“Liên minh châu Âu (EU) áp thuế chống bán phá giá giày mũ da của VN sẽ gây thiệt thòi cho nhiều bên: Khách hàng, các doanh nghiệp sản xuất giày và cả người tiêu dùng của châu Âu”. Bà Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại TPHCM, khẳng định như vậy. Sự vô lý của vấn đề trên đã xảy ra trong thực tế nhiều năm qua nhưng vì sự bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất giày thiếu sức cạnh tranh, họ đã làm ngơ.
Hai “đòn” cùng lúc
“Kịch bản” dở nhất đã được tiên liệu nhưng khi EU gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da VN vẫn làm nhiều doanh nghiệp ngao ngán. Hai năm qua (2008-2009) là thời gian ngành giày da VN gặp nhiều khó khăn nhất.
Những tưởng khi kinh tế hồi phục, ngành này cũng tìm được hy vọng sáng sủa hơn từ những khách hàng EU. Song, những phán quyết vô lý đã dập tắt hy vọng cuối cùng. Phán quyết này được thông qua, nạn nhân không chỉ là những người làm giày VN mà còn là những người tiêu thụ giày tại EU.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, phân tích: Ngay đầu năm 2009, EU đã loại VN ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan. Điều phi lý này đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất giày da.
EU gia hạn thuế chống bán phá giá giày mũ da VN làm hàng vạn công nhân lâm vào tình trạng khó khăn
Ảnh: N.DƯƠNG
Nay áp thuế chống bán phá giá thì càng làm khó khăn thêm nghiêm trọng. “Đây được ví như hai “đòn” liên hoàn vào ngành giày da VN – ngành có đến 650.000 lao động sống ở mức rất khó khăn”- ông Kiệt bày tỏ.
Ảnh hưởng lớn nhất, dễ thấy nhất là khi áp thuế thì giá mặt hàng này sẽ tăng, nhu cầu sử dụng sẽ giảm nên sản lượng giảm. Giảm đơn hàng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải giảm lao động. Thứ hai, khách hàng lợi dụng việc này sẽ ép giá gia công vốn đang rất thấp ở VN. Đời sống công nhân ngành giày lại càng thêm khó khăn.
Giá gia công đã ở đáy
Theo đánh giá của Hiệp hội Da giày VN, số lượng giày xuất khẩu qua các nước EU của VN chiếm khoảng hơn 50% tổng lượng giày xuất khẩu của VN. Trong đó, giày mũ da bị áp thuế chống bán phá giá chiếm khoảng 60%. Con số này cũng tương đối lớn nên sự ảnh hưởng khá nghiêm trọng.
Ông Hà Duy Hưng, Giám đốc Công ty Giày Duy Hưng (tỉnh Bình Dương), cho biết: “Từ nhiều năm qua, giá nhân công ngành giày của VN thuộc diện thấp nhất thế giới. Đây là lý do giải thích việc tại sao các khách hàng từ EU, Mỹ... đặt hàng tại VN.
Giá xuất xưởng một đôi giày thể thao thông thường khoảng 5 USD. Trong đó, chi phí nguyên liệu là 3,5 USD; tiền công lao động, điện, nước, chi phí tổ chức sản xuất là 1,5 USD. Giá này là không thể hạ thấp hơn nữa nên dù có hay không việc áp thuế chống bán phá giá thì các khách hàng cũng không thể ép giá nhân công của những doanh nghiệp sản xuất giày mũ da.
Ngay cả những nước trong khu vực cũng không tìm đâu ra giá nhân công rẻ như ở VN. Dưới mức giá này, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng từ chối đơn hàng chứ không thể tổ chức sản xuất.
Theo giám đốc một doanh nghiệp gia công giày tại quận 11-TPHCM, giá gia công rẻ là một trong những lợi thế của ngành giày VN. Chi phí cao, giá nhân công cao khiến các công ty giày tại EU, Brazil... không thể cạnh tranh được với những công ty tại VN, từ đó họ áp đặt việc chống bán phá giá.
Nhưng dù có áp thuế này thì giá thành một đôi giày sản xuất tại các nước trên cũng không rẻ hơn được một đôi giày sản xuất ở VN, do đó biện pháp này sẽ không có tác dụng. Mỗi nước nên tập trung sản xuất những mặt hàng mà mình có nhiều lợi thế chứ áp đặt thuế cảm tính cũng là cung cách cạnh tranh không lành mạnh.
Chủ động đối phó, vượt qua khó khăn
Tại Công ty Giày Thiên Lộc (quận 12-TPHCM), thông tin về việc bị gia hạn thời gian áp thuế chống bán phá giá trên cũng không ảnh hưởng nhiều đến tinh thần làm việc của toàn công ty. Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty Giày Thiên Lộc, chia sẻ: Những khó khăn về thuế chống bán phá giá, về bỏ ưu đãi thuế quan đã trải qua được cả năm nay nên ít nhiều doanh nghiệp cũng đã “quen”.
Trong thời gian qua, doanh nghiệp đã tìm “thuốc” cho căn bệnh này. Trong cơ cấu đơn hàng của công ty, chỉ một phần dành cho các nước EU, còn lại là Mỹ, Nhật... những nước không áp dụng loại thuế trên đối với giày của công ty. “Nếu mặt hàng nào có lợi cho công ty thì chúng tôi ưu tiên sản xuất. Chúng tôi không phải “đặt cược” hết vào thị trường có nhiều rủi ro, phức tạp” – bà Lan cho biết.
Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đã chuyển qua làm giày cho các khách hàng ở châu Á. Những thị trường này tuy lợi nhuận không cao nhưng rất ổn định. Nhiều doanh nghiệp tự tin: Tay nghề công nhân tốt, giá thành sản phẩm rẻ, doanh nghiệp không ngại ngần cắt đứt những đơn hàng đến từ EU nếu chính sách kinh tế đối với hàng hóa của họ cứ bị áp đặt vô lý.
Các thành viên EU chia rẽ Báo Buổi chiều (Bỉ) ngày 23-12 đưa tin việc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng nữa đối với giày mũ da nhập khẩu của VN và Trung Quốc đã gây chia rẽ trong nội bộ các nước thành viên EU.
|
(Theo T.Minh - Phạm Hồ // Nguoilaodong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com