Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ KH-ĐT) Lưu Quang Khánh, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng hơn 10% so với năm nay. Để kiềm chế nhập siêu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần cơ cấu lại mặt hàng nhập khẩu một cách hợp lý.
Sẽ nhập khẩu khoảng 92 tỷ USD
Theo Vụ Kinh tế dịch vụ, năm 2011 tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến khoảng 92 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2010. Mục tiêu của hoạt động này trong năm tới là tiếp tục đảm bảo ổn định nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và GDP; Phát triển sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu; Từng bước hạn chế và kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được và tiến tới giảm thâm hụt cán cân thương mại. Vụ Kinh tế dịch vụ cho rằng, cần ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị công nghệ tiên tiến.
Cụ thể, đối với nhóm hàng cần thiết nhập khẩu phải đảm bảo đủ để ổn định sản xuất. Trong đó, máy móc thiết bị trị giá khoảng 15 tỷ USD, xăng dầu khoảng 10 triệu tấn, phân bón 3,5 triệu tấn, thép thành phẩm 7 triệu tấn, nguyên phụ liệu dệt may da 3 tỷ USD... Nhóm mặt hàng cần kiểm soát gồm: sản phẩm chế tạo từ gang thép, than cốc và các sản phẩm từ hóa dầu, gas, đá quý, kim loại quý, tránh tăng đột biến làm gia tăng kim ngạch nhập khẩu. Đối với nhóm hạn chế nhập khẩu gồm: nguyên phụ liệu thuốc lá, hàng tiêu dùng, ô tô dưới 12 chỗ ngồi, linh kiện ô tô dưới 12 chỗ, linh kiện xe máy... chiếm khoảng 8% kim ngạch nhập khẩu. Nhập siêu năm 2011 dự kiến khoảng 14 tỷ USD, thấp hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 82,8 tỷ USD, tăng 18,4% so với năm 2009. Việt Nam đã nhập rất nhiều máy móc, phụ tùng có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (quy mô khoảng 13,28 tỷ USD, dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu). Nhập siêu năm 2010 ước đạt 12 tỷ USD. Nhiều ý kiến cho rằng, việc gia tăng nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng, từ “cái tăm đến hộp sữa” là nguyên nhân khiến nhập khẩu gia tăng.
Cần cân đối cơ cấu nhóm hàng
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, tỷ lệ hàng tiêu dùng nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu nên có giảm nhập nhóm hàng này cũng không khiến kim ngạch nhập khẩu cả nước giảm nhiều. Hai nhóm hàng gồm: máy móc thiết bị nhập khẩu chiếm khoảng 30% và nguyên phụ liệu sản xuất chiếm 60% kim ngạch nhập khẩu mới cần phải cân đối lại để hạn chế và giảm nhập. Cũng theo ông Ánh, việc nhập khẩu gia tăng về con số tuyệt đối là đáng lo ngại. Kim ngạch nhập khẩu chiếm 82,8 tỷ USD năm 2010 trên tổng số hơn 100 tỷ USD là quá lớn, sẽ chi phối khủng khiếp đến nền kinh tế, giá cả hàng hóa. Khi giá thế giới lên cao, giá trong nước cũng bị đẩy lên theo.
Theo ông Lưu Quang Khánh, để hạn chế nhập siêu năm 2011, cần tiến hành các biện pháp như: triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu. Phối hợp các hiệp hội, bộ, ngành đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
(An ninh Thủ đô)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com