Việc kéo dài lệnh áp thuế chống bán phá giá đến năm 2011 đối với giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ khiến người tiêu dùng cùng các DN EU thiệt hại hàng trăm triệu euro.
Tranh chấp thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc thêm phần tăng nhiệt khi cuối tuần qua, nước này đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kiện EU về quyết định áp thuế chống bán phá giá giày mũ da xuất khẩu.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, các cuộc điều tra chống bán phá giá và các kết luận của EU đối với sản phẩm giày mũ da xuất khẩu của Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc buôn bán quốc tế, đồng thời làm phương hại các quyền và lợi ích hợp pháp của các DN Trung Quốc.
Theo các chuyên gia luật, động thái trên của Trung Quốc sẽ buộc cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO phải tổ chức các cuộc tham vấn trong vòng 60 ngày kể từ thời điểm nhận đơn. Sau đó, Trung Quốc có thể đề nghị WTO lập ủy ban kiểm tra vấn đề này. Trong trường hợp WTO ra phán quyết chống lại EU, Trung Quốc được phép trả đũa bằng cách đánh thuế cao hơn hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt khác đối với hàng của EU nhập khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, WTO phải mất khoảng 2 năm để xem xét trước khi ra phán quyết trên.
Quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Trung Quốc xuất sang thị trường này có căn nguyên từ việc trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành điều tra những cáo buộc cho rằng, Trung Quốc bán phá giá giày dép vào thị trường EU.
Vụ việc xảy ra sau khi những tranh chấp về hàng dệt may giữa EU và Trung Quốc được giải quyết vào năm 2005 bằng thoả thuận được ký giữa Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và Cao ủy Thương mại EU. Theo đó, hàng dệt may Trung Quốc bị hạn chế xuất sang EU trong vòng 3 năm (kể từ năm 2005) để bảo đảm một khung thời gian chuyển giao trước khi EU mở rộng thị trường đón hàng dệt may Trung Quốc vào năm 2008.
Tranh chấp thương mại EU- Trung Quốc bùng phát mạnh hơn trong năm 2009. Giữa năm 2009, Bỉ thông báo kiện Trung Quốc ra WTO về việc “đã cố tình hạn chế việc xuất khẩu một số nguyên liệu chiến lược như bauxite, mangan, kẽm... mà phương Tây rất cần cho các ngành công nghiệp của mình như luyện thép, luyện nhôm...”.
Tiếp đó, ngày 11/8/2009, EU lại điều tra cáo buộc từ Hội đồng Công nghiệp hóa chất châu Âu nói rằng, Trung Quốc bán chất sodium gluconate trên thị trường khối này với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất.
Mức độ căng thẳng càng tăng khi tháng 12/2009, ngay sau quyết định của EU về việc gia hạn áp dụng thuế bán phá giá 16,5% đối với giày mũ da nhập từ Trung Quốc, nước này đã lập tức thông báo tạm thời áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng ốc vít nhập khẩu từ EU.
Trên thực tế, quyết định áp thuế chống bán phá giá giày mũ da nhập khẩu tử Trung Quốc và Việt Nam đã gây ra sự chia rẽ mạnh mẽ trong nội bộ EU. Nhiều quốc gia thành viên EU mô tả loại thuế này là biểu hiện của “chủ nghĩa bảo hộ”.
Bộ trưởng Thương mại Anh Peter Mandelson cho rằng, EU không nên kéo dài thêm thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày dép bởi điều này gây tác động tiêu cực cho việc phát triển quan hệ thương mại và đầu tư lâu dài đối với Trung Quốc và Việt Nam.
Liên minh Giày dép châu Âu, nhóm gồm các hãng giày lớn như Adidas, Clarks cũng cho rằng, quyết định này sẽ gây thiệt thòi cho người tiêu dùng châu Âu, vì họ sẽ phải mua các mặt hàng nói trên với giá cao hơn. Liên minh này nêu rõ, EU vẫn thích đi theo con đường bảo hộ hơn là tự do thương mại.
Uớc tính, việc kéo dài lệnh áp thuế chống bán phá giá đến năm 2011 đối với giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ khiến người tiêu dùng cùng các DN EU thiệt hại hàng trăm triệu euro.
(Vietstock)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com