Hiệp hội Da giày khẳng định nỗ lực tăng cường đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất để bù thâm hụt về xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm |
Nửa đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu giảm trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng Thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu đã phải than rằng: “Năm 2009 này, khó khăn nhất vẫn là xuất khẩu”.
Theo thứ trưởng Khu, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở nhiều thị trường trọng điểm giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến sản xuất của một số ngành có giá trị xuất khẩu lớn của Việt Nam. Suy giảm mạnh nhất tập trung vào một số mặt hàng là gốm sứ, cao su, dây điện và cáp điện, dầu thô.
Doanh nghiệp bị “bó”
Những khó khăn do bối cảnh chung là điều đã được khuyến nghị với doanh nghiệp nhiều lần. Phần nhiều doanh nghiệp cũng đã có bước chuẩn bị thích ứng. Tuy nhiên, bản thân bộ Công Thương khi ngồi lại lắng nghe bức xúc từ doanh nghiệp cũng nhận thấy, có nhiều trở ngại lẽ ra có thể hạn chế được nếu như cơ quan quản lý chung lưng cùng doanh nghiệp. Lẽ ra khi các nhân tố bất lợi từ bên ngoài tác động vào thì ở trong nước, các “bà đỡ” doanh nghiệp cần phải đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa. Nhưng trên thực tế, việc xây dựng cơ chế chính sách vẫn chậm, khả năng áp dụng thực tế chưa cao đã gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn, với đặc thù sản xuất giày dép theo mẫu đặt hàng của nước ngoài, nhiều doanh nghiệp da giày đang gặp khó khăn bởi Quyết định 69 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài.
Đồng quan điểm với ông Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Lê Quốc Ân khẳng định: Không chỉ có Quyết định 69 gây phiền nhiễu với doanh nghiệp, Thông tư 17 ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi trả trợ cấp cho người lao động thôi việc dựa trên mức lương bình quân 6 tháng cuối cùng cũng khiến các doanh nghiệp dệt may, da giày lao đao vì số tiền chi trả quá lớn. Trong khi đó, người lao động xin nghỉ việc vừa được lấy một khoản tiền lớn mà vẫn được làm thủ tục hưu trí.
Ngoài ra, với đặc điểm sản xuất vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp dệt may, da giày đang rất cần một cơ chế cụ thể cho việc phát triển các khu công nghiệp phụ trợ, vùng nguyên liệu và cụm điểm công nghiệp tại các tỉnh. Nhưng điều này đang được triển khai với tốc độ không được như sự đòi hỏi của thực tế!
Bộ ngành “vênh” nhau
Sát cánh cùng doanh nghiệp để giải quyết kịp thời những khó khăn nảy sinh trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu là một trong các giải pháp quan trọng mà Bộ Công Thương và lãnh đạo các tỉnh thành, địa phương và các bộ ngành liên quan nhiều phen xác định là phải chung tay thực hiện. Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng ngành công thương mới đây, một lần nữa, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu lại đưa ra cam kết: Bộ Công Thương sẽ tăng cường các đoàn công tác chuyên ngành về tận địa phương, đến tận doanh nghiệp nắm bắt các khó khăn thực tế và giải quyết kịp thời. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, khai thác tối đa các thị trường có lợi thế về thuế nhập khẩu như Nhật Bản; từng bước xây dựng kênh phân phối một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như gạo, cà phê, sản phẩm cơ khí, tập trung vào thị trường Châu Phi, Trung Đông. Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài Chính điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu và nhập khẩu để hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời xây dựng đề án thí điểm “bảo hiểm tín dụng xuất khẩu” tại Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều cần nhắc lại ở đây là, câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp không thể chỉ từ một phía, một bộ ngành mà được. Hẳn nhiên, cứ xem xét những khi doanh nghiệp kiến nghị hay cầu cứu cũng có thể thấy rõ điều đó. Vậy nên, ông Khu cũng cho rằng: Cơ quan Hải quan cần rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục; Bộ Tài chính cần xem xét giảm bớt các thủ tục gây khó dễ cho gia công hàng nước ngoài… Vốn là “một cửa” sát sườn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cũng có nhiều kêu than, đại diện Tổng cục Hải quan, Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Việt Cường cũng muốn “gần” hơn với doanh nghiệp khi khẳng định: Ngành Hải quan sẽ tổ chức đối thoại thường kỳ với doanh nghiệp theo từng nội dung để tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Bên cạnh đó, tiếp theo Hải Phòng và TP. HCM, ngành sẽ tiếp tục triển khai làm thủ tục hải quan điện tử ở 7 tỉnh thành nữa nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Điều đáng nói ở đây, bộ ngành nào cũng tuyên bố coi việc hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp quan trọng đảm bảo các mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, chuyện vênh nhau vẫn là bình thường! Và xét đến cùng, bản thân doanh nghiệp vẫn là đối tượng phải gánh chịu những rủi ro đến từ cơ chế chính sách hay từ chính sự “bất tương đồng” của các bộ, ngành.
Vậy nên, mới có chuyện, để tiến trình hải quan điện tử được đẩy nhanh, ngành hải quan giữa chốn công luận “kêu gọi thiết tha” sự hợp tác đồng bộ giữa các bộ ngành. Chính ông Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho rằng: “Một số tiêu chuẩn hàng hóa do Bộ Công Thương quy định còn chưa cụ thể dẫn tới mức chênh lệch thuế lớn, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan”.
Chạy đua về đích
Mặc dù đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu xuống chỉ còn 3%, nhưng cứ xét tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm và những phân tích “khó ngoài, trở ngại trong” cũng cho thấy, cái đích đặt ra cho xuất khẩu cả năm là 64,75 tỷ USD là khá xa vời. Nếu những tuyên bố của các bộ ngành không được sớm cụ thể hóa, các doanh nghiệp không chủ động vượt khó thì cái đích này xem ra khó lòng mà “chạm tới được”.
Mặc dù Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí 128,2 tỷ đồng đã được phê duyệt nhằm hỗ trợ việc mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, nhưng thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhiều tỉnh thành có tiềm năng về xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ như Hà Nội, Đà Nẵng vẫn loay hoay trong việc xây dựng các đề án cụ thể để có thể hấp thụ được các hỗ trợ này. Điều này tạo nên sự lãng phí lớn cả về vật chất, thời gian, và quan trọng hơn nó là sự lãng phí “cơ hội” bứt lên của xuất khẩu.
Nhưng cũng tại cuộc họp do bộ Công Thương chủ trì nói trên, dẫu sao cũng đã có tín hiệu tích cực từ phía doanh nghiệp. Tập đoàn và Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày khẳng định nỗ lực tăng cường đơn hàng, đẩy mạnh sản xuất để bù thâm hụt về xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cam kết hoàn thành mục tiêu xuất khẩu ít nhất 5,5 triệu tấn gạo cho cả năm với hiệu quả cao nhất; đồng thời tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong dân.
Câu chuyện xuất khẩu sẽ vẫn còn thời sự, và điều đáng nói là, cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp, hẳn nhiên đều sẽ mong mỏi rằng, cuối năm, con số tăng trưởng âm sẽ được thay thế bằng con số “đẹp” hơn.
(Theo Nguyễn Kim Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com