Nhận diện những bất cập sau ba năm Việt Nam gia nhập WTO có lẽ là điều cần thiết cho những nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp để có những điều chỉnh kịp thời về chiến lược. Ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ đó đến nay, người dân Việt Nam đã chứng kiến nhiều diễn biến kinh tế phức tạp, có cái hay nhưng cũng không ít điều dở, từ việc hội nhập này. Trước hết có thể nói, với Việt Nam, việc gia nhập WTO đã tạo ra cơ hội để thúc đẩy cải cách thể chế, tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ... Mới đây, Trung tâm Thông tin tư liệu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có báo cáo đánh giá những tác động của việc gia nhập WTO đến đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam với tiêu đề “Việt Nam sau ba năm gia nhập WTO”. Theo báo cáo này, bên cạnh các tác động hữu hình như gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh, hệ thống phân phối được cải thiện... việc gia nhập WTO còn có những tác động vô hình khác. Chẳng hạn, nhận thức của xã hội về nhu cầu hội nhập đã có chuyển biến và gia tăng đáng kể. Quan điểm cho rằng Việt Nam không thể đứng ngoài sân chơi chung nếu muốn tiếp tục phát triển đã trở nên phổ biến trong xã hội. Hoặc cũng nhờ hội nhập mà thể chế nhà nước có sự đổi mới mạnh mẽ, hệ thống văn bản pháp luật ngày càng đồng bộ hơn. Việc giảm 30% thủ tục hành chính mà Việt Nam đang làm một phần cũng nhờ sức ép của hội nhập. Các tác giả báo cáo nói trên còn cho rằng, cùng với tiến trình hội nhập, cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp Việt Nam đều có nhận thức tốt hơn về thị trường, về những điểm yếu cố hữu của nền kinh tế hay của bản thân doanh nghiệp, từ đó tìm ra cách ứng phó linh hoạt, chủ động. Tuy nhiên, việc nhận diện những bất cập sau ba năm gia nhập WTO có lẽ sẽ cần thiết hơn cho những nhà hoạch định chính sách cũng như doanh nghiệp để có những điều chỉnh kịp thời. Xuất nhập khẩu: chưa bứt phá Không thể phủ nhận kết quả tăng trưởng xuất khẩu trong hai năm đầu gia nhập WTO (năm 2007 tăng 21,3% và năm 2008 tăng 29,5%. Riêng năm 2009, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, xuất khẩu của Việt Nam giảm 9% (trong khi hầu hết các đối tác thương mại chính của Việt Nam đều giảm mạnh hơn mức này). Số liệu thống kê cho thấy, tính chung kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình hai năm 2008-2009 là 150 tỉ đô la Mỹ/năm, tương đương với hơn 160% tổng GDP của cả nước. Điều này cho thấy độ mở về thương mại của Việt Nam ngay trong thời gian đầu gia nhập WTO đã khá cao. Mặc dù vậy, xét về tổng thể, kết quả gặt hái như trên chưa được xem là một sự bứt phá. Tính bình quân hai năm đầu gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng trưởng 25,27%, không quá cao so với con số 22,63% của hai năm “tiền” WTO là 2005-2006, thậm chí cũng chỉ bằng ba năm trước đó (2004-2006). Còn nếu so sánh với Trung Quốc thì càng thấy sự chênh lệch. Trong sáu năm sau khi gia nhập WTO, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 28,85%/năm, cao gấp 2,91 lần so với mức 9,9%/năm trong giai đoạn tiền WTO (1996-2001). Đi sâu vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thì nông sản là mặt hàng được xem có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập WTO, nhưng thực tế lại không như mong muốn. Ba năm qua, 2007-2009, tuy kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản có tăng so với năm 2006 nhưng vẫn chậm hơn tốc độ tăng xuất khẩu nói chung (trừ cà phê). Ngoài ra, đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực nông nghiệp hiện mới ở mức 8% chứ chưa đạt đến 10% giá trị nông nghiệp theo như thỏa thuận với WTO. Không chỉ vốn đầu tư nhà nước mà cả vốn ODA, vốn FDI đầu tư cho khu vực này vừa thấp vừa có xu hướng giảm. Với thực trạng yếu kém như vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, khu vực nông nghiệp và nông thôn đang chịu nhiều tác động bất lợi nhất sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Một khi độ mở của thương mại càng cao thì nguy cơ dễ bị tổn thương càng lớn trước những cú sốc giá, những rào cản thương mại và sự thay đổi chính sách của các nước nhập khẩu. Để hạn chế những thiệt hại kiểu như vậy thì chính sách của Việt Nam càng phải minh bạch và phải có tính tiên liệu được. Điều đáng nói, đây lại là điểm yếu trong việc hoạch định chính sách ở nước ta. Một minh chứng rõ nét cho nhận định này là việc cắt giảm thuế đột ngột và thiếu một hàng rào kỹ thuật trong ngành chăn nuôi đã khiến thịt nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam trong năm 2009 làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Trước đó, trong hai năm 2008-2009, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu thịt nhiều và nhanh hơn lộ trình cam kết, cho dù để có được mức thuế như cam kết, các nhà đàm phán đã phải “đấu trí” rất gay go. Sau khi rất nhiều hộ gia đình, trang trại chăn nuôi gia cầm trong nước bị thịt nhập khẩu “đánh” tơi tả thì các cơ quan chức năng mới điều chỉnh thuế. Cũng qua trường hợp trên cho thấy sự phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành còn hạn chế. Khi gia nhập WTO, người dân trong nước có cơ hội tiếp cận và sử dụng nhiều mặt hàng với giá rẻ hơn nhưng điều đó không có nghĩa là chất lượng hàng cứ bị thả nổi, không thể kiểm soát được. Trong những năm qua, hàng xuất khẩu của Việt Nam liên tục phải đối phó với các hàng rào phi thuế quan, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp... của các nước, trong khi ở chiều ngược lại Việt Nam lại có quá ít các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu và kiểm soát chất lượng hàng nhập. Đầu tư nước ngoài: những bất cập Trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sau ba năm gia nhập WTO, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam là hơn 114 tỉ đô la Mỹ (vốn đăng ký), cao gấp 4,5 lần mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn năm năm 2006-2010. Tương tự, vốn thực hiện trong ba năm qua, 2007-2009, cũng đạt 29,5 tỉ đô la, cũng vượt chỉ tiêu đề ra cho năm năm. Kết quả này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đã ngày càng thuận lợi hơn, nhiều cơ hội làm ăn ở Việt Nam đã thành hiện thực. Tuy nhiên, đằng sau những con số đáng ghi nhận nói trên cũng đã xuất hiện một số mặt trái của nó mà nguyên nhân chính có lẽ do tầm nhìn, năng lực của các cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế. Ví dụ, tình trạng các địa phương đua nhau lập khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm thu hút vốn FDI với suy nghĩ rằng cứ thu hút nhiều vốn FDI thì kinh tế địa phương sẽ phát triển, mà không tính tới những tác động về môi trường, xã hội mà các dự án này có thể gây ra. Báo cáo “Việt Nam sau ba năm gia nhập WTO” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định rằng tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI gần đây đang dẫn đến một số hệ lụy làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam như đầu tư quá nhiều vào khu vực bất động sản vốn mang lại giá trị gia tăng thấp, làm thâm hụt cán cân thương mại, môi trường sinh thái bị tác động xấu, sinh kế của người dân bị mất đất bị ảnh hưởng nặng... Năng lực cạnh tranh: chậm cải thiện Theo báo cáo nói trên, cả năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam đều thấp và chậm được cải thiện so với các nước trong khu vực. Ở góc độ quốc gia, những nút thắt cổ chai của nền kinh tế như nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, năng lực thể chế, trình độ công nghệ đã được nói đến rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Đây chính là những lực cản đối với cạnh tranh ở tất cả mọi cấp độ. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn làm ăn theo cách như lâu nay, chưa tận dụng được cơ hội từ WTO mang lại do thiếu thông tin. Năm 2009, nhiều doanh nghiệp có thêm thị trường mới là do áp lực từ bán hàng nhiều hơn là tận dụng các cơ hội giảm thuế hay mở cửa của các thị trường. Vì vậy thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là tạo ra cơ chế và phương tiện để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ có thể cạnh tranh được trong một sân chơi lớn. Còn khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, nếu không có sự cải tiến mạnh thì có thể sẽ thua ngay trên sân nhà chứ chưa nói đến ở nước ngoài. Chẳng hạn, xuất khẩu hàng nông sản trong năm 2008 tăng chủ yếu là nhờ sốt giá, trong khi đó, ngay ở thị trường trong nước, các mặt hàng như thịt, đường, trái cây... đều lao đao vì hàng nhập.Dây chuyền sản xuất bánh của một doanh nghiệp ở TP.HCM - Ảnh: Lê Toàn
( Phương Quỳnh//Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com