Theo đó từ 0 giờ ngày 1-10, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm 200 đồng- 500 đồng/lít (xăng A92 còn 15.200 đồng, giảm 500 đồng; dầu diesel giảm 300 đồng, còn 12.800 đồng; dầu hỏa giảm 500 đồng, còn 13.500 đồng/lít...). Từ thực tế điều chỉnh giá xăng dầu lần này, dư luận vẫn băn khoăn bao giờ giá xăng dầu trong nước mới thật sự thị trường hóa.
Tăng ào ào, giảm nhỏ giọt
Như vậy là sau hàng loạt lần điều chỉnh tăng giá với mức tăng khá lớn “theo giá thế giới”, lần này dù giá xăng dầu thế giới đã giảm mạnh và trong gần 20 ngày qua, giá xăng thành phẩm chỉ dao động ở mức trên dưới 67 USD/thùng, giá xăng trong nước mới được điều chỉnh giảm nhỏ giọt, 500 đồng/lít.
Trước khi liên bộ đồng ý giảm giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã trình lãnh đạo bộ phương án trích quỹ bình ổn giá xăng dầu 1.000 đồng/lít xăng. Nếu phương án này được chấp thuận, việc giảm giá xăng dầu có thể đã không xảy ra.
Và lần này khi chấp thuận điều chỉnh giá, liên bộ đã yêu cầu DN kinh doanh xăng dầu trích nộp vào quỹ bình ổn giá xăng dầu từ 200 đồng đến 300 đồng/lít, tùy mặt hàng... Có ý kiến cho rằng một khi giá xăng dầu của các DN cứ đồng loạt tăng hay đồng loạt giảm (tăng thì ào ào, giảm lại tà tà và nhỏ giọt) thì không biết bao giờ giá xăng dầu trong nước mới thực sự thị trường hóa.
Giá xăng dầu vừa được điều chỉnh giảm 200 đồng - 500 đồng/lít từ ngày 1-10.
Ảnh: H.Thúy
Ông Vương Đình Dung, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, nói về mặt pháp lý, giá xăng đã được phép vận hành theo cơ chế thị trường (theo Quyết định 187 và Nghị định 55/2007/CP) nhưng trong thực tế không vận hành được.
Hiện nay, Bộ Tài chính, Công Thương đang sửa đổi Nghị định 55 theo hướng cho phép DN được quyết định giá bán, khi giá thế giới biến động quá 12%, Nhà nước mới can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Đại diện Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định cơ chế điều hành giá xăng dầu sẽ nhất quán theo giá thị trường, không quay lại cơ chế cũ nhưng ông Dung dự đoán điều này không thể thực hiện được. Bởi lẽ Nhà nước vẫn “làm thay” DN, tính toán công thức giá bán, liên tục điều chỉnh thuế... chứ không dựa vào cân đối lớn để điều hành.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, tổ trưởng tổ giám sát liên bộ về giá xăng dầu, cũng thừa nhận: Không chỉ có VN lúng túng với cơ chế giá xăng dầu mà nhiều nước trên thế giới cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hiện các nước đang theo hai mô hình: có tiềm lực tài chính để giữ giá thấp hoặc bảo đảm nguồn cung và có cạnh tranh. Tại VN, giá xăng dầu đã mấy lần “tập dượt” cạnh tranh nhưng chưa thành công.
Cạnh tranh không dễ
Điểm tiến bộ của dự thảo Nghị định 55 sửa đổi là mở rộng đối tượng được nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu. Các DN đáp ứng đủ điều kiện đều được cấp phép hoạt động, các DN tiêu dùng xăng dầu lớn có thể trực tiếp nhập khẩu phục vụ tiêu dùng nội bộ.
Tập đoàn Than - Khoáng sản VN là DN đầu tiên xin phép nhập khẩu trực tiếp thay vì mua của Petrolimex bởi mỗi năm, tập đoàn này tiêu thụ 235.000 m3 dầu diesel và 8.500 m3 xăng, chi phí sử dụng xăng, dầu chiếm khoảng 12,5% giá thành sản xuất.
Trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu hàng không lần này cũng được phá thế độc quyền vì đã có thêm một DN mới được cấp phép là Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (PJF). Một DN khác là Công ty Cổ phần Thương mại Xăng dầu Tân Sơn Nhất cũng đang chờ nhận giấy phép để tham gia thị trường.
Tuy nhiên, sẽ có bao nhiêu DN được tham gia thị trường này là vấn đề chưa có câu trả lời vì phải chờ quy hoạch để phù hợp với diện tích sân bãi ở các cảng hàng không.
Ngoài việc vướng quy hoạch, dự báo việc cạnh tranh của các DN cung ứng xăng dầu hàng không cũng khó khăn. Sản lượng tiêu thụ của thị trường VN chỉ đạt khoảng 0,5 triệu tấn tại 12 sân bay, chỉ bằng khoảng 1/10 sản lượng của một sân bay lớn trong khu vực.
Trong đó, 70% cung cấp cho công ty mẹ là Vietnam Airlines, gần 14% cho Jetstar Pacific và Indochina, 16% còn lại cho các hãng nước ngoài có đường bay đến VN. Thị phần dành cho các DN mới chỉ là 30% trong khi họ phải đầu tư lớn về kho bãi và phương tiện chuyên chở.
Lỡ cơ hội Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), cho rằng thời điểm thích hợp nhất để vận hành giá xăng theo cơ chế thị trường là giai đoạn trước năm 2000. Thời kỳ này, giá dầu thô tương đối ổn định, bình quân chỉ 20 USD/thùng, có 5 DN cùng nhập khẩu. Sản lượng bán lẻ chỉ chiếm 10%, bán buôn cung cấp trực tiếp cho các hộ tiêu dùng chiếm 90% nên giá bán buôn rất cạnh tranh, có ngày giá lên xuống vài lần. Đáng lẽ lúc đó nên để xăng dầu vận hành theo thị trường nhưng trong thực tế đã bỏ lỡ. |
(Theo Tô Hà // Người lao động online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com