Năm 2009 đã khép lại, nhiều ngành hàng xuất khẩu đã kịp về đích dù phải đối mặt với không ít khó khăn. Dự báo năm mới 2010, hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực sẽ có rất nhiều triển vọng.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, năm 2009 ngành dệt may về đích với tổng kim ngạch dự kiến 9,1 tỷ USD. Trong năm 2010, ngành dệt may đã đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD, đồng thời đề ra kế hoạch (XTTM) để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành duy trì và tăng trưởng tốc độ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Hiện Mỹ đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu dệt may với tỷ trọng 50% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2009, hàng dệt may nước ta xuất khẩu sang thị trường này tuy giảm nhẹ về kim ngạch (gần 5%) nhưng vẫn tăng về lượng (khoảng 18%) so với năm trước. Bên cạnh Mỹ, EU hiện là thị trường lớn thứ hai, chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu. Nhật Bản, đứng thứ 3, năm 2009 đạt mức tăng trưởng 15,1% so với năm 2008. Các thị trường khác dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1,6 tỷ USD.
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã ước đạt khoảng 15 tỷ USD ( kế hoạch là 14 tỷ USD). Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2009, Việt Nam xuất khẩu vượt trội về lượng của một số mặt hàng (đơn cử như gạo, xuất khẩu trong 11 tháng đã vượt hơn cả năm 2008). Tuy nhiên, kim ngạch của nhóm hàng nông sản chủ lực lại sụt giảm đáng kể về. Đây là lý do xuất khẩu năm 2009 tăng mạnh về lượng, nhưng giá trị kim ngạch tăng không tương xứng.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong năm 2009, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 6 triệu tấn các loại, chiếm 15% thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu. Tuy nhiên giá trị xuất khẩu còn thấp, giá trị tăng thêm không cao. Điều này làm giảm chất lượng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam ở thị trường quốc tế, giá gạo xuất bình quân cũng giảm. Năm 2010 cũng được coi là năm đầy triển vọng cho hoạt động xuất khẩu gạo. Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường gạo năm 2010 sẽ sôi động hơn 2009 và giá xuất cũng tăng cao hơn, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Tình hình xuất khẩu thuỷ sản năm 2009 ước đạt 4,3 tỷ USD. Năm 2010, xuất khẩu thủy sản dự kiến tăng trưởng 10%. Nhận định về phương hướng xuất khẩu thủy sản năm 2010, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng, ngành thủy sản cần tiếp tục đầu tư cho sản xuất nguyên liệu, phải có được những chương trình, đề án, dự án đầu tư sản xuất đủ nguồn nguyên liệu, nếu không đủ thì phải nhập nguyên liệu nhưng là nhập có tổ chức và kiểm soát chặt chẽ chất lượng và giá cả đầu vào. Tiếp đến là phải tạo được chuỗi liên kết giữa sản xuất - chế biến - xuất khẩu.
Sự phục hồi của ngành xuất khẩu gỗ trong quý IV/2009 đã đem lại cho ngành này sự tin tưởng vào triển vọng lạc quan trong năm 2010. Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Năm 2010, sẽ cố gắng phấn đấu tăng trưởng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ từ 8 đến 10% so với năm 2009. Hiệp hội sẽ đăng ký với Bộ Công Thương kim ngạch khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên những hợp đồng ký cho năm 2010 đều đã đưa thêm các điều khoản mới liên quan đến các rào cản kỹ thuật, gây áp lực lớn hơn đối với các nhà sản xuất và cung cấp đồ gỗ, đó là khó khăn mà các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải sẵn sàng đối mặt vào năm sau
Năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng tối thiểu 10% so với năm 2009 đó là dự báo của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, theo đó, một số mặt hàng xuất khẩu chính như dệt may vẫn sẽ giữ được thị trường, giày dép chắc chắn vẫn giữ được đà tăng trên 11% và đồ gỗ nội thất cũng vẫn có nhiều triển vọng.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com