Gia nhập WTO, Việt Nam đã điều chỉnh các chính sách kinh tế theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn; ban hành nhiều văn bản pháp lý để thực hiện cam kết đa phương; mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ, cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ trong nước nhằm tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức trong tiến trình hội nhập
kinh tế thế giới. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được ban hành; cải cách hành chính trong việc đăng ký kinh doanh và cấp phép; quy trình thủ tục xuất nhập khẩu đơn giản, nhanh chóng hơn... , đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; khuyến khích các khu vực, các loại hình kinh tế phát triển mạnh. Đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài tăng nhanh. Thị trường xuất khẩu được mở rộng sang 150 nước thành viên WTO, quá trình hình thành đồng bộ các yếu tố cơ chế thị trường có những tiến bộ mới, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao...
Tuy nhiên, sau 2 năm gia nhập WTO, những thách thức cũng đã được đặt ra đối với Việt Nam. Cạnh tranh khốc liệt diễn ra, không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn ngay cả thị trường trong nước. Trong điều kiện hội nhập, các biến động của thị trường thế giới tác động rất nhanh, mạnh đến thị trường trong nước, nhất là các yếu tố có tính ổn định kém của kinh tế toàn cầu như thị trường dầu mỏ, dòng vốn đầu tư vào thị trường tài chính. Nếu năng lực dự báo không tốt, khả năng phản ứng chính sách không kịp thời và kém hiệu quả, sẽ lúng túng, bị động, dẫn đến rối loạn thị trường, thậm chí khủng hoảng. Hội nhập, với việc tăng thu hút đầu tư, nếu không được thẩm định kỹ lưỡng sẽ dễ xảy ra tình trạng chuyển dịch ô nhiễm môi trường xuyên biên giới. Sự bùng nổ thông tin và việc di chuyển thể nhân để triển khai dự án đầu tư cũng tạo ra các thách thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ an ninh quốc gia...
Hơn 2 năm gia nhập WTO, thời gian chưa đủ dài, nhưng là một thời đoạn đặc biệt, với những cơ hội to lớn và thách thức nặng nề được đặt ra đối với Việt Nam trong quá trình phát triển và tiến trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội cũng như chưa đương đầu có hiệu quả đối với những thách thức.
Những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã làm bộc lộ những bất cập trong cơ cấu kinh tế và mô hình phát triển của chúng ta. Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức và phát triển bền vững trong hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức đề kháng của nền kinh tế trước những “cú sốc” từ bên ngoài; hình thành đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; tăng tỷ trọng các nhân tố năng suất tổng hợp (chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả pháp lý...) thay cho việc tăng vốn và khai thác tài nguyên như hiện nay; phát triển mạnh nguồn nhân lực trên tất cả các loại hình: Cán bộ quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp; chuyên gia kinh tế kỹ thuật và công nhân, để có thể vừa tiếp nhận được những dự án đầu tư công nghệ cao, vừa nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt nam cần phát triển khoa học công nghệ theo định hướng bền vững; xử lý đúng đắn mối quan hệ Nhà nước và thị trường, khắc phục những hình thái can thiệp theo kiểu hành chính trái với quy luật phát triển của kinh tế thị trường, hoặc buông lỏng quản lý nhà nước để thị trường tự điều tiết./.