Điều quan trọng hiện nay không phải là nhập siêu bao nhiêu, mà là cơ cấu nhập siêu như thế nào.
Ảnh minh họa |
Nhập siêu trong 7 tháng đầu năm nay ở mức 3,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 15 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. ở một nước đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ nhập siêu bằng 10,6% kim ngạch xuất khẩu vào thời điểm này chưa phải là điều quá lo ngại.
Đồng thuận với nhận định này, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS. TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư cho rằng, ngay cả khi nhập siêu trong năm nay ở mức 10 tỷ USD như Tổng cục Thống kê dự báo thì cũng không phải là điều đáng lo. "Điều quan trọng không phải là nhập siêu bao nhiêu, mà là cơ cấu nhập siêu thế nào", GS. Nguyễn Mại nói. Theo phân tích của GS-TSKH Nguyễn Mại, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện kích cầu đầu tư và tiêu dùng, cần nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu, thiết bị để phục vụ sản xuất, chứ nếu nhập khẩu ô tô, xe máy, hay hàng tiêu dùng quá nhiều trong cơ cấu hàng nhập khẩu thì đó mới là vấn đề cần phải xem xét.
Thực tế cho thấy, đây cũng là điều được các chuyên gia kinh tế cảnh báo khi tình trạng nhập siêu bắt đầu xuất hiện trở lại vào tháng 4/2009, sau 3 tháng xuất siêu. Có ý kiến cho rằng, rất có thể các chính sách kích cầu tiêu dùng sẽ không giúp kích thích sản xuất trong nước, mà lại kích thích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Và điều này có vẻ đang diễn ra trong thực tế, khi trên thị trường tràn ngập hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc.
"Đây cũng là điều rất đáng bàn. Trong khi Việt Nam xuất siêu sang Mỹ thì lại nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc. Chúng ta đã nhận thấy điều này từ rất lâu, nhưng chưa giải quyết được. Phải có chiến lược riêng cho từng loại thị trường", GS. Nguyễn Mại nói.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu ô tô, xe máy các loại có trị giá tới 1,63 tỷ USD; hàng điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch 1,908 tỷ USD; rồi 269 triệu USD tiền sữa và sản phẩm sữa;134 triệu USD rau quả; 602 triệu USD tân dược... Đây hầu hết là các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng, chiếm khoảng 12% trong số 35,734 tỷ USD tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong khi đó, kim ngcạh nhập khẩu các loại nguyên phụ liệu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng chỉ ở mức 6,23 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép chỉ bằng 77,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoại trừ phân bón, giá trị nhập khẩu của hầu hết các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Không thể không tính tới yếu tố giá giảm, song rõ ràng, việc nhập khẩu giảm mạnh so cùng kỳ tiếp tục là lời cảnh báo với chuyện suy giảm sản xuất. Tuy vậy, số liệu nhập khẩu từ đầu năm đến nay cho thấy, xu hướng nhập khẩu đã bắt đầu tăng dần trong những tháng gần đây, sau khi sụt giảm rất mạnh trong 3 tháng đầu năm (giảm 55,2% vào tháng 1; 44,5% vào tháng 2 và 41,3% vào tháng 3). Điều này, theo các chuyên gia kinh tế, có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội nhập khẩu các loại thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu với giá rẻ từ hồi đầu năm để chuẩn bị cho giai đoạn sản xuất hậu khủng hoảng.
Khi giá thế giới bắt đầu có xu hướng tăng và kinh tế có dấu hiệu hồi phục, nhập khẩu đã tăng dần trở lại và điều này, được các chuyên gia kinh tế dự báo là sẽ dẫn tới nguy cơ nhập siêu tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu năm nay, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong "Khung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010" chỉ bằng năm ngoái, chứ không thể tăng trưởng 3%, thì tỷ lệ nhập siêu sẽ lớn hơn.
Mặc dù vậy, theo TS. Bùi Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, giả sử nhập siêu trong năm nay ở mức như dự báo là 10 tỷ USD thì cũng không phải là con số quá lớn. "Tuy nhiên, có thể hậu quả từ con số nhập siêu này không quá ghê gớm, song vẫn sẽ gây mất cân đối vĩ mô và vì thế, vẫn cần có giải pháp để đối phó", ông Tuấn nhận định.
Nhập siêu tăng sẽ gây sức ép lên tỷ giá, đó là hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, thì vấn đề này không quá căng thẳng, bởi Việt Nam vẫn có nhiều nguồn lực để bù đắp cho cán cân vãng lai. "Chúng ta có dự trữ ngoại hối tốt, các doanh nghiệp cũng có nhiều USD gửi ở các ngân hàng, kiều hối năm nay dự báo vẫn đạt khoảng 5,5 - 6 tỷ USD, vay quốc tế ở mức 2-3 tỷ USD; ngoài ra, còn khoảng 8 tỷ USD giải ngân vốn ODA và đầu tư nước ngoài... sẽ góp phần đảm bảo cho cán cân thanh toán của Việt Nam", ông Tuấn nói và cho rằng, cân đối cung - cầu ngoại tệ trong năm nay không vấn đề gì và những căng thẳng trên thị trường ngoại tệ thời gian gần đây chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hụt giả tạo.
(Theo Thanh Hà // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com