Càng ngày người chăn nuôi càng gặp phải nhiều khó khăn, từ thị trường tiêu thụ đến vấn đề giá cả, dịch bệnh,... thì hiện nay, họ phải đối mặt với áp lực tăng chi phí đầu vào khi giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tăng nhanh với cường độ tháng 3-4 lần/tháng. Vì vậy, sau khi kết thúc vụ nuôi, nhiều nông dân không mạnh dạn tiếp tục đầu tư vào vụ nuôi sau.
Giá thức ăn tăng nhanh
Hơn 1 tháng, giá TĂCN trên thị trường đã điều chỉnh tăng 3-4 lần, mỗi lần tăng từ 100-250 đồng/kg. Theo phản ánh của nhiều hộ nuôi cá, giá thức ăn cá tra mấy ngày vừa qua tăng đột biến và nhanh nhất trong các loại TĂCN khác. Chỉ trong tháng 11-2010, giá tăng 4 lần, với mức tăng tổng cộng lên đến 700 đồng/kg. Trong tháng 12-2010, giá lại tiếp tục tăng thêm 3 lần nữa, với mức tăng tổng cộng lên khoảng 800 đồng/kg. Hiện thức ăn cho heo, gà đã lên đến trên 10 ngàn đồng/kg, thức ăn cho cá tra loại 260N đã gần 10.000 đồng/kg.
Theo ông Trần Vũ Trường Lâm – Giám đốc kinh doanh khu vực Cần Thơ thuộc Công ty cổ phần Việt Thắng – Khu công nghiệp Seđéc (Đồng Tháp) thì nguyên nhân giá TĂCN thức ăn tăng do nguyên liệu đầu vào như cám gạo, bột mì, bột cá... tăng liên tục nên kéo giá thức ăn tăng theo. Theo nhiều chuyên gia, với mức giá thức ăn như hiện nay cộng với sự gia tăng của các yếu tố đầu vào khác như: con giống, hoá chất, nhân công, tỷ lệ hao hụt cao... thì giá thành nuôi cá tra khoảng 19.500 - 20.000 đồng/kg. Do đó, người nuôi cá tra rất dễ lâm vào tình trạng phá sản khi giá cá giảm.
Tương tự, người nuôi cá ao bè cũng đang gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Bé Năm, ấp Hoà Thinh, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, cho biết: “Tôi nuôi cá bè nhiều năm nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng trong 1 tháng TĂCN điều chính giá tăng đến 4 lần. Hiện thức ăn chăn nuôi cho cá rô phi đỏ là 13.200 đồng/kg, trong khi giá cá chỉ 24.000 đồng/kg, giảm gần 6.000 đồng so với 3 tháng trước nên người nuôi từ huề vốn đến lỗ tuỳ theo kỹ thuật nuôi”.
Đồng cảnh ngộ, hiện nay người nuôi gia súc, gia cầm cũng đang chờ đợi giá thức ăn ổn định mới dám mạnh dạn đầu tư nuôi tiếp. Anh Trần Văn Minh – nông dân chuyên nuôi gà thả vườn ở xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết: “Trước đây, mỗi đợt bán gà khoảng 2.000 con, thu lãi hơn 50 triệu đồng. Nhưng hiện nay khó lòng có lời dù đàn gà vẫn khoẻ mạnh, phát triển tốt. Nếu hộ nào chẳng may bị bùng phát dịch bệnh coi như lỗ nặng”.
Nông dân đang bên bờ vực phá sản
Tiền Giang có tổng đàn heo, gà trên 7 triệu con, trên 12.000 hecta mặt nước nuôi thủy sản và gần 1.400 bè cá trên sông, trong đó, đa số nuôi dưới hình thức thâm canh, bán thâm canh nên sử dụng rất nhiều TĂCN. “Nghe nói Nhà nước đang bình ổn giá xăng dầu đến khi qua Tết, vì vậy khi Nhà nước cho giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới thì giá thức ăn chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Nếu giá heo gà, cá không tăng tương xứng chắc chúng tôi phải ngưng chăn nuôi để bớt thua lỗ” – ông Lê Quang Tú, chủ trại heo xã Hoà Định, huyện Chợ Gạo nói.
Giá thành TĂCN cao khiến người chăn nuôi đứng bên bờ vực phá sản. Ông Nguyễn Văn Thăng, phụ trách kỹ thuật cơ sở nuôi cá điêu hồng trong đăng quầng trên sông Tiền tại xã Thới Sơn, huyện Châu Thành (Tiền Giang) than thở: “Hiện nay, chi phí nuôi cá điêu hồng tại cơ sở vào khoảng 23.500-24.000 đồng/kg, trong khi giá cá chỉ 24.000 đồng/kg, do đó cầm chắc từ huề đến lỗ vốn”.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, chủ cơ sở nuôi 500 con heo thịt và 60 con heo nái ở xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành (Tiền Giang) vừa bán trên 100 heo thịt cho biết: “Hiện giá thức ăn Ocialis (Pháp) dành cho heo nái có giá 8.700 đồng/kg; heo con có giá 12.500 đồng/kg và trung bình mỗi kg thức ăn tăng lên 4.000 đồng. Trong khi hiện nay thương lái mua heo hơi với giá 3,4-3,6 triệu đồng/tạ, tăng 500.000-700.000 đồng/tạ so với đầu tháng 1, nhưng qua Tết giá heo chắc chắn sẽ giảm lại, khi đó người chăn nuôi heo chắc lỗ”.
Không chỉ người chăn nuôi lo âu, giá TĂCN leo thang cũng làm các đại lý ngồi trên lửa, vì đa số nông dân mua cám, thức ăn thiếu đến khi heo, gà, thủy sản xuất bán mới thanh toán. Do đó, một khi người chăn nuôi bị thua lỗ, phải ngưng chăn nuôi cũng đồng nghĩa với các đại lý khó thu hồi vốn.
Do vậy, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững thì việc thực thi chính sách bình ổn giá TĂCN một cách có hiệu quả là vấn đề quan trọng.
(Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com