Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thú thật, họ rất lơ mơ về Đạo luật Farm Bill 2008 dù phong thanh luật này đã được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vào ngày 18-6-2008 (số hiệu H.R. 6124, Farm Bill 2008), với tên gọi “Đạo luật về Thức ăn, Bảo tồn và Năng lượng năm 2008” (Food, Conservation, and Energy Act of 2008).
Một luật sư làm việc cho một công ty xuất khẩu thủy sản ở Cần Thơ cho biết: Đạo luật H.R. 6124 vẫn còn một số điều tranh cãi và nó đã trải qua một quá trình tranh luận kéo dài gần 2 năm trong Quốc hội Mỹ, sau đó bị tổng thống phủ quyết vì duy trì những khoản trợ cấp và chi tiêu bất hợp lý. Ngày 18-6-2008, Đạo luật này lại được Quốc hội bỏ phiếu vượt qua quyền phủ quyết của tổng thống để trở thành Luật công số 110-246.
Đạo luật H.R. 6124 dày 700 trang, có 15 chương với hơn 600 mục, bao gồm: các chương về hàng hóa, vấn đề dinh dưỡng, nghiên cứu, tín dụng, bảo tồn, thương mại, lâm nghiệp, năng lượng và nhiều vấn đề khác. Theo đánh giá của Bộ Công thương, phạm vi điều chỉnh của Farm Bill 2008 rất rộng, chắc chắn sẽ tác động nhiều tới các hoạt động kinh doanh, xuất, nhập khẩu các mặt hàng liên quan của Việt Nam với thị trường Mỹ. Đáng lưu ý, sẽ có những thay đổi: Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ quản lý mặt hàng này thay vì Cơ quan Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA). USDA sẽ mở rộng định nghĩa catfish và cá tra của Việt Nam sẽ rơi vào danh sách các mặt hàng do USDA kiểm soát. Theo USDA, các loại thuộc chủng cá da trơn (catfish) bao gồm cả: Ictalurus - là loài cá da trơn có nguồn gốc từ khu vực Bắc Mỹ và pangasius là loài cá da trơn mà Việt Nam đang xuất qua Mỹ. Catfish nhập khẩu từ nước ngoài vào Mỹ phải có chứng nhận về kỹ thuật chế biến; quy trình sản xuất, chế độ kiểm tra chất lượng phải tương đương tiêu chuẩn hiện hành của Mỹ mà USDA đang áp dụng, việc sử dụng lao động không vi phạm quy định quốc tế về sử dụng lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Một doanh nghiệp nói: “Đây là hàng rào kỹ thuật để họ bảo hộ hàng trong nước. Nhưng không sao, hàng của Việt Nam vào thị trường này chỉ chiếm 5-6% nếu bên Mỹ không êm thì bán qua Nhật, EU... nhằm nhò gì...!? Nhu cầu nhập khẩu thủy sản vào Mỹ khoảng 12 tỉ USD/năm. Cá tra xứ mình ngon... Hàng đông lạnh, nhất thế giới là tôm, kế đó là cá da trơn và đạo luật này vẫn còn nhiều chỗ còn tranh cãi... lo gì?” - một doanh nhân tự trấn an.
Những nước giàu bao giờ cũng là... “vua” bảo hộ hàng trong nước. Họ luôn có chính sách khôn ngoan, thậm chí sống sượng để bảo hộ sản xuất trong nước với lý do không muốn doanh nghiệp trong nước bị tổn thương, sứt mẻ, nghèo đi... Từ một ngành hàng, họ huy động thành chính sách để chống đỡ khi phát hiện yếu tố bất lợi nổi trên thị trường. Một doanh nghiệp chế biến cá tra ở An Giang nói: Khi xuất khẩu ai cũng thấy điều đó và phải tự vượt qua tường rào kỹ thuật đó, nhưng bí nhất là... Công ty nào rành luật thì làm ăn tốt, nhưng họ có chia sẻ hiểu biết với ai đâu?! Có đơn vị gửi hàng đi bị giữ lại mà không biết mình bị cái gì. Hàng chục container bị giữ riết muốn trốn mà cũng chưa biết phải gỡ thế nào. Gỡ được mối này thì họ nghĩ tới việc tìm một thị trường khác chứ ít ai tập trung giải quyết vấn nạn khiến mình bị giữ hàng.
Một doanh nhân từ Cần Thơ sang Thái Lan nghiên cứu thị trường nói: Thái Lan luôn ở vị trí dẫn đầu các nước xuất khẩu gạo, đường, thủy sản, trái cây tới mì xắt lát... và họ vượt qua rào cản khá dễ dàng nhờ... quan niệm. Đầu tiên, họ quan niệm đầu tư công nghiệp để tạo giá trị tăng thêm cho nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cho nông nghiệp. Họ vận hành ngành hàng tinh tường, nhuần nhuyễn tới mức đáng thán phục. Đặc biệt, không thấy khoảng cách giao cảm nào với thị trường. Cái khoảng cách giao cảm ấy nguy hiểm vì sẽ dẫn tới chuyện không biết điều gì đang xảy ra chung quanh việc phát triển ngành hàng. Người vận hành ngành đường của Thái Lan, từng làm 40 nhà máy đường của Việt Nam điêu đứng, nói: Xóa được khoảng cách ấy thì sẽ biết phải bắt đầu từ đâu? Tại sao phải đầu tư những nhà máy có công suất 45.000 tấn mía/ngày, vốn ở đâu? Tại sao phải nhanh tay lẹ chân giải quyết bài toán công nghệ? Duy trì lợi tức của người trồng mía có lợi gì và việc chinh phục thị trường giúp giải quyết bài toán đó như thế nào?
Tuy nhiên, cái khó nhất là làm sao phát hiện mình mắc cái khoảng cách giao cảm ấy, người này nói. Và mọi người đồng tình: “Đúng là cái đó khó lắm”.
(Nguồn: HOÀNG LAN // Haugiang Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com