Nhiều vấn đề được đưa ra “mổ xẻ” tại cuộc họp bàn cách thúc đẩy xuất khẩu nông sản do Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đầu tuần này.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo là mặt hàng sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm 2009.
Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, trong tháng 1/2009, cả nước đã xuất khẩu 301.000 tấn gạo, đạt kim ngạch 122 triệu USD, với giá bình quân 396 USD/tấn, tăng 242% về lượng và về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Trong 9 ngày đầu tháng 2/2009, xuất khẩu đạt 74.000 tấn, với giá bình quân 401 USD/tấn.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, dự kiến trong tháng 2/2009 lượng gạo sẽ xuất khẩu là từ 550.000 đến 600.000 tấn. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm cầm chắc là 900.000 tấn. Đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay (2 tháng đầu năm 2008 chỉ đạt 258.000 tấn).
“Lượng gạo hiện có của các DN vào khoảng 850.000 tấn (được chuyển sang từ năm 2008). Bên cạnh đó, vụ đông - xuân của Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt sản lượng trên 500.000 tấn, cả miền Bắc sẽ cho sản lượng 9 triệu tấn. Do vậy, không lo ngại về khả năng thiếu hàng, mà vấn đề đặt ra là sự cẩn trọng trong việc ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới để tránh thiệt thòi”, ông Phong thận trọng.
Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, ngành thủy sản không thể thống kê chi tiết số liệu xuất khẩu, tình hình thị trường, các hợp đồng ký kết như ngành gạo. “VASEP không có cơ sở kiểm soát thông tin các doanh nghiệp (DN) báo cáo lên Hiệp hội về số liệu xuất khẩu cũng như dự báo thị trường, bởi thủy sản có quá nhiều mặt hàng xuất khẩu, mỗi mặt hàng lại có các thông số riêng”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP nói.
Ông Dũng cho rằng, giải pháp quan trọng nhất trong thời điểm này là giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam. Theo tính toán của VASEP, giá thành sản xuất cá ba sa vào khoảng 15.000 đồng/kg, nếu hạ giá thức ăn chăn nuôi thì giá thành chỉ ở mức 11.000 đồng/kg.
“Hiện nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm rất mạnh, trong khi các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn kiên quyết không hạ giá. Tình hình này buộc VASEP sẽ phải đứng ra mua nguyên liệu của nước ngoài để gia công chế biến phục vụ sản xuất, mà không mua của các DN trong nước nữa”, ông Dũng nói.
Một vấn đề khác được ông Dũng thẳng thắn nêu tại cuộc họp, đó là sự bất cập về giống thủy sản nuôi trồng trong nước. Theo đó, một số loại đang tồn dư hoá chất bị cấm sử dụng tại thị trường EU, Hoa Kỳ…, nhưng lại nằm trong danh mục được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về phần mình, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (VIFORES) cho rằng, các rào cản kỹ thuật được các nước nhập khẩu dựng lên ngày càng nhiều. Thế nhưng, các bộ, ngành chức năng vẫn chưa hề có bất kỳ hướng dẫn nào cho các DN để tránh những sự cố đáng tiếc. Thêm vào đó, vấn đề quan trọng đối với các DN là thông tin thị trường, thì hiện nay nguồn thông tin chính thống cực kỳ yếu kém, các DN tự mò mẫm là chính.
Nâng cao chất lượng hàng nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời điểm này cũng là vấn đề được các DN đặc biệt quan tâm. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), trong số 168 DN xuất khẩu cà phê cả nước có 14 DN nước ngoài tham gia vào hoạt động xuất khẩu.
Điều đáng chú ý là họ luôn xuất được với giá cao hơn các DN trong nước (trung bình là 2.155 USD/tấn, trong khi các DN trong nước là 1.999 USD/tấn) do chất lượng sản phẩm của các DN này tốt hơn. Vicofa khuyến cáo, các DN xuất khẩu cà phê phải chú trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, mặt hàng đáng lo ngại nhất là cao su, do giá xuất khẩu liên tục sụt giảm và nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm mạnh trong năm 2009. Trong khi đó, Việt Nam có tới 80% lượng cao su làm ra để xuất khẩu.
Ông Đinh Vạn Tiến, Trưởng ban Xuất nhập khẩu Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, năm 2008 thế giới tiêu thụ 9,2 triệu tấn cao su thì năm 2009 giảm gần 4 triệu, đây là một khó khăn rất lớn. Hiện tại, giá cao su là 1.500 USD/tấn, nhưng trong những tháng tới, do cung tăng, cầu hạn chế, nên có thể giá cao su sẽ tiếp tục giảm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, hàng loạt biện pháp hỗ trợ DN đã được thực hiện như hoàn thuế GTGT, hỗ trợ lãi suất cho DN. “Riêng đối với các DN nông, lâm thuỷ sản, kinh phí dành cho xúc tiến thương mại năm 2009 tăng hơn so với năm 2008 (20 tỷ đồng trong tổng số 90 tỷ đồng dành cho xúc tiến thương mại năm 2009).
Các hiệp hội, DN cần nghiên cứu các biện pháp cụ thể để nắm vững thị trường, tránh tình trạng tổ chức xúc tiến chung chung như hội chợ, triển lãm, mà phải tập trung có trọng điểm”, ông Biên nói.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com