Mặc dù không “thích” phải bổ sung hạn ngạch nhập nhập khẩu đường, nhưng Bộ Công Thương vẫn phải “xin” Chính phủ cho phép nhập khẩu thêm |
Tính chưa chuẩn
Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ cho biết, đầu năm giá đường trên thị trường vẫn đứng ở mức rất cao và còn có xu hướng tiếp tục tăng (giá đường trắng có thời điểm xấp xỉ 22.000 đồng/kg). Cùng với đó, giá đường trắng trên thế giới cũng đang biến động rất phức tạp, tăng giảm với biên độ khá lớn.
Việc cho phép nhập khẩu một lượng lớn đường xem ra không giải quyết triệt để được cơn sốt giá trên thị trường |
Trước những biến động “nóng” đó, đầu tháng 1/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo các bộ ngành chức năng có các giải pháp cân đối mặt hàng đường. Với chỉ đạo này, ba bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) phải cùng ngồi lại để cân đối lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho năm 2010. Theo đó, Bộ NNPTNT tính toán năm 2010, sẽ thiếu khoảng 300.000 tấn đường. Dựa vào đó, các bộ đã thống nhất công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đợt 1 là 150.000 tấn. Lượng hạn ngạch nhập khẩu này chỉ được cấp cho doanh nghiệp sản xuất trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu.
Tuy nhiên, giá đường trong nước vẫn ở mức cao, kể cả sau khi Bộ NNPTNT đã tổ chức họp và chỉ đạo các nhà máy đường bán buôn đường thô ở mức dưới 15.000 đồng/kg, đường tinh luyện dưới 16.500 đồng/kg. Cho rằng tính toán của Bộ NNPTNTT về nhu cầu đường năm 2010 “chưa chuẩn”, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NNPTNT đánh giá lại chính xác cân đối cung cầu đường năm 2010 để có cơ sở xác định chính xác lượng đường còn thiếu, cần nhập khẩu bổ sung.
Quản chưa ổn?
Mặc dù không “thích” phải bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (giải pháp bất đắc dĩ được thực hiện nhiều lần trong năm 2009), nhất là chỉ sau chưa đầy 1 tháng công bố hạn ngạch thuế quan đường nhập khẩu đợt 1, nhưng Bộ Công Thương vẫn phải “xin” Chính phủ cho phép nhập khẩu thêm ngay lập tức 100.000 tấn đường. Lượng hạn ngạch bổ sung này chủ yếu giao cho các doanh nghiệp thương mại (55.000 tấn). Trong số còn lại, 30.000 tấn giao cho các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu, 15.000 tấn đường thô giao cho nhà máy đường Biên Hòa tinh luyện. Không chỉ Bộ Công Thương, trước đó Tổ Điều hành thị trường trong nước và Bộ NNPTNT cũng đồng quan điểm cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu với mức 100.000 tấn.
Tuy nhiên, chỉ đạo của Chính phủ chỉ đồng ý cho phép bổ sung một nửa số lượng mà Bộ Công Thương đề xuất, tức 50.000 tấn. Toàn bộ lượng đường bổ sung này được phân cho các doanh nghiệp thương mại, nhằm bình ổn giá đường tiêu dùng. Có thể thấy chỉ đạo này của Chính phủ được tính toán cân nhắc kỹ trên cơ sở một mặt bình ổn thị trường đường, nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo lợi ích cho người trồng mía cũng như các nhà máy sản xuất đường trong nước. Trên thực tế, đầu năm là chính vụ mía đường, lượng đường nếu có thiếu cũng không thiếu nhiều. Sự bất ổn của thị trường đường chính là do bài toán giá. Do giá đường trong nước luôn có xu hướng cao hơn đường nhập khẩu, các doanh nghiệp sản xuất muốn chủ động trong việc nhập khẩu đường thô để sản xuất nên “xin” thêm hạn ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi được cấp quota nhập khẩu đường thì giá đường thế giới lại đang cao nên các doanh nghiệp đều chần chừ, chưa dám nhập khẩu nhiều.
Có thể thấy việc cho phép nhập khẩu một lượng lớn đường xem ra không giải quyết triệt để được cơn sốt giá trên thị trường. Điều này đã được chứng minh trong năm 2009 khi Bộ Công Thương đã liên tục phải bổ sung, điều chỉnh lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường song giá đường trong nước cuối năm vẫn cao. Hai tháng đầu năm 2010, Bộ Công Thương đã cho phép nhập khẩu tới 200.000 tấn đường và lượng đường nhập khẩu này không chỉ được phân bổ đến các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng đường mà cả các doanh nghiệp thương mại, nhưng giá đường trong nước vẫn ở mức cao.
Vậy nên, nếu chỉ trông vào giải pháp “nóng” này để bình ổn thị trường là chưa đủ!
(Theo Hà Thành // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com