Đổ xô mua hàng khuyến mãi, quang cảnh thường thấy thời khủng hoảng |
Sau một thời gian dài đau đáu với giấc mơ xuất khẩu, những ngày này, khi nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng suy thoái, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam mới bắt đầu điều chỉnh chiến lược kinh doanh hướng về “sân nhà”. Thế nhưng, liệu đường về “nhà” có quá xa?
Đường về “nhà” liệu có... xa?
Dân số Việt Nam ước khoảng 86,5 triệu người và là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, đây là thị trường tiềm năng trong khi hàng hóa Việt Nam chật vật tìm cơ hội ra “biển lớn”. Tuy nhiên, với mật độ dân cư phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (hơn 70%), lời đáp cho vấn đề “bán cho ai” và “bán như thế nào” là cả một câu chuyện dài.
Là DN sản xuất gốm sứ cao cấp của cả nước với hơn 98% dành cho xuất khẩu, Công ty TNHH Minh Long 1 cũng đang trăn trở cho công việc kinh doanh của mình. Tổng Giám đốc Lý Ngọc Minh, băn khoăn: “Ở Việt Nam, chỉ có khoảng 24% dân cư sống tại khu vực đô thị. Trong số đó, tỷ lệ sử dụng hàng cao cấp là vô cùng nhỏ, chưa đến 15%. Trong bối cảnh như thế, khu vực đại chúng nông thôn là nơi chúng tôi nhắm đến với khẩu hiệu: “Chất lượng như hàng ngoại nhập nhưng giá cả rất Việt Nam. Hiện DN đã giảm tỷ trọng xuất khẩu xuống còn 40% và dành 60% cho thị trường nội địa”.
Quen với thị trường nước ngoài với những ưu đãi khuyến khích xuất khẩu của Nhà nước, các DN trên đường về... “nhà” cũng gặp không ít chông gai. Bà Lai Kim, Tổng Giám đốc Công ty may Nhật Tân, than thở: “Thị trường nội địa là một đại công trình phức tạp, nhiều thách thức và rủi ro. Nhưng dù có khó cách mấy chúng tôi vẫn quyết làm vì đó là con đường sáng duy nhất hiện nay”. Với ngành hàng chủ lực là giày dép và quần áo trẻ em, DN đang tự điều tiết lại giá cả phù hợp, cải thiện mẫu mã nhằm đẩy mạnh kênh phân phối thị trường trong nước, trong đó khu vực nông thôn vẫn là địa bàn mà DN phấn đấu chiếm lĩnh.
Gian nan tìm sức mua
Xác định được đối tượng tại thị trường nội địa, nhưng yếu tố then chốt là làm sao DN đẩy mạnh được sức mua của người dân khu vực nông thôn lại là một vấn đề không hề dễ dàng. “Tài sản lớn nhất của hầu hết người dân nông thôn là đất đai và thu nhập của họ cũng chính từ đất đai mà ra, vì vậy họ không dễ dàng tiêu hoang cho việc mua sắm. Cứ cho là hàng hóa đa dạng, giá cả phải chăng, nhưng thu nhập của họ không tăng lên theo tỷ lệ nhất định thì cũng như không”, ông Minh trăn trở.
Chưa bao giờ khu vực nông thôn lại được chăm chút kỹ càng như hiện nay. Hết khuyến mãi rồi hậu mãi, hết mời chào tín dụng tiêu dùng đến mua hàng trả góp tín chấp... nhưng mấy ai có tiền để mua hàng tiêu dùng. Trả lời câu hỏi của tôi về các loại hàng điện tử đang bày bán tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim, chị Nguyễn Thị Minh, quê ở Tây Ninh, cho biết: “Hàng đẹp thật đấy, giá lại rẻ nữa nhưng ngặt nỗi phải dành tiền cho việc khác. Chị đem tiền lên không phải để mua hàng mà đóng học phí cho con, tiện đường ghé vào xem khi nào có tiền thì xuống mua”. Anh Thành, nhân viên bán hàng tại đây, cho biết: “Chuyện khách hàng đến xem mà không mua là bình thường. Hầu hết họ đều có nhu cầu mua sắm nhưng không có tiền nên ghé xem giá để tính toán...”. Trong bối cảnh như thế, tâm lý nhiều DN vẫn đang trông ngóng nhiều đến các chính sách vĩ mô từ Nhà nước. Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Trường Thành, khẳng định: “Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước với những ưu đãi như dành cho xuất khẩu trước đây, thậm chí trong nhiều trường hợp còn nhiều hơn”.
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thị trường và Giá cả, Bộ Tài chính gợi mở: “Cần có một chính sách ở tầm vĩ mô phân phối lại nguồn thu nhập trên cơ sở đánh thuế cao vào dịch vụ, tiêu dùng của người giàu sau đó chuyển cho người có thu nhập thấp một cách gián tiếp hoặc trực tiếp, trong đó làm sao tạo cho người lao động có thu nhập ổn định nhất là việc cần làm ngay. Song song đó, ngay từ năm 2009 chính sách kinh tế vĩ mô phải đặt lợi ích cả nước lên trên chứ không dành riêng cho một ngành hay DN nào”.
(Theo THIÊN KHIÊM // Báo Binh Duong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com