Hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) trong nước gia công hàng xuất khẩu (XK) cho các đối tác nước ngoài thuộc các nhóm hàng dệt may, da giày... rất khó xử lý các nguyên liệu còn thừa khi hết hợp đồng, nhất là những nguyên phụ liệu quý hiếm hoặc các sản phẩm gia công có giá trị thương mại cao, kiểu dáng độc đáo... Đặc biệt, cả 5 biện pháp xử lý được nêu trong Thông tư 116/2008/TT-BTC và Thông tư 74/2010/TT-BTC đều không áp dụng được đã gây khó khăn cho các DN gia công hàng XK.
Xử lý nguyên liệu thừa sau gia công không hề đơn giản với các doanh nghiệp. Ảnh: Huyền Linh |
Phía thuê gia công: "Bỏ của chạy lấy người"
Sau khi chấm dứt các hợp đồng gia công hàng XK như dệt may, da giày... vẫn còn thừa một số nguyên liệu, nếu không có hợp đồng tương tự nối tiếp, nguyên liệu dư thừa phải xuất trả lại cho người thuê gia công hoặc tiêu hủy tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay có một số đối tác nước ngoài không muốn nhận lại số nguyên phụ liệu dư thừa này. Lý do, số chi phí phải bỏ ra để nhập lại nguyên liệu dư thừa nhiều hơn giá trị của chính số nguyên liệu đó.
Từ năm 2008, khi kinh tế thế giới suy giảm đã phát sinh không ít trường hợp phía nước ngoài thuê gia công bị phá sản, họ tự chấm dứt hợp đồng, mà không "hồi âm" trong việc giải quyết hợp đồng đang thực hiện. Với những trường hợp "bỏ của chạy lấy người", thì cả 5 biện pháp xử lý trong Thông tư 116/2008/TT-BTC và 74/2010/TT-BTC đều không áp dụng được. Bởi, phía nước ngoài đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, không còn liên lạc với phía nhận gia công nữa, nên không có hợp đồng tiếp theo để chuyển tiếp nguyên liệu và cũng không có địa chỉ để xuất trả nguyên liệu. Một số phương thức khác như biếu tặng, tiêu hủy cũng không áp dụng được với nhiều lý do.
Thực tế trên đã khiến không ít DN gia công "dở khóc, dở cười", không biết giải quyết cách nào. Một số DN da giày, dệt may tại Hải Phòng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang thực hiện hợp đồng gia công thì đối tác nước ngoài bị phá sản và tự ý rút lui vô điều kiện. Những nguyên liệu gia công do nước ngoài cung cấp đã hết hạn sử dụng nhưng không thể tiêu hủy vì DN gia công không có tiền nộp thuế, mà để lại thì mặt bằng của DN vốn đã chật lại càng chật hơn. Tình trạng các DN bất đắc dĩ phải "ôm" nguyên phụ liệu gia công tồn đọng đang khá phổ biến ở các nhóm hàng nói trên, rất cần có biện pháp xử lý kịp thời.
Phía gia công: "Dở khóc, dở cười"?
Theo các chuyên gia, trong số các biện pháp xử lý nguyên liệu gia công tồn đọng chỉ còn biện pháp bán tại thị trường Việt Nam là khả thi hơn. Tuy nhiên, hiện nay quy định về xác định giá trị tính thuế của biện pháp này lại chưa phù hợp với thực tế. Bởi, nguyên liệu gia công là tài sản riêng của bên thuê gia công gửi cho bên nhận gia công để sản xuất ra những sản phẩm theo hợp đồng đã thỏa thuận. Nguyên liệu gia công không phải là hàng hóa mua bán. Giá nguyên liệu ghi trên các chứng từ gửi hàng không phải là giá thỏa thuận giữa người mua với người bán, mà là giá đơn phương áp đặt của người thuê gia công. Không ít trường hợp bên thuê gia công cố ý ghi giá nguyên phụ liệu cao hơn thực tế để phạt vạ bên nhận gia công trong trường hợp nguyên liệu bị mất. Vì những lý do trên, không thể áp đặt khái niệm giá trị hải quan vào lĩnh vực này được. Nếu DN chấp nhận biện pháp nộp thuế để bán lại nguyên liệu trên thị trường nội địa cũng có nghĩa là họ phải chấp nhận tình trạng nhập khẩu bị động. Hơn nữa, chất lượng của nguyên phụ liệu tồn đọng hầu hết là "đầu thừa", "đuôi thẹo" hoặc kích thước không đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN. Đây là lý do mà các DN không chấp nhận giải pháp nộp thuế cho nguyên liệu gia công dư thừa hiện nay.
Từ thực tế trên, ngành chức năng cần xem xét lại việc áp dụng biện pháp xử lý nguyên liệu gia công dư thừa theo hướng xác định lại giá trị tính thuế đối với số nguyên liệu này. Số nguyên liệu gia công dư thừa của các DN có thể được xác định giá trị để tính thuế theo hướng mức giá thực tế hợp lý tại thời điểm xác định giá. Bởi, giá này có thể dung hòa được lợi ích kinh tế của Nhà nước và DN. Giải pháp này giúp tận dụng vật chất cho xã hội, Nhà nước có thêm nguồn thu, DN giải tỏa được khối lượng nguyên liệu bất đắc dĩ lại thu được lợi nhuận... và góp phần làm môi trường kinh doanh minh bạch hơn.
Theo Thông tư số 116/2008/TT-BTC (ngày 4-12-2008) và Thông tư số 74/2010/TT-BTC (ngày 14-5-2010) của Bộ Tài chính thì tùy theo sự thỏa thuận trong hợp đồng gia công và quy định của pháp luật Việt Nam, nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm, phế thải, máy móc, thiết bị thuê, mượn để gia công được xử lý như sau: bán tại thị trường Việt Nam (thực hiện theo phương thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ); xuất khẩu trả nước ngoài; chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công khác tại Việt Nam; biếu, tặng tại Việt Nam; tiêu hủy tại Việt Nam. |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com