Xuất khẩu của Việt Nam liệu có đạt mức tăng trưởng 3% nếu kinh tế thế giới đi qua “điểm uốn” khiến giá cả tăng trở lại? Phóng viên Báo Đầu tư đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Bích, chuyên viên nghiên cứu chiến lược thương mại (Bộ Công thương) về vấn đề này.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông bình luận thế nào ba kịch bản vềxuất khẩu mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây?
Cho đến thời điểm hiện tại, do những tác động quá mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, việc đạt được mục tiêu tăng tốc xuất khẩu 13% trong năm nay như mục tiêu đề ra gần như là không thể. Thế nhưng, việc tốc độ xuất khẩu giảm tới 7,2%; 12,2% và 25,5% như ba kịch bản (lạc quan, cơ bản và bi quan) mà CIEM công bố mới đây, cũng ít có khả năng xảy ra.
Nói như vậy là vì tới thời điểm này, xuất khẩu của nước ta giảm tốc mạnh là một thực tế, nhưng cũng có một thực tế khác: đó là so với các đầu tàu xuất khẩu trong khu vực, tình hình của Việt Nam vẫn sáng sủa hơn rất nhiều.
Cụ thể, tuy xuất khẩu của Việt Nam 4 tháng qua chỉ giảm 0,1%, nhưng nếu loại trừ phần tăng đột biến 2,481 tỷ USD trong xuất khẩu nhóm hàng nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm thì tốc độ giảm đã lên tới 13,4%, trong khi tốc độ này của “người khổng lồ” Trung Quốc - quốc gia liên tục giữ vai trò nguồn động lực tăng trưởng của thương mại thế giới trong 7 năm gia nhập WTO vừa qua và hiện đang giữ vị trí cường quốc thương mại thứ hai thế giới - trong 4 tháng vừa qua lần lượt giảm tới 17,5%; 25,7%; 17,1% và 22,6% (bình quân giảm 20,7%). Riêng cường quốc kinh tế thứ hai thế giới (Nhật Bản), xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm đã rơi tự do 45,7%; 49,4% và 46,5% (bình quân giảm 47,1%).
Theo ông, yếu tố nào đã giúp xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam không “rơi tự do” như một số nền kinh tế khác?
Có thể nói, thành công của chúng ta bắt nguồn từ hai lý do chủ yếu mà những “bậc đàn anh trong làng thương mại thế giới” không có. Trước hết, do nông nghiệp vẫn còn là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, nên nông sản hiện còn chiếm trên 20% “rổ hàng hóa xuất khẩu” của Việt Nam.
Đây là những mặt hàng mà người tiêu dùng trong nước và thế giới không thể quay lưng lại cả trong điều kiện kinh tế quá khó khăn. Thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cho thấy, so với kỷ lục “mọi thời đại” tháng 7/2008, với mức giảm chỉ với 25,7%, hàng lương thực, thực phẩm thế giới là nhóm hàng hiện có mức giảm giá thấp nhất, trong khi hàng nguyên liệu phi dầu mỏ giảm 31,4%, còn dầu mỏ giảm giá kỷ lục 61,2%...
Việc trong 4 tháng qua, đại bộ phận mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta như gạo, sắn và sản phẩm của sắn, hạt tiêu, chè, rau quả đều đạt tốc độ tăng trưởng dương, trong đó hai mặt hàng đầu tiên tăng cao, còn hai mặt hàng rất quan trọng khác là cà phê và hạt điều chỉ giảm nhẹ, đủ cho thấy điều đó.
Sau nữa, do là quốc gia có trình độ phát triển chưa cao, với lợi thế không nhỏ về giá nhân công rẻ, nên Việt Nam có sức chịu đựng cao hơn hẳn so với nhiều quốc gia ở trình độ phát triển cao hơn trước tình trạng giá hàng hóa thế giới giảm mạnh. Việc tốc độ phát triển của nhóm hàng dệt may trong 4 tháng qua gần như đứng yên (chỉ giảm 0,1%) và xuất khẩu mặt hàng này “qua mặt” dầu thô, trở thành mặt hàng xuất khẩu “đầu vị” của Việt Nam là thí dụ điển hình nhất.
Với thực trạng như vậy, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ không “rơi tự do” trong năm nay như kịch bản bi quan, có lẽ không phải quá hão huyền.
Khi đưa ra nhận định này, ông có lường trước diễn biến bất thường và tác động của giá cả thị trường thế giới tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam?
Tới nay, kinh tế thế giới dường như đã nhìn thấy “tia sáng cuối đường hầm” và tất nhiên, giá cả trên thị trường thế giới chính là một trong những yếu tố nhạy cảm nhất tác động tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Các số liệu thống kê vừa được IMF công bố tuần trước cho thấy, sau 4 tháng quanh quẩn ở mức đáy, giá cả trên thị trường thế giới đã bắt đầu tăng mạnh trở lại. Cụ thể là, từ kỷ lục “mọi thời đại” 219 điểm phần trăm (ĐPT) tháng 8/2008, giá nguyên liệu thế giới đã liên tục giảm mạnh và chỉ còn 98 ĐPT vào cuối năm ngoái (tức là đã giảm tổng cộng 55,25%).
Đầu năm nay, con số này nhích lên 101,8 ĐPT; tháng 2/2009 chạm đáy với 97,8 ĐPT; tháng 3 nhích lên 99,9 ĐPT. Riêng tháng 4 vừa qua đã tăng lên 103,6 ĐPT, tức là chỉ còn giảm 52,7% so với mức đỉnh và đã tăng 5,93% so với mức đáy. Chắc chắn, điều này không thể diễn ra khi triển vọng kinh tế thế giới vẫn còn mù mịt như quý IV/2008 và quý I năm nay.
Có lẽ ông hơi lạc quan về tình hình kinh tế thế giới trong những tháng tới...
Hiện chưa ai có thể dự báo chắc chắn thời điểm kinh tế thế giới sẽ hồi phục. Theo ý kiến chủ quan của tôi, có lẽ kinh tế thế giới đã chạm đáy suy thoái, đúng như lời của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định sau cuộc họp Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G10 ngày 11/5 vừa qua: “Hiện chúng ta đang nằm xung quanh điểm uốn của một chu kỳ kinh tế. Xét trên tổng thể trong tất cả các trường hợp, chúng ta chứng kiến đà suy giảm kinh tế, vốn được giám sát chặt chẽ trong quý IV/2008 và quý I/2009, đang chậm lại.
Ở một vài trường hợp cụ thể, chúng ta nhận thấy sự phục hồi tăng trưởng, trong khi ở một vài trường hợp khác, kinh tế tiếp tục suy giảm, nhưng mức độ chậm hơn. Một số nền kinh tế đang lên có vẻ như đã vượt ra ngoài điểm uốn”.
Dưới nhãn quan của tỷ phú Mỹ gốc Hungary, ông George Soros- người từng được mệnh danh là “Mozart của thị trường chứng khoán”, nhà tài phiệt nổi tiếng với những thương vụ kiếm bạc tỷ qua các vụ đầu cơ nghẹt thở, thì “Sự rơi tự do của nền kinh tế đã ngừng lại, sự sụp đổ của hệ thống tài chính đã được ngăn chặn”. Từ đó có thể suy luận rằng, kinh tế toàn cầu đã bước qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng và đang đứng trước triển vọng thoát khỏi suy thoái.
Ông dự báo thế nào về xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay?
Nhiều khả năng, giá cả thị trường thế giới sẽ nhích dần lên trong những tháng tới. Do vậy, nguyên nhân hàng đầu khiến “đoàn tàu xuất khẩu” của Việt Nam giảm tốc mạnh như những kịch bản dự báo nói trên sẽ dần được khắc phục. Ngoài ra, chúng ta có thể hy vọng nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng “Made in Vietnam” trên thế giới sẽ nhích lên trong thời gian tới khi kinh tế toàn cầu “vận hành khởi sắc hơn” (như lời Chủ tịch ECB).
Trong bối cảnh đó và trên cơ sở những lợi thế riêng của mình cộng với nỗ lực vượt bậc của chính các doanh nghiệp trong nước và cơ hội mới từ thị trường Nhật Bản, có lẽ trong năm 2009, “đoàn tàu xuất khẩu” của Việt Nam sẽ không bị giảm tốc mạnh như kịch bản cơ bản, thậm chí kịch bản lạc quan có thể trở thành hiện thực. Trong trường hợp xuất khẩu tăng, cho dù chỉ là 3% như tính toán của Bộ Công thương cách đây chừng 1 tháng, thì đó cũng là một thành công “trên cả tuyệt vời”.
(Theo Mai Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com