Ngày 10-4 tại Hà Nội Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức buổi tọa đàm “Bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước”. Hiện nay các văn bản pháp lý của VN về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại đều đã có nhưng doanh nghiệp (DN) VN chưa khởi kiện được một mặt hàng nào của phía đối tác nước ngoài.
Các biện pháp phòng vệ thương mại như kiện chống bán phá giá, trợ cấp... là công cụ được nhiều nước sử dụng nhưng lại quá xa lạ với DN VN. Thực tế là trong khi VN đã phải hứng chịu 37 vụ kiện nhưng lại chưa từng kiện được bất cứ ai.
Ông Nguyễn Đức Thành, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), cho rằng, nguyên nhân là do DN VN chưa am hiểu về các biện pháp phòng vệ thương mại nên chưa sử dụng được để bảo vệ mình chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng. Thậm chí nhiều DN cho đến giờ cũng chưa nắm được cả quy trình để đi kiện như: lượng hàng nhập vào bao nhiêu là vi phạm, ai là bị đơn để kiện, trình tự thủ tục ra sao...
Ông Lại Quang Trung, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Tổng Công ty Thép Việt Nam, cũng thừa nhận là các DN thép từng muốn kiện thép Trung Quốc nhưng bất thành. Đó là câu chuyện năm 2002, mặt hàng thép cuộn được nhập khẩu ồ ạt vào nước ta, lượng nhập khẩu tăng đột biến, giá thành thép nhập còn rẻ hơn cả giá thành đầu vào của các DN sản xuất trong nước... khiến nhiều DN thép phải đóng cửa. Các DN thép đều khẳng định họ bị thiệt hại do thép Trung Quốc bán phá giá vào VN và rất muốn kiện thép Trung Quốc. Nhưng thực tế DN đã không thể tập hợp đủ hồ sơ cần thiết để đi kiện.
Đại diện DN cũng cho rằng việc khó đi kiện không chỉ hoàn toàn do phía DN. Những số liệu để có thể làm căn cứ đi kiện phải là số liệu chính thức từ các cơ quan hải quan. Nhưng tập hợp số liệu của ta rất kém: chậm trễ và không đầy đủ. Chưa kể DN rất khó để có thể tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến xuất nhập khẩu từ phía ngành hải quan, thuế... Như vậy, không chỉ là DN mà các cơ quan quản lý cũng phải tích cực và chủ động hơn trong việc phối hợp với DN.
(Theo V. LAN - Báo SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com