Phát triển siêu thị, TTTM nhằm phụ vụ nhu cầu mua sắm của người dân |
Để đạt kết quả khả quan này, có thể nói hạ tầng thương mại như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) của tỉnh đang phát triển đúng hướng...
Bức tranh hạ tầng thương mại khởi sắc
Theo Sở Công Thương cho biết, qua công tác triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, TTTM được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2010, đến nay đã đầu tư được 81/101 chợ theo quy hoạch. Trong đó TX.TDM đã đầu tư 11/15 chợ, huyện Thuận An 15/19 chợ, Dĩ An 14/17 chợ, Tân Uyên 14/20 chợ, Bến Cát 14/19 chợ, Phú Giáo 5/8 chợ, Dầu Tiếng 8/13 chợ. Đánh giá từ Sở Công Thương, số lượng chợ này đã góp phần phát triển thương mại - dịch vụ của địa phương và hạn chế tình trạng chợ tự phát hiện nay.
Bên cạnh hệ thống chợ, các hình thức thương mại hiện đại như siêu thị, TTTM đã và đang hình thành. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 15 siêu thị (trong đó có 11 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 4 siêu thị chuyên doanh) và 5 TTTM tập trung phát triển chủ yếu tại thị xã và huyện Dĩ An, Thuận An với quy mô đầu tư đạt tiêu chuẩn loại II và III theo xếp hạng của Bộ Công Thương. Hiện nay còn có 7 dự án TTTM, siêu thị đang được đầu tư, xây dựng như: TTTM Becamex, TTTM Phú Hòa, TTTM Phú Cường, Coop Mart, Goucoland, TTTM Tân Định, GS Retail, Metro. Ngoài ra, còn có 7 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, như: TTTM Lái Thiêu, TTTM Phước Vĩnh, TTTM Quang Vinh III, TTTM Vinci construction (Thuận An), TTTM Trường Thành (Dĩ An), TTTM Phan Trần (Thuận Giao, Thuận An) và Siêu thị Đông Hòa.
Giải pháp hướng đến sự bền vững
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các chợ, siêu thị và TTTM đã góp phần đáng kể trong hệ thống bán lẻ của tỉnh, đưa hàng hóa đến nông thôn, các khu, cụm công nghiệp nhằm phục vụ cho nhu cầu đời sống của người dân. Từ con số tổng mức hàng hóa bán lẻ của tỉnh giai đoạn 2007-2009 có tốc độ tăng bình quân hàng năm đến 27%/năm, tăng 7% so kế hoạch đề ra; cụ thể năm 2007 đạt 17.604 tỷ đồng, năm 2008 đạt 24.633 tỷ đồng và năm 2009 ước thực hiện 33.290 tỷ đồng; Ban chỉ đạo phát triển thương mại tỉnh đã cho biết, đạt kết quả khả quan này là có yếu tố quan trọng từ hạ tầng thương mại ngày càng hoàn thiện của tỉnh nhà. Tuy nhiên Ban chỉ đạo cũng cho rằng, hạn chế về hạ tầng thương mại hiện nay là một số chợ truyền thống đã xuống cấp cần tập trung sửa chữa nâng cấp để bố trí sắp xếp mua bán của tiểu thương theo hướng văn minh thương mại. Về siêu thị và TTTM, một số dự án cấp phép đã khá lâu nhưng thực hiện còn chậm, thời gian tới cần phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư khi đã được cấp phép xây dựng.
Theo “Đề án phát triển thương mại tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt thì “tốc độ tăng trưởng thương mại trong tỉnh giai đoạn 2011-2020 là 15%/năm; hình thành mạng lưới kinh doanh thương mại với nhiều loại hình kinh doanh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu tiêu dùng ở từng địa phương trong tỉnh; xây dựng kết cấu hạ tầng văn minh hiện đại ở các khu đô thị, khu công nghiệp, hoàn thành việc xây dựng và nâng cấp hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh...”. Để thực hiện đạt mục tiêu này, cần nhiều sự nỗ lực của các cấp, các ngành.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Điền, trước hết cần hoàn thiện tổng thể phát triển thương mại như tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thương mại cho phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển đến năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển thương mại, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại gắn với quy hoạch đô thị, phát triển dân cư trên từng địa bàn.
Với sự chuẩn bị chặt chẽ này, bà Điền cho rằng thời gian tới hạ tầng thương mại của Bình Dương tiếp tục phát triển nhanh và đưa việc phát triển thương mại nội địa đi đúng hướng, bền vững và hoàn thành mục tiêu như tỉnh đã đề ra.
(Theo TRỌNG MINH // Báo Bình Dương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com