Ngân hàng Hồng Công - Thượng Hải (HSBC) dự báo Việt Nam cả năm 2010 sẽ tăng trưởng GDP 6,8%, lạm phát 8% và lãi suất cơ bản sẽ là 12%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khuyến cáo Việt Nam cần giám sát chặt chẽ tình hình lạm phát, đặc biệt khi giá hàng hóa tiếp tục ở mức cao trong năm 2010. Còn chúng ta?
Người nội trợ băn khoăn trướcquầy hàng thực phẩmẢnh: Thanh Vũ |
Sau Tết giá cả tiếp tục tăng. Các bà nội trợ quyết tìm chỗ mua rẻ nhất để tiết kiệm tiền chợ cho chồng con được nhờ. Các nhà khoa học thường cả nghĩ và lo xa, người đoán già, kẻ đoán non, ai cũng nặng lòng lắm. Các nhà hoạch định chính sách bình tĩnh hơn và quả quyết rằng số liệu thống kê chính thức cho thấy nguyên nhân hàng đầu có tính truyền thống, trực tiếp và dễ nhận thấy chính là sự gia tăng đột ngột vượt trội mọi thời điểm khác trong cả năm về nhu cầu và sức tiêu thụ các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gắn với dịp Tết cổ truyền dân tộc, nhất là ở các đô thị tập trung dân cư và có quy mô thị trường tiêu thụ lớn, như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... Và cũng theo quy luật thông thường, sau Tết, giá cả sẽ có xu hướng hạ nhiệt dần.
Theo các cơ quan thống kê, mức tăng CPI trên hai địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh so với tháng trước, lần lượt trong tháng 1-2010 là 1,3% và 1,29%, trong khi mức tăng chung của cả nước cùng thời gian so sánh là 1,36%; sang tháng 2-2010 các con số tương ứng lần lượt là 2,61%; 1,68% và 1,96%, do đó mức tăng CPI trong hai tháng đầu năm 2010 của cả nước là 3,35%.
Năm 2010, cùng với xu hướng chung thế giới, Việt Nam sẽ triển khai đồng thời chính sách tài chính - tiền tệ (TC-TT) thắt chặt hơn nhằm kiểm soát lạm phát, đồng thời vẫn tiếp tục ở mức độ nào đó chính sách nới lỏng tín dụng thận trọng để hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì động lực tăng trưởng, ổn định kinh tế-xã hội. Ðây là một bài toán "nghiệm kép" khó giải không phải chỉ với Việt Nam, mà còn với cả Trung Quốc và Nga, cũng như nhiều nước khác.
Về tổng thể, sức ép làm tăng chỉ số CPI của Việt Nam trong những tháng tới sẽ đa dạng, phức tạp hơn. Thực tế trên gắn với sự cộng hưởng tiêu cực các tác động quán tính, trực tiếp và gián tiếp, tức thời hay trễ muộn ít nhiều của tình trạng giá cao trong Tết, cũng như của sự sẽ gia tăng không chỉ một lần các chi phí "đầu vào", như giá xăng, than, điện, nước, chi phí vận tải, cả tăng mức tiền lương, tăng lãi suất ngân hàng và các chi phí vốn của doanh nghiệp; đồng thời, gắn với hệ quả hai chiều của các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng đã triển khai trong năm 2009 và còn tiếp diễn ở các mức độ khác nhau trong năm 2010.
Cần nhấn mạnh rằng, việc bảo đảm khả năng trả nợ đúng hạn và sự lành mạnh của các khoản nợ tín dụng đã cấp cũng có tác động trực tiếp và gián tiếp đến động thái lạm phát của Việt Nam năm 2010. Nếu những khoản nợ lớn bị dây dưa sẽ tạo nguy cơ mất khả năng thanh khoản của các ngân hàng chủ nợ, đồng thời tạo áp lực tăng cho vay tái cấp vốn - phát hành tiền vào lưu thông của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại. Bản thân việc điều chỉnh tăng tỷ giá ngoại tệ, trước hết đối với USD là một động thái cần thiết nhằm hạn chế, giải tỏa tình trạng găm giữ, cũng như kỳ vọng đầu cơ, góp phần cân đối theo nguyên tắc thị trường cung-cầu về ngoại tệ, kích thích xuất khẩu và tăng cường sản xuất trong nước, từ đó góp phần kiềm chế vững chắc lạm phát. Tuy nhiên, trong thời gian đầu và mức độ cục bộ, sự điều chỉnh tỷ giá này có thể ít nhiều làm tăng giá của hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu, do đó làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, cũng như làm giảm lượng hàng nhập khẩu, từ đó có thể làm gia tăng áp lực lạm phát cung-cầu và chi phí đẩy.
Ngoài ra, dưới góc độ toàn cầu, nhiều bất ổn trên thị trường hàng hóa và TC-TT, trong đó có xu hướng tiếp tục hoặc gia tăng biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền chủ chốt và khủng hoảng nợ do thâm hụt ngân sách của nhiều nước như là hệ quả các gói kích thích kinh tế trong năm 2009 và kéo dài đến 2010. Ngay bản thân sự phục hồi nền kinh tế và gia tăng các nhu cầu về nguyên vật liệu sản xuất, các hoạt động tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu cả trên thị trường trong nước và thế giới cũng khiến làm tăng giá dầu, kéo theo giá xăng, phân bón, thuốc trừ sâu và các nguyên liệu sắt, thép, xi-măng tăng..., nhất là từ nửa cuối năm 2010. Ðiều này có nghĩa sẽ trực tiếp làm tăng đồng thời các loại lạm phát chi phí đẩy và lạm phát ngoại nhập, như mặt trái và hệ quả đi kèm tất yếu của tăng trưởng và toàn cầu hóa.
Như vậy, năm 2010 Việt Nam tiếp tục chịu đựng nhiều sức ép đa chiều, cả cũ và mới. Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% như kế hoạch đã đặt ra là khó khăn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ hiện đã có chỉ đạo thực hiện đồng bộ sáu nhiệm vụ chủ yếu và năm nhóm giải pháp lớn để ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát cao. Ðặc biệt, ngày 2-2-2010, Thủ tướng Chính phủ kịp thời có chỉ thị yêu cầu các bộ và địa phương hữu quan phải chủ động, kịp thời can thiệp thị trường hoặc trình cấp có thẩm quyền các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết để bảo đảm không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là các loại hàng hóa thiết yếu như: gạo, xăng dầu, phân bón, xi-măng, sắt thép; vừa thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng khó khăn khi thực hiện chủ trương điều hành giá cả theo cơ chế thị trường, vừa chủ động cung cấp thông tin, không gây hoang mang, tạo tâm lý tăng giá...
Bên cạnh đó, để kiềm chế vững chắc lạm phát, ổn định và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế trong năm 2010 và tiếp theo, Việt Nam cần chú ý đến bảo đảm yêu cầu cạnh tranh kinh tế thị trường đầy đủ, có sự kiểm soát hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Cần cân nhắc hợp lý hơn thời điểm và mức tăng giá các mặt hàng trong diện kiểm soát giá. Tăng cường hoạt động kiểm toán, giám sát, kiểm soát và xử lý sự độc quyền và các vi phạm về giá từ phía các doanh nghiệp và các bên liên quan; đồng thời quan tâm hơn đến sự đủ đầy của các kho dự trữ quốc gia, phòng khi "trái gió, trở trời". Ðặc biệt, cần chủ động, linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ và hoạt động quản lý nhà nước, giữa yêu cầu thắt chặt với nới lỏng TC-TT, bảo đảm an toàn và hiệu quả vốn đầu tư. Kiểm soát chặt chẽ thâm hụt NSNN, nợ công, đầu tư nhà nước, lãi suất, tỷ giá, mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng phù hợp với các cân đối vĩ mô, bảo đảm khả năng an toàn thanh toán đối với nền kinh tế; chuyển dịch mạnh cơ cấu tín dụng nhằm định hướng và thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế và doanh nghiệp theo hướng phát triển dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh chung của đất nước, của ngành và đơn vị mình theo nguyên tắc thị trường, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng cả thị trường trong nước và nước ngoài, ưu tiên cho thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh và có hàm lượng chế biến cao, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, không thiết yếu hoặc trong nước có thể sản xuất thay thế. Cân bằng hơn giữa cho vay đầu tư xuất khẩu với cho vay phát triển thị trường trong nước; hạn chế cho vay các nhu cầu vốn thuộc các lĩnh vực phi sản xuất; kiểm soát chặt chẽ nợ quá hạn, nhất là nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ; trong bất luận trường hợp nào cũng không dùng biện pháp phát hành - lạm phát để bù đắp thiếu hụt NSNN. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, các hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, điều tiết thị trường và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, cũng như tăng cường công tác thông tin, dự báo và phản biện chính sách xã hội, nhất là mặt trái của những chính sách đang và sẽ triển khai. Phối hợp tốt giữa các hoạt động và cơ quan dự báo với điều hành và giám sát (bao gồm cả giám sát chuyên ngành với giám sát hợp nhất, tổng thể toàn thị trường), để cảnh báo sớm rủi ro và xử lý một cách hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, nhất là các rủi ro chéo, tránh các đổ vỡ dây chuyền và bất ngờ.
(Theo TS NGUYỄN MINH PHONG // Báo Nhân dân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com