Không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc từng bước đáp ứng nhu tiêu thụ rau an toàn của nhân dân. Điều đó được thể hiện rất rõ, khi UBND thành phố phê duyệt đề án phát triển sản xuất RAT, với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Dẫu vậy, thực tế cho thấy, trên địa bàn thành phố đã và đang tồn tại một nghịch lý giữa sản xuất và tiêu thụ RAT, đó là diện tích sản xuất RAT đang ngày càng được mở rộng, thì ngược trở lại, các điểm kinh doanh RAT mỗi ngày một “teo” đi.
Hết hạn giấy phép vẫn kinh doanh
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm này, Sở đã cấp 137 giấy chứng nhận kinh doanh RAT cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. Song, điều đáng nói, trong số đó có đến hơn 100 cơ sở giấy chứng nhận kinh doanh RAT đã hết thời hạn. Lý giải điều này, Trưởng phòng quản lý Thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) Hồ Quốc Khánh cho rằng: Năm 2006-2007, Sở Công Thương Hà Nội đã cấp được một số giấy chứng nhận kinh doanh RAT. Nhưng do tình hình kinh doanh RAT thời gian gần đây không mấy phát triển, nên số người đến đăng ký kinh doanh mới rất ít; hơn thế, rất nhiều trường hợp đã hết thời hạn giấy phép nhưng không đến gia hạn.
Thời gian gần đây, diện tích sản xuất RAT trên địa bàn Hà Nội
được cấp giấy chứng đủ điều kiện ngày càng tăng
Trên thực tế hiện nay, việc cấp giấy kinh doanh RAT chủ yếu là cấp đổi niên hạn 1 năm 1 lần. Sau khi xin cấp phép, chủ cửa hàng kinh doanh nhưng do không có lãi nên đã tự đóng cửa, không báo cáo lại cho cơ quan chức năng, bởi vậy khó có thể nắm được chính xác hiện còn bao nhiêu đơn vị, cá nhân vẫn đang kinh doanh RAT trên địa bàn thành phố. Theo ông Khánh, trong số hơn 100 cơ sở giấy chứng nhận đã hết hạn chủ yếu rơi vào các điểm kinh doanh nhỏ của cá nhân và phần lớn là hết hạn từ năm 2008; còn số tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận kinh doanh RAT còn thời hạn là những cửa hàng mới đến đăng ký trong năm nay.
Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội Nguyễn Thị Hoa cho biết, tính đến nay, Chi cục đã cấp được 45 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT cho các hộ, HTX sản xuất RAT, với tổng diện tích hơn 260/2.105 ha trồng RAT. Bên cạnh đó, cũng đã cấp 1 giấy chứng nhận sản xuất RAT theo VietGAP và 13 giấy chứng nhận đủ điều kiện sơ chế RAT cho các cơ sở. Việc cấp giấy chứng nhận nhằm quản lý hiệu quả hơn, đưa hoạt động sản xuất RAT đi vào nề nếp, đồng thời giúp người sản xuất tự kiểm định chất lượng và uy tín sản phẩm của mình.
Như vậy, rõ ràng trên thực tế đang tồn tại một nghịch lý giữa sản xuất và kinh doanh RAT: Trong khi diện tích sản xuất và số giấy phép đủ điều kiện sản xuất RAT đang tăng lên, thì số giấy chứng nhận kinh doanh RAT ngày một ít đi. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhu cầu tiêu dùng RAT của người dân là có, nhưng RAT vẫn không thể phát triển được là do mạng lưới kinh doanh RAT chưa nhiều, các điểm kinh doanh phần lớn nằm ở siêu thị hoặc chợ lớn. Còn tại các chợ dân sinh, cũng như các khu dân cư điểm kinh doanh RAT là rất ít, bởi giá RAT có phần đắt hơn so với giá rau bình thường, trong khi phần lớn người tiêu dùng ở đây là người có thu nhập trung bình, hoặc thấp nên vẫn chưa mặn mà với RAT.
Quản lý còn lỏng lẻo
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, còn có một nguyên nhân khiến không ít người tiêu dùng chưa chấp nhận RAT là vì chưa tin tưởng vào tính trung thực của các cửa hàng kinh doanh RAT. Hơn nữa, trên thực tế sản xuất và kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua vẫn phát hiện những sai phạm: Người sản xuất vẫn dùng thuốc trừ sâu ngoài danh mục, thuốc nhập lậu; còn người bán, các điểm kinh doanh RAT vẫn trà trộn đưa rau bên ngoài vào bán nhằm thu lợi nhuận cao.
Như Hànộimới đã phản ánh, ngày 17-12 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, bao gồm: Chi cục BVTV, Chi cục Quản lý thị trường và Chi cục VSATTP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra thực tế tại 3 cửa hàng, siêu thị… Qua kiểm tra cho thấy, việc kinh doanh RAT ở Siêu thị Intimex (ở 131 Hào Nam, phường Hào Nam, quận Đống Đa) và cửa hàng Tiện Lợi (ở 17 T9 khu Trung Hoà - Nhân Chính) có nhiều sai phạm, như: Rau, củ có bao gói, có tem nhưng tất cả đều chưa niêm phong nên có thể xảy ra việc trà trộn rau không an toàn, nhất là rau không rõ nguồn gốc xuất xứ vào bán. Theo ông Lê Xuân Trường, Phó trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, không chỉ có các trường hợp trên, mà hiện nay trên địa bàn Hà Nội, nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh RAT khác ngay cả những siêu thị lớn, có thương hiệu cũng vi phạm.
Lực lượng chức năng kiểm tra các điểm kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội
Bên cạnh đó, theo Hồ Quốc Khánh, sau khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh RAT, lực lượng quản lý thị trường cũng đi kiểm tra nhưng chưa kiểm tra được hết tất cả các cơ sở kinh doanh. Do đó dẫn đến tình trạng các hộ kinh doanh đã hết thời hạn đăng ký nhưng không gia hạn mà vẫn tiếp tục kinh doanh RAT. Vì thế, chẳng ai dám chắc chất lượng rau tại các cửa hàng này có phải là RAT hay không. Như vậy có thể thấy, ngay từ khâu quản lý đầu vào, quản lý trên giấy tờ đã bị buông lỏng.
Còn theo Bà Nguyễn Thị Hoa, từ đầu năm 2009 đến nay, đã phát hiện và lập biên bản 143 trường hợp nông dân vi phạm qui trình RAT, chủ yếu vi phạm về vứt vỏ bao bì bừa bãi, sử dụng thuôc ngoài danh mục, không đảm bảo thời gian cách ly... Cũng trong thời gian qua, Chi cục đã lấy 50 mẫu rau, quả và phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục trồng trọt lấy 65 mẫu rau, quả ở cả nơi sản xuất và trên thị trường để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đã phát hiện 10 mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. Ngoài ra, thanh tra chuyên ngành Chi cục BVTV đã tổ chức 24 đợt thanh tra, kiểm tra đối với 67 tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc BVTV, phát hiện 30 trường hợp vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 22 trường hợp với số tiền gần 51 triệu đồng, phạt bổ sung tịch thu hơn 61 kg thuốc BVTV ngoài danh mục, hết hạn sử dụng để tiêu huỷ.
Từ trước đến nay, trong quá trình kiểm tra các cơ sở kinh doanh RAT nếu phát hiện sai phạm, thì chủ yếu vẫn là nhắc nhở, yêu cầu các hộ đến Sở Công Thương đăng ký, gia hạn, chứ chưa có hình thức xử lý cứng rắn hơn, bởi đang cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Song, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với một số sở, ngành chuyên môn đi kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh RAT trênđịa bàn, nếu cơ sở nào vi phạm, không đủ điều kiện sẽ đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép.
(Theo Đức Hải // Báo Nhân dân điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com