Khủng hoảng nguyên liệu cá tra vừa qua tại đồng bằng sông Cửu Long cho thấy vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu chưa sát thực tế, quan hệ nông dân - doanh nghiệp chưa gắn kết.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho rằng, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu, gắn với chế biến xuất khẩu là vấn đề quan trọng trong phát triển ngành thuỷ sản, nhưng không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Trước thực tế vừa diễn ra, thứ trưởng nhận định thế nào về vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu cho cá tra?
Năm 2007, 2008 ngành thuỷ sản đã có quy hoạch, do lợi nhuận “hấp dẫn”, nguồn nguyên liệu cá tra phát triển quá “nóng” khiến cung vượt cầu. Nông dân thiệt hại lớn. Thời điểm bùng nổ nuôi cá, giá đất vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng bấp 3,5 lần, có nơi tăng tới 10 lần. Ngoài nông dân, còn có thêm nhiều đối tượng khác thuê đất, mở rộng diện tích nuôi cá.
Hơn thế, ngân hàng ủng hộ người nuôi, đặc biệt là những người thuộc diện “ưu tiên” đã làm cho phong trào nuôi cá tra mạnh lên.
Thế nhưng, cần phải nói rằng, mặc dù đã có hướng dẫn nhưng việc điều hành sản xuất của nhà nước trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho nuôi trồng cá tra thực sự bị mất tầm kiểm soát. Thị trường xuất khẩu chỉ chuộng cá tra trắng, có kích cỡ 1-1,1kg/con. Nhưng do nuôi ồ ạt, chất lượng cá nguyên liệu không tốt, cả về cảm quan và quy cách. Vì vậy, một lượng lớn cá thị đỏ, nuôi quá lứa không được chấp nhận, hoặc các nhà nhập khẩu chỉ mua với giá rất rẻ.
“Cú vấp” đó không chỉ là bài học cho người nông dân mà còn cho cả các nhà quản lý. Vậy, trong năm nay và những năm tiếp theo, vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu được tổ chức như thế nào?
Thực tế, đất và nước gắn với nhau. Nhưng về nguyên tắc, quy hoạch phải thuận, không phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế địa phương. Quy hoạch thế nào để vùng nuôi đảm bảo về mặt thuỷ vực, có giao thông thủy (nếu có bộ càng tốt). Do đó, chủ trì quy hoạch phải là ủy ban nhân dân tỉnh, sở nông nghiệp thực hiện.
Tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào quá trình nuôi, nhưng khi nuôi, không để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng cây trồng vật nuôi khác. Đặc biệt, quy hoạch không được làm ảnh hưởng đến những đối tượng không tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất này.
Nhưng phải làm thế nào để người nông dân và doanh nghiệp xây dựng được mối liên kết chặt chẽ, bền vững, đảm bảo lợi ích cho cả hai bên?
Nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng lệ thuộc lớn vào điều kiện khí hậu, nhất là khi nước ta có bờ biển rất dài. Năm 2008, biến đổi khí hậu toàn cầu khiến ngập úng xảy ra diện rộng, năm nay có thể sẽ hạn hán. Mặc dù vùng nước đồng bằng sông Cửu Long là “độc nhất vô nhị” nhưng ta không được chủ quan, không được ỷ lại vào thiên nhiên. Các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… cũng đang tổ chức nuôi cá tra.
Hiện nay, chúng ta đã sản xuất nhân tạo được giống, có thể chủ động nguồn nước (không còn phụ thuộc vào thuỷ triều), có thể quy hoạch lại được nguồn nhân lực nuôi cá, chế biến.
Trước đây, Việt Nam thường xuất khẩu đến những nước có nhiều bán lẻ. Nay, Chính phủ đã cho phép vay vốn xây dựng kho trữ cá, không những kho trong nước mà còn cả kho ngoại quan. Các doanh nghiệp cũng đang tính toán, tại Nga nên xây ở Saint_Petersburg hay Ucraina, hoặc ở Đức sẽ xây ở đâu…
Trọng tâm chiến lược phát triển thuỷ sản là tăng cao chất lượng, đảm bảo khả năng cạnh tranh. Vậy, xin thứ trưởng cho biết nhu cầu vốn dự kiến cho ngành thủy sản năm nay khoảng bao nhiêu?
Nuôi trồng, chế biến, hai khâu quan trọng quyết định hiệu quả phát triển ngành thủy sản. Ngoài hỗ trợ này, doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản còn được trợ quy trình kỹ thuật sản xuất nguyên liệu - chế biến và hỗ trợ thị trường… Hiện, chúng tôi chưa thống kê được có bao nhiêu doanh nghiệp ngành thủy sản có nhu cầu hỗ trợ vốn.
Nhưng tôi nghĩ, nhu cầu vốn của ngành thủy sản rất lớn. Đơn thuần, muốn nuôi 1 kg cá tra, phải đầu tư tới 11.000 đồng. Với 1 hecta mặt nước, sâu 4 mét, có thể nuôi được từ 100-500 tấn cá. Vì vậy, người nuôi phải chi tới bạc tỷ.
Năm ngoái, ta xuất khẩu được 1,2 tỷ USD Mỹ nhưng ngân hàng cũng phải cho vay 1.150 tỷ đồng. Năm nay, lượng vốn vay ít nhất cũng tới cỡ đó song doanh nghiệp và người nuôi sẽ được hưởng mức hỗ trợ lãi suất 4% trong gói kích cầu của Chính phủ.
Những giải pháp trên sẽ giải quyết được tình trạng thừa, thiếu vào những thời điểm khác nhau trong năm ?
Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng thừa - thiếu là rất khó, nhưng ta có thể cân đối một cách tương đối, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, người nuôi. Theo tôi, cần có giải pháp thích hợp cho từng thời điểm. Nhưng nếu có sự hợp tác giữa nhà nước - doanh nghiệp - nông dân, có khả năng không chế được mất cân đối về cung cầu cả trong nước và xuất khẩu.
Chúng ta cũng sẽ giải quyết được vấn đề thừa, thiếu nguyên liệu, nếu đa sạng hóa các sản phẩm.
Theo kinh nghiệm, cách thức của các các doanh nghiệp chế biến châu Âu, Nhật, Mỹ… không nên một doanh nghiệp chỉ làm một mặt hàng. Nhất là với cá tra, ta có thể chế biến hai cấp: thô, tinh. Tuy nhiên, nếu không chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng, cảm quan (bao bì) và quy cách mẫu mã, cá tra Việt Nam sẽ bị mất thị trường.
Cá tra Việt Nam sẽ phải khẳng định chất lượng để cạnh tranh song Bộ Nông nghiệp sẽ quản lý chế biến các sản phẩm cá tra xuất khẩu thế nào?
Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã phối hợp với các bộ Công thương, Ngoại giao và các ngành liên quan để siết chặt quản lý, giám sát các hoạt động nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Cục Nam Phi nghiên cứu đề tài khoa học (Đan Mạch hỗ trợ kinh phí) về chất hóa học sử dụng trong nuôi cá tra.
Cần phải có thêm thời gian, tiền bạc để kiểm nghiệm chính xác hiệu quả của phương pháp này. Nhưng đó sẽ là phương pháp quản lý hữu hiệu, giúp chúng tôi có thể đối chiếu chất hóa học trong mỗi sản phẩm cá tra của từng doanh nghiệp với cá tự nhiên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
( Theo Vietnam+)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com