Những ngành dệt may, da giày, đồ gỗ... sẽ khó có thể cạnh tranh được với hàng ngoại nếu như Việt Nam không thể chủ động được nguồn nguyên phụ liệu.
Nhưng giải quyết nút thắt này như thế nào? Xin giới thiệu góc nhìn từ chính các doanh nghiệp.
Khuyến khích các hộ gia đình đầu tư
* Ông Uông Tiến Thịnh - Giám đốc Công ty TNHH may Tân Châu: Nhà nước nên có những chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ những người đầu tư vào ngành nguyên phụ liệu dệt may.
Sở dĩ ngành phụ liệu trong nước còn yếu là do chưa có nhiều thành phần tham gia sản xuất, trong khi đặc điểm của ngành này là sản lượng ít nhưng đòi hỏi tính đa dạng rất cao.
Tại Đài Loan, Hàn Quốc..., số hộ kinh tế gia đình tham gia khâu cung ứng phụ liệu chiếm hơn 80% so với quy mô là doanh nghiệp. Vì vậy, cần khuyến khích các hộ gia đình đầu tư vào sản xuất với lãi suất 0%, vì đây là thành phần rất phù hợp, có thể cung ứng rất nhiều chủng loại phụ liệu ra thị trường.
Nên đi từng bước
* Bà Đặng Quỳnh Đoan (giám đốc Công ty thời trang Việt Thy): Là một doanh nghiệp trong ngành thời trang, tôi luôn tự hỏi tại sao doanh nghiệp nước ngoài có thể làm ra nhiều loại nguyên liệu vải đẹp, trong khi Việt Nam thì không?
Lý do là chúng ta thiếu đội ngũ thiết kế tạo ra các chất liệu vải mới nên ngay cả khi có copy được mẫu vải đẹp từ nước ngoài về để tổ chức sản xuất cũng không được vì thiết bị lẫn loại sợi trong nước không phù hợp.
Còn phụ liệu, chúng ta cũng chỉ làm được các loại cơ bản và đơn giản, rất khó đáp ứng nhu cầu ngày một cao và đa dạng cho các doanh nghiệp sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Tôi nghĩ, chúng ta có thể giải quyết khâu phụ liệu trước bằng cách tổ chức sản xuất chuyên biệt một vài chủng loại phụ liệu đạt chất lượng cao, sau đó doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Đi từng bước như vậy mới mong hình thành được một khu chuyên doanh tập trung phụ liệu sản xuất trong nước để cung ứng cho thị trường nội địa.
Thủ tục làm nản lòng nhà đầu tư
Ông Võ Trường Thành (Tổng giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Trường Thành): Phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài là yếu tố cản trở phát triển bền vững của ngành. Chính quyền địa phương ở các tỉnh nên cởi mở hơn trong chính sách đất đai dành cho việc trồng rừng.
Chúng tôi ý thức rất rõ việc phát triển gỗ nguyên liệu trong nước, nhưng nhiều khi thủ tục cấp đất mất quá nhiều thời gian làm nhà đầu tư nản lòng. Vì vậy, cần phải có sự hỗ trợ về mặt chiến lược từ phía Nhà nước.
Dự kiến mỗi năm, Trường Thành sẽ trồng tối thiểu 5.000ha rừng. Từ năm 2016 trở đi, mỗi năm Trường Thành sẽ có 500.000 - một triệu m3 gỗ, chiếm 20 - 30% nhu cầu nguyên liệu của cả nước khi đó.
Hiện tại, Trường Thành đã mua 2.000ha rừng từ 4 - 6 tuổi ở Tây nguyên và miền Trung nên hai năm tới đây, mỗi năm sẽ có khoảng 50.000 m3 gỗ phục vụ sáu nhà máy chế biến xuất khẩu của công ty.
Cần quỹ đất trồng rừng
* Ông Đào Văn Trang (Tổng giám đốc Công ty chế biến gỗ Khải Vy): Để phát triển ngành gỗ bền vững, Nhà nước nên mạnh dạn để tư nhân tham gia mạnh vào việc trồng và quản lý rừng. Bởi ở Việt Nam còn rất nhiều cánh rừng bị bỏ hoang, lâm trường quản lý lỏng lẻo gây thất thoát...
Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân đầu tư trồng và quản lý rừng bởi với cách làm hiện nay, mỗi năm ước tính thất thoát từ rừng là hàng tỉ USD.
Có những nơi doanh nghiệp được giao đất rồi, người dân địa phương vô ở hoặc canh tác trái phép nhưng chính quyền địa phương không giải quyết được, gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Với những doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu 60 triệu USD như chúng tôi, cần có một quỹ đất trồng rừng khoảng 100.000ha mới đủ đảm bảo nguồn ổn định. Vì thế, cần có chính sách khuyến khích, chẳng hạn như cho vay trung và dài hạn để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho gỗ nguyên liệu.
(Theo Tuổi Trẻ // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com