Ông Phan Đăng Tuất (phải) đang chia sẻ với các doanh nghiệp làm thế nào để tăng khả năng cạnh tranh tại buổi hội thảo - Ảnh: Mộng Bình |
Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phan Đăng Tuất đã thúc giục các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia để nâng giá trị sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của họ.
Ông Tuất giải thích tại hội thảo về nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam hôm 13-5 rằng cần phải có những doanh nghiệp nội địa tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. “Chúng ta không phải đem cà phê đi bán mà phải cung ứng cho của một tập đoàn đa quốc gia, và lúc đó chúng ta là nhà cung ứng chứ không còn là nhà xuất khẩu nữa”.
Chuyên gia này nói rằng, theo chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, ngành này sẽ trở thành một bộ phận khắng khít trong hệ thống công nghiệp khu vực và thế giới. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp trong nước không thể chơi một sân riêng.
Tại hội thảo có chủ đề “Đổi mới doanh nghiệp - Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ở TPHCM, ông Tuất nói rằng, việc trở thành các nhà cung ứng của chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam hạn chế rủi ro do vướng vào các cuộc cạnh tranh về xuất khẩu, thuế suất như hiện nay. Đồng thời, ông cảnh báo các doanh nghiệp trong nước rằng vẫn còn nhiều hàng rào kỹ thuật, quy chế, yêu cầu cao đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.
Do vậy, trở thành nhà cung ứng cho các chuỗi cung ứng toàn cầu là cách mà các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng tới, và mục đích cuối cùng là Việt Nam phải đưa thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ ra thị trường thế giới.
“Các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, dịch vụ hãy cố gắng trở thành một phần trong các chuỗi giá trị càng lớn càng tốt”, ông Tuất nói. Ông dẫn chứng hiện nay chỉ một số ít các doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng một vài linh kiện cho các tập đoàn lắp ráp lớn trên thế giới, trong khi ở Thái Lan có đến 24% doanh nghiệp đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Làm thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng?
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo, ông Tuất nói rằng các tập đoàn nước ngoài có rất nhiều các yêu cầu để chọn nhà cung ứng, và phân loại ra thànhnhà cung ứng theo hợp đồng (contract supplier) với nhiều điều kiện ràng buộc; hoặc nhà cung ứng hợp đồng thị trường (market contract supplier) nghĩa là thị trường có hàng thì họ mua.
Kinh nghiệm mà ông Tuất muốn chia sẻ là các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng trở thành các nhà cung ứng hợp đồng thị trường, tức là phải sản xuất ra được các chi tiết, linh kiện cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia mà không phải ràng buộc quá nhiều vào đầu vào - đầu ra và các bên liên quan.
Để nâng cao vai trò nhà cung ứng thì ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, còn cần mối liên hệ, viếng thăm giữa cấp chính phủ, và các hiệp hội ngành nghề cũng phải đóng vai trò là đầu mối cho doanh nghiệp thành viên.
Ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, chia sẻ quan điểm của ông Tuất khi nói rằng doanh nghiệp trong nước cần phải có sự giúp đỡ của chính phủ nếu muốn cung ứng vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn.
Ông Berenguer cũng nói thêm rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải làm tốt vai trò cung ứng linh kiện, nguyên vật liệu cho các nhà sản xuất trong nước, để giúp tạo ra các giá trị tăng thêm cho các sản phẩn xuất khẩu của Việt Nam, vì hiện những lĩnh vực xuất khẩu chủ đạo như dệt may, da giày... vẫn còn phải nhập nguyên liệu để sản xuất.
(Theo Mộng Bình // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com