Xuất khẩu một số mặt hàng nông sản sang Cuba đang có bước đột phá, nhưng DN lại vướng trong việc bảo lãnh cho vay xuất khẩu (Ảnh: Chế biến điều xuất khẩu tại Cty CP nông sản bao bì Long An) |
Dù Bộ Tài chính đã quyết định giảm lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu ở Ngân hàng Phát triển VN (VDB) từ 6,9%/năm xuống còn 2,9%/năm, áp dụng cho các hợp đồng tín dụng xuất khẩu vay vốn được ký kết giải ngân từ ngày 17/4 đến hết ngày 31/12, tuy nhiên, nhiều vướng mắc vẫn tồn tại, gây khó khăn cho các DN xuất khẩu, đặc biệt với hợp đồng xuất khẩu lô lớn, dài hạn.
Theo quy định, sau thời gian từ ngày 17/4 đến hết ngày 31/12/2009, nếu các khoản vay còn tiếp tục, DN sẽ trả theo lãi suất bình thường. Dự kiến, nguồn vốn bù lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu năm 2009 khoảng 300 – 400 tỷ đồng. Quý 1/2009, VDB giải ngân vốn tín dụng xuất khẩu đạt 8.120 tỷ đồng, và tính đến nay VDB đã giải ngân được 9.443 tỷ đồng vốn tín dụng xuất khẩu, dư nợ đạt 15.328 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, một số chương trình cho vay như chương trình cho vay đóng tàu xuất khẩu (có thời hạn cho vay từ 1- 2 năm) và Cuba (thời hạn cho vay từ 1-5,5 năm) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ TDXK (khoảng 48%) song chỉ được hỗ trợ trong khoảng thời gian từ 17/4/2009-31/12/2009. Trong khi đây là các khách hàng khó khăn, thực hiện các chương trình, mục tiêu của Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Công văn số 5612/BTC-TCNH, các hợp đồng tín dụng ký kết và giải ngân từ 17/4/2009 thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất. Như vậy, so với đối tượng được hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 02/2009/TT-NHNN hướng dẫn Quyết định 131/2009/QĐ-TTg thì các hợp đồng tín dụng được hỗ trợ lãi suất từ 1/2/2009 thì các hợp đồng xuất khẩu vay vốn tại NHPT không được hồi tố bù lãi suất 2,5 tháng, gây thiệt thòi rất lớn cho DN. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để việc thực hiện chủ trương hỗ trợ cho vay xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thì nhà nước cần có quy định linh hoạt hơn cho phù hợp với các đối tượng khác nhau.
Theo ông Phạm Văn Mẫn - Phó Giám đốc Cty Du lịch và Thương mại Nhật Trang, (cùng Cty Động Lực, Anphanam đều 100% vốn tư nhân) có hợp đồng hàng xuất khẩu sang Cuba kiến nghị: Năm 2008, 2009 là năm “đột phá“ một số mặt hàng xuất khẩu sang Cuba như hàng nông sản, may mặc, công nghiệp nhẹ, tiêu dùng... Tuy nhiên, DN như lại mắc việc bảo lãnh cho vay xuất khẩu, bởi thanh toán bằng LC chỉ trong 360 ngày kể từ ngày ký hóa đơn. Nhưng trước khi hàng xuống tàu thì DN cũng phải mất 1 – 2 tháng chuẩn bị hàng hoá, trong khi đó khoảng thời gian này DN không được bảo lãnh. Mặt khác, một vấn đề hiện nay là theo quy định, mỗi dự án DN nhận xuất khẩu hàng phải đảm bảo 10% vốn đối ứng mà hợp đồng có thể lên tới 30 triệu USD, thậm chí 70 – 80 triệu USD. Tính ra số vốn đối ứng là rất lớn ( 3 triệu USD, 7 – 8 triệu USD), nhất là đối với những DNNVV với số vốn còn hạn hẹp. Chính vì vậy, DN đề xuất Nhà nước có thể miễn hoặc giảm tỷ lệ thu đối ứng đối với DN khi tham gia bảo lãnh cho vay xuất khẩu.
Bên cạnh đó, để DN có cơ hội đàm phán mở rộng thêm các hợp đồng đối với nước bạn thì DN phải tìm hiểu và từ đó đưa ra dự báo được các hợp đồng rồi trình báo và tiến hành các khoản vay, tiếp cận vốn với NHTM. Vì vậy, việc hạ mức bảo lãnh tín dụng đối với nhà cung cấp nội địa là rất cần thiết để đảm bảo nguồn hàng.
(Theo Phương Thảo // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com