng đen và có cơ sở trình Bộ Công Thương và Chính phủ xử lý các doanh nghiệp bán phá giá, bán vào thị trường xuất khẩu tập trung giá thấp làm phá vỡ giá dự thầu xuất khẩu gạo cấp Chính phủ của Việt Nam, hôm ngày 6-10, Hội đồng quản trị với 21 ủy viên của VFA đã họp tại Vĩnh Long. Cuộc họp thống nhất, trước mắt các doanh nghiệp hội viên là ủy viên Hội đồng quản trị VFA tự giác công khai trước.
“Các doanh nghiệp hội viên là ủy viên Hội đồng quản trị VFA sẽ gửi cho hiệp hội vận đơn (bill) của hãng tàu để xác định khối lượng, tín dụng thư thanh toán tiền để từ đó xác định được giá thực tế bán có khác với giá ghi trên hợp đồng khi đăng ký hay không”, ông Trí cho hay.
Tuy nhiên, ông Trí không thể trả lời được câu hỏi của TBKTSG Online là bộ máy làm việc thực thụ của VFA chỉ có 3 người thì làm sao có đủ thời gian để kiểm tra hơn cả 1.000 hợp đồng, ứng với cả ngàn cái vận đơn, tín dụng thư và những rắc rối vốn có của xuất khẩu, bởi không phải lúc nào một lô hàng cũng vận chuyển 1 lần hay thanh toán ngay trong 1 lần. Nhưng VFA vẫn tin tưởng vào sự tự giác của 21 doanh nghiệp là ủy viên Hội đồng quản trị VFA, vốn chiếm tới gần 2/3 sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Ông Trí lại than thở: “Phần kiểm soát hợp đồng xuất khẩu thì đề xuất giao lại cho Bộ Công Thương, giá sàn thì giao cho Bộ Tài chính nhưng Chính phủ vẫn không chịu, nên vẫn phải làm”.
(Theo Hồng Ngọc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com