Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng giá xăng dưới góc nhìn DN

Thời gian vừa qua, hàng loạt mặt hàng thiết yếu đã tăng giá. Theo nhiều ý kiến, điều này đã hé lộ nguy cơ lạm phát cao. Dưới góc nhìn của DN và chuyên gia tăng giá thời điểm này sẽ thế nào? DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Bích - chuyên gia kinh tế - Viện nghiên cứu thị trường Bộ Thương mại; ông Trịnh Sỹ - Tổng Giám đốc Cty CP Tràng An và ông Trương Ngọc Tú - Phó Giám đốc Cty cổ phần vận tải biển Bình Minh.

Một DN chuyên về vận tải, một DN sản xuất và một chuyên gia kinh tế nghiên cứu sâu về lĩnh vực giá đã đưa ra nhiều ý kiến đáng lưu tâm.

Sẽ xác lập mặt bằng giá mới

- Theo ông, một loạt mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, điện ... vừa đồng loạt tăng giá sẽ tác động thế nào tới hoạt động ngắn hạn của DN ?

Ông Trương Ngọc Tú:

Điều đầu tiên là việc đảo lộn cơ cấu tính chi phí vận tải của DN vận tải biển như chúng tôi. Cơ cấu chi phí cho nhiên liệu mỗi tấn/km tăng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các DN vận tải biển sẽ giảm. Thậm chí, nhiều DN phải chấp nhận lỗ vì đã ký hợp đồng vận chuyển chốt giá cước với khách hàng. Lý do là vì chỉ trong vài tháng gần đây xăng dầu đã tăng giá tới 4 lần và không DN nào, kể cả người vận chuyển cũng như chủ hàng có thể đoán trước liệu giá xăng dầu có được ổn định.

Tôi cho rằng giá xăng dầu tăng tác động tiêu cực tới hoạt động ngắn hạn của từng DN vận tải hàng hóạ. Giá cước vận tải đội lên cả ở khâu vận tải trên bộ và qua đường biển sẽ làm tỷ lệ tăng chi phí vận tải trong hàng hóa của chủ hàng tăng ở mức độ lớn. Và từ đó tác động tiêu cực tới hoạt động của mỗi DN vận tải. Cần nhớ tác động tăng giá nhiên liệu không nên chỉ nhìn qua một đối tượng DN. Mà phải đánh giá trong chuỗi dịch vụ vận tải hàng hóa từ DN tới đích thì mới xác định được mức tăng cụ thể.

Ông Nguyễn Đình Bích:

Việc một loạt mặt hàng thiết yếu vừa đồng loạt tăng giá đương nhiên tác động

ngắn hạn đến hoạt động của tất cả các DN, không loại trừ bất cứ DN nào. Tuy nhiên, những tác động này đối với từng DN cụ thể lại rất khác nhau, tùy thuộc vào việc các mặt hàng thiết yếu đó giữ vai trò như thế nào ở DN đó.

Nhìn tổng quát, có thể chia ra ba loại DN với ba cấp độ tác động khác nhau như sau:

Thứ nhất, những DN nào không trực tiếp tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu này là những DN “may mắn” do chỉ phải chịu tác động gián tiếp.

Thứ hai, bên cạnh tác động gián tiếp, DN nào trực tiếp tiêu dùng một trong những mặt hàng thiết yếu tăng giá thì còn phải chịu tác động trực tiếp. Do vậy, tác động của việc đồng loạt tăng giá các mặt hàng thiết yếu đối với những DN này sẽ lớn hơn hẳn. 

Thứ ba, “đau khổ nhất” là những DN trực tiếp sử dụng nhiều loại mặt hàng thiết yếu vừa đồng loạt tăng giá, bởi đương nhiên phải gánh chịu sự “cộng hưởng” của tất cả các yếu tố tác động này.

Ông Trịnh Sỹ:

Đối với các DN sản xuất như Tràng An sẽ làm tăng trực tiếp chi phí đầu vào khoảng 2%, rồi chi phí vận chuyển, nhiên liệu đốt các lò nướng bánh (cả gas và dầu). Tăng gián tiếp là các nguyên liệu đầu vào sẽ tăng giá do nhà cung ứng buộc phải tăng giá.

Hơn nữa các DN sản xuất như chúng tôi không thể có lợi nhuận trong ngắn hạn (vì chưa thể tăng ngay giá bán sản phẩm) đồng thời coi như mất phần kích cầu vay ưu đãi (-4% lãi vay) của nhà nước.

- Những tác động của tăng giá sẽ ảnh hưởng thế nào tới chiến lược đầu tư của DN ?

Ông Trương Ngọc Tú:

Có tăng giá thì DN vẫn phải tìm cách hoạt động thôi. Mà nói chung thì DN cũng quen với “thực tế” đột ngột trong tăng giá. Ảnh hưởng chỉ tới với những dự án đang xây dựng thôi, vì nó sẽ làm đảo lộn chi phí đầu tư đã được tính toán trước. Còn với dự án đã hoạt động hay chuẩn bị thực hiện thì... đành chịu vậy. Ngẫm cho cùng, nếu cả một ngành kinh tế gặp khó vì cơ chế thì thế nào Nhà nước chẳng ban hành cơ chế mới để “nới” cơ chế cũ...

Ông Nguyễn Đình Bích:

Theo tôi, những tác động nói trên nói chung là những tác động tiêu cực, nhưng bên cạnh đó cũng có những mặt tích cực. Cho nên không thể chỉ nói đến những ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược đầu tư của DN.

Cho dù giá nguyên liệu có đồng loạt tăng, nhưng thực ra mặt bằng giá cả hiện cũng không quá cao, cho nên ảnh hưởng tiêu cực cũng chưa thể nói là quá lớn. Do vậy, có nhiều khả năng trong thời gian tới mặt bằng này còn tiếp tục dâng và ảnh hưởng này còn gia tăng. Đó là xu thế phát triển mà bất cứ ai cũng không thể cưỡng lại được. Mặt khác, đối mặt với khó khăn chính là lúc mỗi DN phải xem xét và chỉnh sửa lại chiến lược của mình để thích ứng, thậm chí có thể chuyển hướng để “thoát hiểm”. Thế nhưng, bên cạnh đó, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước dần sáng sủa lên cũng đồng nghĩa với những khó khăn của các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ dịu bớt.

Ông Trịnh Sỹ:

Tăng giá các vật tư chiến

lược sẽ tác động trực tiếp vào đầu tư của các DN vì phải tính lại hiệu quả, chưa kể vay ngân hàng hiện nay rất khó đối với các DN nhỏ. Giá biến động liên tục trong thời gian ngắn các DN nhỏ sẽ không trụ được vì không có dự trữ.

- Theo các ông, tác động của tăng giá nhiên liệu không nên nhìn ở tỷ lệ tăng cước hay tăng giá trong từng ngành mà phải nhìn tổng quát. Vậy điều này có xác lập mặt bằng giá mới ?

Ông Trương Ngọc Tú:

Sự mất ổn định của giá xăng dầu đã diễn ra từ lâu và vì thế ngành vận tải hàng hóa nói riêng đã đưa chi phí bù chênh lệch xăng dầu thành loại chi thường xuyên, nhưng không chính thức. Như vậy, về nguyên tắc, giá xăng dầu tăng ở tỷ lệ nhỏ chưa tạo mặt bằng giá cước mới đối với mỗi DN.

Nếu tính tổng chi phí vận tải hàng hóa từ nguồn tới đích thì mức tăng sẽ lớn nhưng theo tôi vẫn chưa đủ điều kiện để khẳng định đó là biểu hiện của việc xác lập một mặt bằng giá mới. Đã gọi là mặt bằng giá mới thì nội hàm của nó không chỉ thể hiện sự thay đổi về tăng hay giảm cước, mà còn thể hiện tính ổn định của mức giá mới ấy trong một quãng thời gian nhất định. Mà đây lại là điều không xảy ra trong nền kinh tế của ta tại bất kỳ lần tăng giá các mặt hàng chiến lược nào. Nên không thể nói tới việc xác lập một mặt bằng giá mới. Tăng giá ở ta chỉ luôn mang tính thời điểm.

Ông Nguyễn Đình Bích:

Hoàn toàn có thể nói đến việc đang hình thành một mặt bằng giá mới. Bởi lẽ, chỉ riêng việc tăng giá một mặt hàng thuộc loại “đầu nguồn” của toàn bộ quá trình sản xuất xã hội, thí dụ như xăng dầu, hoặc điện cũng đã đủ khiến cho hầu như toàn bộ mặt bằng giá của nền kinh tế phải chuyển động theo. Do vậy, việc đồng loạt tăng giá các mặt hàng thiết yếu đương nhiên sẽ dẫn đến sự “cộng hưởng” giữa những tác động này và không thể không tạo ra những “làn sóng” giá cả.

Ông Trịnh Sỹ:

Theo tôi, VN sẽ xác lập mặt bằng giá mới vào qúy IV/2009. Bởi như chúng tôi, từ nay đến cuối năm đã có nhiều vật tư đầu vào sản xuất bánh kẹo tăng giá ngoài xăng, gas là bao bì nhựa, nguyên liệu nhập khẩu do tỷ giá USD tăng...

Những kế sách từ DN

- Tổng cục Thống kê dự báo năm nay lạm phát của VN sẽ ở mức một con số. Dự báo của ông có gì khác ?

Ông Trương Ngọc Tú:

Dự báo là công việc của chuyên gia kinh tế và các cơ quan quản lý, không phải công việc của DN kinh doanh thuần túy như chúng tôi. Công việc dự báo vẫn được họ làm đấy thôi !

Ông Nguyễn Đình Bích:

Tôi đồng tình với dự báo của Tổng cục Thống kê, bởi hai căn cứ sau:

Thứ nhất, việc đồng loạt tăng giá một loạt mặt hàng thiết yếu vừa qua ở thị trường trong nước thực ra chủ yếu là do giá nguyên liệu thế giới trong vài tháng qua đã tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, nguyên nhân của việc tăng giá này chủ yếu là do thị trường thế giới “phấn khích” trước những thông tin tốt lành về triển vọng hồi phục của kinh tế thế giới. Nhưng quá trình hồi phục thực sự thì còn đòi hỏi rất nhiều thời gian, cho nên giá nguyên liệu thế giới khó có khả năng tăng mạnh trong ngắn hạn.

Thứ hai, khả năng lạm phát vượt ngưỡng 10% cũng khó xảy ra. Vì “tập quán” của nền kinh tế nước ta là tăng mạnh giá trong nửa đầu năm, còn nửa cuối năm thường tăng thấp hơn. Cho nên tỷ lệ lạm phát 2,63% trong nửa đầu năm là xuất phát điểm rất thuận lợi. Do vậy, trong điều kiện giá nguyên liệu thế giới trong những tháng tới tuy có tăng giống như kịch bản những tháng cuối năm 2007, thì tỷ lệ lạm phát của nước ta cũng chưa tới 7,1%, tức là lạm phát cả năm vẫn nằm trong ngưỡng một chữ số.

Ông Trịnh Sỹ:

Với đà tăng giá như hiện nay: (xăng, dầu, gas, điện, lương cơ bản, các nguyên liệu nhập khẩu, đường (tăng 25%) + nhu cầu đầu tư, lãi suất ngân hàng tăng... chưa kể giá đất tại các khu công nghiệp, chi phí và giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng, bất đông sản tăng). Nếu Chính phủ không có biện pháp chủ động trước ngăn nguy cơ lạm phát sẽ đến thì sẽ lạm phát ở mức 2 con số vào cuối năm 2009!

- Đã có nhiều công cụ tài chính, pháp lý được ban hành nhằm hỗ trợ DN, theo ông như vậy đã đúng và trúng chưa ? Điều DN cần nhất ở Nhà nước là gì trong giai đoạn sắp tới ?

Ông Trương Ngọc Tú:

Rõ ràng là các chính sách được ban hành trong vài năm gần đây đã hỗ trợ khá nhiều cho hoạt động của DN. Còn thông thoáng hay đạt hiệu quả kích thích tối ưu hay chưa thì là chuyện khác. DN luôn mong muốn sự ổn định trong cam kết của Chính phủ, nhưng đồng thời cũng cần sự thông thoáng hơn nữa từ các cơ chế quản lý.

Hai điều tưởng như mâu thuẫn này chỉ đạt được khi DN được tham gia sâu hơn nữa vào quá trình hoàn thiện, xây dựng cơ chế pháp lý do cơ quan nhà nước tiến hành. Tôi không hiểu là với vài trăm nghìn DN được thành lập trong những năm qua thì Nhà nước đã lấy được bao nhiêu phần trăm ý kiến trong số ấy để xây dựng và ban hành văn bản luật. Tôi không biết thì tôi không dám bình luận về điều ấy.

Ông Nguyễn Đình Bích:

Theo tôi, những công cụ ban hành trong thời gian qua tuy đúng và trúng, nhưng còn phải thêm thời gian mới thể hiện rõ hơn tác dụng. Cái mà các DN cần nhất ở Nhà nước trong thời gian tới là áp dụng những giải pháp điều chỉnh từ từ, tránh gây “sốc” cho nền kinh tế và DN.

Ông Trịnh Sỹ:

Kích cầu của Nhà nước vừa qua có rất nhiều ý kiến, thậm chí trái ngược nhau, nhưng tổng thể vẫn có tác dụng đối với những DN thực chất đã được hưởng lợi. DN vẫn cần thông thoáng về thủ tục. Vì vậy, theo tôi, trong thời gian tới Nhà nước nên tập trung vào thông thoáng thủ tục; đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng; “môi trường” cho DN dễ hoạt động.

- Vậy lựa chọn của ông trong giai đoạn mọi dự báo đều kém... tin cậy là gì ?

Ông Trương Ngọc Tú:

Thực ra thì các DN vận tải biển nói riêng chưa hề thoát khỏi khủng hoảng, kể cả Cty của chúng tôi. Giờ lại thêm áp lực phải tăng giá cước để bù tăng giá nhiên liệu, phải tăng trong khi giá cước vận tải thế giới chưa tăng thì điều đó rõ ràng là chúng tôi đã bị đẩy vào thế kẹt. Tôi thấy rất phi lý khi mặt hàng xăng tăng giá Nhà nước còn có thể lý giải về việc giữ bí mật tới phút chót để tránh việc đổ xô mua xăng tích trữ. Nhưng với DN vận tải mà cũng giữ như thế thì chẳng khác gì đẩy DN vào cảnh lỗ vốn. Tôi thấy phương án tăng giá nhiên liệu cần có sự thay đổi, chứ cứ làm như hiện nay thì rất không ổn.

Ông Nguyễn Đình Bích:

Tôi không phải là một doanh nhân, mà là người nghiên cứu, cho nên nhường phần trả lời câu hỏi này cho các DN, nhưng chỉ xin “thanh minh” một chút cho những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như chúng tôi. Đó là, ở những thời điểm mang tính bước ngoặt như vừa qua, dự báo đúng xu thế diễn biến là một thách đố đối với bất kỳ ai, bởi ngay cả những định chế tài chính quốc tế danh tiếng cũng không khỏi lâm vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì những dự báo “chưa kịp ráo mực đã tréo ngoe” thực tế của mình.

Ông Trịnh Sỹ:

Còn chúng tôi, những DN sản xuất thì đành bằng lòng với câu trả lời: “Tự cứu mình trước khi thượng đế đến”.

- Xin cảm ơn các ông !

 

(Theo Hoàng Hương Dũng // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Thị trường tiêu dùng vẫn trầm lắng
  • Xuất khẩu: khó khăn thuận lợi đan xen
  • Xuất khẩu tháng Tám: Tiếp tục âm
  • Cần chính sách đầu tư đặc biệt cho hàng Việt
  • Xe 5 chỗ lập kỷ lục
  • Hy vọng phục hồi đẩy giá dầu lên cao
  • Trung Quốc: Giá thịt trứng leo thang sẽ thành nguyên nhân của vòng lạm phát mới
  • Thương mại toàn cầu đã thực sự khởi sắc?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo