Các doanh nghiệp đều cho rằng, khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn và kiến nghị nâng thêm chỉ tiêu của cả năm 2010 từ 6 triệu tấn lên 6,5 triệu tấn.
![]() |
Các doanh nghiệp đều cho rằng, khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn - Ảnh minh họa |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại hội nghị về xuất khẩu gạo vừa được tổ chức tại TP.HCM ngày 6/8, tính từ đầu năm đến 31/7, Việt Nam đã có được số hợp đồng xuất khẩu đạt 5,835 triệu tấn, tăng 21,14% so với cùng kì.
Và tính đến cuối tuần đầu tiên của tháng 8, tổng sản lượng hợp đồng xuất khẩu các doanh nghiệp đã ký với khách hàng đã đạt hơn 6,2 triệu tấn, trong đó gần 60% là các hợp đồng thương mại. Đây là số lượng đăng kí hợp đồng cao nhất từ trước tới nay.
VFA dự báo cả nước sẽ xuất khẩu được khoảng 1,8 triệu tấn gạo trong quý 3/2010 và 1,3 triệu tấn trong quý 4. Như vậy, cả năm 2010, Việt Nam có thể xuất khẩu được từ 6,4-6,5 triệu tấn gạo.
Nhờ điều hành xuất khẩu linh hoạt
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, kết quả này có được là nhờ chủ trương điều hành xuất khẩu gạo linh hoạt thực hiện từ tháng 3 đến nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo sản lượng lúa gạo hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng nội địa năm 2010, cân đối và công bố trong tháng 2 lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu trong năm 2010.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại nhà nước chủ động cân đối, bảo đảm nguồn vốn ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh và VFA tổ chức hệ thống thông tin cập nhật định kỳ về giá thành sản xuất lúa, giá bán lúa của nông dân, nhất là ở các vùng có sản lượng lúa hàng hóa lớn, giá gạo lưu thông trong nước và giá mua gạo xuất khẩu để phục vụ công tác điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất của người trồng lúa và bình ổn giá gạo thị trường trong nước.
Đặc biệt, Bộ Công Thương và Tổ điều hành xuất khẩu gạo liên bộ chỉ đạo các Tổng công ty Lương thực nhà nước tăng cường giao dịch, ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung có khối lượng lớn để tiêu thụ có hiệu quả lượng gạo vụ đông xuân và hè thu trong năm.
UBND các tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các Bộ liên quan, Tổ điều hành xuất khẩu gạo và VFA chỉ đạo sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các kênh thu mua, phân phối lúa gạo; tăng dần tỷ lệ thu mua hàng hóa trực tiếp cho nông dân; kiểm soát giá xuất khẩu theo quy định hiện hành; nâng cao chất lượng lúa, gạo xuất khẩu; tăng cường và hỗ trợ các dịch vụ sản xuất và cung ứng vật tư nông nghiệp.
VFA đẩy mạnh công tác tìm kiếm thị trường, khách hàng mới trong các năm 2010 - 2011.
Giữ giá ổn định để hỗ trợ xuất khẩu
Điểm đáng chú ý trong công tác điều hành xuất khẩu gạo năm 2010 là chính sách giá được giữ ổn định để hỗ trợ xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bước đầu đã thống nhất, đoàn kết dưới sự điều phối của VFA, theo sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ, kiên quyết đấu tranh với hiện tượng tiêu cực, bán phá giá, gây thiệt hại đến quyền lợi của người sản xuất, của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần giữ giá gạo ổn định, có thể chấp nhận được để cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác.
Rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo cho rằng, rất cần sự chủ động về giá để phù hợp với tình hình của từng thời điểm, để không bị mất cơ hội.
Tán thành với kiến nghị về quản lí giá của các doanh nghiệp, VFA đồng ý sẽ chỉ đưa ra giá sàn cho sản phẩm gạo 25% độ tấm, còn giá xuất loại gạo 5% và 10% sẽ do các doanh nghiệp tự xác định, để giúp các doanh nghiệp ký kết hợp đồng thuận lợi.
Năm 2010, giá gạo trên thị trường thế giới đang ổn định ở mức thấp. Nhưng theo đánh giá của VFA, giá gạo trong nước lại tăng nhờ vào 3 yếu tố tác động trong thời gian qua. Đó là nhờ khách hàng ký hợp đồng mua nhiều, chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ hè thu cho nông dân đưa ra kịp thời và các doanh nghiệp ký được nhiều hợp đồng thương mại nên tranh thủ gom hàng để giao. Nhờ giá lúa gạo trong nước tăng nên giá gạo Việt Nam xuất đã tăng thêm 20-30 USD/tấn, đang ở mức 375 USD/tấn loại 5% tấm, 330 USD/tấn loại 25% tấm.
Các doanh nghiệp đều cho rằng, khả năng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn. Do vậy, đều kiến nghị nâng thêm chỉ tiêu của cả năm 2010 từ 6 triệu tấn lên 6,5 triệu tấn và mục tiêu này được nhận định là trong tầm tay.
(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com