Tới thời điểm này, cho dù đã giảm tốc mạnh, thậm chí tụt xuống mức tăng trưởng "âm", nhưng có thể nói, hoạt động xuất khẩu của nước ta vẫn đang có sự nỗ lực vượt bậc trong điều kiện kinh tế toàn cầu khó khăn như hiện nay.
Số liệu thống kê cho thấy, với khoảng 18,6 tỷ USD trong 4 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2008. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, "đoàn tàu xuất khẩu" tăng trưởng "âm" (3 tháng đạt trên 14 tỷ USD, tăng 7,39%).
Hơn thế, nếu loại trừ phần tăng đột biến trong xuất khẩu của nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm, thì xuất khẩu trong 4 tháng qua giảm 13,4%. Mức này đã vượt qua mức giảm tốc khi nước ta bị mất thị trường truyền thống ở đầu thập kỷ trước do các biến động chính trị ở Đông Âu.
Mặc dù vậy, có 2 căn cứ quan trọng để khẳng định kết quả xuất khẩu trên là thành công.
Thứ nhất, nếu so với "người khổng lồ" Trung Quốc - nguồn động lực tăng tốc chủ yếu của thương mại thế giới trong suốt 7 năm qua - hay so với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Nhật Bản…, thì kết quả xuất khẩu của nước ta vẫn sáng sủa hơn rất nhiều. Cụ thể, với "người khổng lồ" Trung Quốc, cho dù trong suốt 7 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế này đã tăng ngoạn mục hơn 27%/năm, cao gấp 2,28 lần so với 7 năm "tiền gia nhập WTO" và hiện là cường quốc thứ hai thế giới về xuất khẩu, nhưng xuất khẩu trong tháng 1/2009 đã giảm 17,5%; tháng 2 giảm kỷ lục 25,7% và tháng 3 giảm 17,1% (bình quân giảm trên 20% so với cùng kỳ 2008).
Mức tăng trưởng "âm" trong xuất khẩu của Nhật Bản còn tệ hơn nhiều. Đó là các mức giảm 45,7%; 49,4% và 45,6% trong 3 tháng qua. Xuất khẩu rơi tự do đã khiến quốc gia này lần đầu tiên trong 28 năm qua bị thâm hụt mậu dịch thường niên. Thứ hai, cho dù giảm tốc và trong khi mức tiêu thụ trên thị trường trong nước tăng vượt trội hơn, nhưng xuất khẩu vẫn tiếp tục là đầu ra chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Kết quả tính toán từ các số liệu thống kê cho thấy, cho dù tăng đại nhảy vọt 32,2% trong năm 2008, nhưng "rổ hàng hoá tiêu dùng" trong nước mới đạt khoảng 47 tỷ USD và chỉ bằng 3/4 "rổ hàng hoá xuất khẩu". Riêng 4 tháng qua, cho dù vẫn tiếp tục tăng ngoạn mục 22,2% và đã đạt 282.600 tỷ đồng, nhưng do VND đã mất giá so với USD, nên "rổ hàng hoá tiêu dùng" cũng chỉ khoảng 16 tỷ USD, bằng khoảng 85,6% "rổ hàng hoá xuất khẩu".
Nói cách khác, cho dù xuất khẩu đã tăng trưởng chậm lại, còn thị trường trong nước tiếp tục phát triển rất đáng mừng, nhưng vai trò thúc đẩy nền kinh tế phát triển của xuất khẩu vẫn lớn hơn hẳn thị trường tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, nhờ những nỗ lực vượt bậc, đặc biệt là những đóng góp rất lớn của nhóm hàng nông - lâm, thủy sản, nên kết quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan hơn nhiều so với các nước khác và cũng góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước.
Vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế của xuất khẩu hàng hoá đã được khẳng định từ nhiều năm qua, vì vậy trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc duy trì thị trường xuất khẩu của các sản phẩm chủ lực và mở thị trường mới là rất quan trọng nhằm giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Để thực hiện được nhiệm vụ nặng nề này, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp và hiệp hội, vai trò của cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan thương vụ tại nước ngoài cần được thể hiện rõ hơn nữa để tạo cầu nối thị trường và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ chế thông tin về thị trường, chính sách kinh tế tại các thị trường mà doanh nghiệp đã và đang khai thác là điều mà doanh nghiệp xuất khẩu đang rất thiếu. Các cơ quan quản lý cần lưu ý tới vấn đề này nhằm "giữ đà" cho doanh nghiệp.
(Theo Nguyễn Đình Bích - Báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com