Ban hành hạn ngạch thuế quan, áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động, tăng thuế nhập khẩu... hàng loạt biện pháp “trị” nhập siêu đang được Bộ Công thương đốc thúc triển khai thực hiện trong quý I. Tuy nhiên, nhập siêu đầu năm vẫn có xu hướng nhích lên, ngược với diễn biến cùng kỳ năm trước.
Xuất 1 nhập 2
Để hoàn thành nhiệm vụ đã được Chính phủ giao là kiềm chế nhập siêu năm nay dưới 20%, ngành công thương sẽ phải giữ kim ngạch nhập khẩu không quá 71,9 tỷ USD (tức chỉ tăng 5,3% so với năm 2009), nhập siêu tương ứng không quá 12 tỷ USD. Song, theo các chuyên gia, khó giữ nhập khẩu năm nay tăng thấp hơn 9%, bởi hầu hết những biện pháp đang thực hiện mới chỉ kiểm soát được “phần ngọn” của vấn đề.
Dệt may vốn là trụ cột của hàng xuất khẩu Việt Nam. Nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Lê Quốc Ân, hai tháng đầu năm, khi xuất khẩu được 1,46 tỷ USD (tăng 13% so với cùng kỳ) thì đồng thời cũng phải chi 991 triệu USD để nhập bông, vải, sợi, nguyên phụ liệu (riêng bông nhập khẩu tăng tới 156,3%, sợi tăng 66,1% so với cùng kỳ).
Tương tự, các ngành sản xuất những mặt hàng chủ chốt khác như phân bón, sắt thép... cũng rơi vào tình trạng tăng “nhập siêu” trong nội ngành. Hiện Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp ngành này như “ngồi trên lửa” khi lượng thép, phôi thép nhập về hai tháng đầu năm đã tăng 34,6% so với cùng kỳ (tương ứng 616 triệu USD), trong khi công suất trong nước đã gấp đôi nhu cầu. Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Đỗ Duy Phi cũng than phiền: “Doanh nghiệp trong ngành đang rất nóng ruột vì hai tháng đầu năm chỉ xuất khẩu được 75 triệu USD hóa chất các loại mà đã phải bỏ ra hơn 200 triệu USD để nhập khẩu phân bón, chưa kể giá một số nguyên liệu sản xuất như lưu huỳnh hiện tăng gấp đôi, ure, kali tăng 20 – 30% so với cùng kỳ 2009”.
Chuyên gia Nguyễn Đình Bích, Viện nghiên cứu thương mại, cho rằng, hàng loạt biện pháp kiềm chế nhập siêu Bộ Công thương đang tiến hành vẫn nặng hình thức. “Cái gốc của nhập siêu là chúng ta quá phụ thuộc vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu vốn là đầu vào cho cả sản xuất và xuất khẩu. Nếu giảm nhập khẩu nguyên liệu, chúng ta sẽ không có hàng để xuất khẩu, nhưng ngược lại, tăng nhập khẩu nguyên liệu sẽ đẩy nhập siêu tăng. Trong điều kiện giá thế giới tăng mạnh trở lại, nỗ lực kiểm soát nhập siêu càng khó khăn hơn”, ông Bích lo ngại.
Mới kiểm soát
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, các biện pháp hạn chế nhập siêu hiện nay chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng tiêu dùng như ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, điện thoại, linh kiện ô tô... Tuy nhiên, ông Biên cũng thừa nhận, tỷ trọng của nhóm này rất thấp, chỉ chiếm 8,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. “Trong khi, nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên liệu (chiếm tới 82,6%, gấp gần 10 lần) lại khó áp dụng các biện pháp hạn chế. Cho nên, việc giảm nhập siêu hiện chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn”, ông Biên nói.
Thực tế cho thấy, nhập siêu vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng: xuất khẩu hai tháng đầu năm giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (đạt hơn 8,7 tỷ USD), nhưng nhập khẩu lại tăng tới 35,7% (hơn 10,3 tỷ USD). “Gia tăng nhập siêu trở thành căn bệnh khó chữa với kinh tế Việt Nam hàng thập kỷ qua. Để trị tận gốc rễ nhập siêu, cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng tự túc được nguồn nguyên liệu tại chỗ cho xuất khẩu: sợi, bông cho dệt may, phôi cho sản xuất thép, nguyên phụ liệu gỗ, chất dẻo...”, chuyên gia Bích khuyến nghị.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các giải pháp thuế, cấp hạn ngạch không thể trị dứt điểm nhập siêu, thậm chí còn làm nảy sinh tình trạng lách luật, gian lận thương mại như đã xảy ra với mặt hàng thép, gây thất thu cho Nhà nước. Vì vậy, tập trung xây dựng các vùng nguyên, phụ liệu phục vụ xuất khẩu không chỉ hạn chế nhập siêu mà còn giúp doanh nghiệp chủ động đối phó với biến động của thị trường thế giới”. Trong cuộc họp giao ban với các ngành hàng mới đây, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta phải tập trung, nỗ lực cao độ kiềm chế nhập siêu, bởi đây không chỉ là vấn đề hoàn thành nhiệm vụ mà còn liên quan đến cân đối vĩ mô, chính sách tiền tệ, ngoại hối”.
Hai tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 1,75 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 300 triệu USD). Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, nhập siêu quý I sẽ tăng lên 2,6 tỷ USD (chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu).
(Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com