Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rào cản nguy hiểm

Ngay cả những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu không lớn của Việt Nam như sợi dệt cũng đã từng bị kiện

Ngay cả những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu không lớn của Việt Nam như sợi dệt cũng đã từng bị kiện

Những biện pháp phòng vệ thương mại được sử dụng ở nhiều nước có khả năng gây thiệt hại lớn và lâu dài đến xuất khẩu của Việt Nam.

Dưới hình thức thuế bổ sung, hạn ngạch... các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) là những rào cản mang tính bảo hộ đang có nguy cơ gia tăng tại các thị trường xuất khẩu. Chúng có thể làm giảm đáng kể hiệu quả của những nỗ lực tìm kiếm, mở rộng, xúc tiến thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua và khiến triển vọng xuất khẩu trở nên bấp bênh. Vì vậy việc đối phó và vượt qua những “rào cản” này trở thành công việc cấp bách và đặc biệt quan trọng đối với sản xuất, xuất khẩu của ta hiện tại cũng như trong tương lai.

Những xu hướng nguy hiểm

Tính từ vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên năm 1994 (gạo, Colombia), cho đến thời điểm này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng bị kiện của 39 vụ kiện phòng vệ thương mại (lớn nhất là kiện chống bán phá giá 32 vụ, sau đó là tự vệ 6 vụ và gần đây nhất là vụ kiện chống trợ cấp đầu tiên đối với túi nhựa Việt Nam tại Hoa Kỳ). Con số này của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực không phải là lớn (riêng về kiện chống bán phá giá Thái Lan 136, Malaysia 85, Indonesia 140, Đài Loan 165, Singapore 44, Trung Quốc 640). Tuy nhiên, ngoài những con số thống kê này, điều đáng lo ngại là có nhiều nhân tố nguy hiểm khác đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Cần xem “rào cản” như loại rủi ro trong kinh doanh để có chiến lược đối phó

Thứ nhất, tuy số lượng các vụ kiện chưa lớn nhưng đang gia tăng. Riêng trong quý 1 năm nay đã có 3 vụ kiện (Canada điều tra chống bán phá giá giày và đế giày cao su không thấm nước; Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với túi nhựa Việt Nam).

Thứ hai, thống kê về cách thức sử dụng biện pháp phòng vệ của các nước cho thấy đang có một số xu hướng nguy hiểm cho xuất khẩu nói chung và xuất khẩu của Việt Nam nói riêng ở nhiều thị trường, cụ thể là xu hướng kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước), kiện chống lẩn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác), kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó đi kiện)…

Thứ ba, trong nhiều năm chúng ta chỉ bị kiện chống bán phá giá và biện pháp tự vệ. Tuy nhiên, với vụ kiện chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang tiến hành đối với túi nhựa Việt Nam, chúng ta đã bắt đầu phải đối mặt với công cụ cuối cùng của nhóm các biện pháp phòng vệ thương mại, hết sức nguy hiểm trong trường hợp cụ thể của Việt Nam khi nhiều nước chưa công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường.

Thứ tư, trong thời gian gần đây, những vụ kiện không chỉ tập trung vào những mặt hàng xuất khẩu mà chúng ta có thế mạnh như thủy sản, giày dép.., hay ở những thị trường lớn như Hoa Kỳ hay EU mà đã có nhiều vụ kiện với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu không lớn (sợi vải, lò xo không bọc, đèn huỳnh quang, ván lướt sóng, chốt cài inox…) ở những thị trường mà thị phần của chúng ta còn rất khiêm tốn (Ấn Độ, Peru, Ai Cập…).

Trước những xu hướng nguy hiểm này, có lẽ tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đang hoặc có kế hoạch xuất khẩu bất kỳ mặt hàng nào, đến bất kỳ thị trường nào đều cần quan tâm đến nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và có biện pháp để phòng tránh, đối phó với các nguy cơ này.

Không trái luật vẫn có thể bị kiện


Trong thời gian qua, nhiều vụ kiện khi đã xảy ra rồi mà các doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn không hết bất ngờ bởi họ chưa từng bán phá giá hay được trợ cấp. Họ vẫn kinh doanh bình thường, và không vi phạm pháp luật thương mại nước sở tại và do đó không hiểu tại sao mình bị kiện.

Trên thực tế, việc hàng hóa xuất khẩu bị kiện và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo lý thuyết thì việc kiện được cho là do có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh của nhà xuất khẩu (bán phá giá, bán hàng được trợ cấp). Tuy nhiên, đằng sau lý thuyết đó, vụ kiện nhiều lúc xuất phát từ những yếu tố chủ quan của bên đi kiện, ví dụ họ đang gặp khó khăn trong cạnh tranh hoặc có chiến lược sử dụng các công cụ kiện này để ngăn chặn hàng nhập khẩu… chứ hoàn toàn không liên quan đến việc hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh.

Do vậy, việc xảy ra các vụ kiện như vậy có thể không phải do ta không hiểu pháp luật hay có thiếu sót. Tuy nhiên, việc kiện bao giờ cũng phải dựa trên một số điều kiện pháp luật cơ bản và nếu chúng ta biết về những điều kiện đó thì có thể tìm cách tránh để xảy ra những hoàn cảnh gần giống các điều kiện đó để không tạo cớ cho người ta đi kiện. Cụ thể, nguy cơ kiện thường cao hơn khi có hiện tượng tăng đột biến lượng xuất khẩu vào một thị trường và giá xuất khẩu thấp. Vì thế, để đối phó với những nguy cơ này về lâu dài, doanh nghiệp cần tính đến chiến lược phát triển đa dạng thị trường và chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá. Trước mắt, khi những yếu tố này chưa thể thực hiện được triệt để, doanh nghiệp cần thường xuyên quan sát thị trường (kết hợp với các nhà nhập khẩu) để phát hiện nguy cơ sớm, từ đó chủ động phòng tránh, đối phó. Hơn nữa, trong mọi vụ kiện, việc kê khai các thông tin chi tiết về sản xuất là yếu tố mang tính quyết định khi xác định mức thuế, vì vậy doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện đúng và đầy đủ chế độ sổ sách kế toán.

Ngoài ra, xin lưu ý rằng, nếu như việc bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ có thể không liên quan đến việc hiểu biết pháp luật thị trường nước ngoài, nhưng có một điều chắc chắn là để đối phó với các vụ kiện này thì việc phải hiểu biết pháp luật để từ đó có hành động đúng là rất quan trọng. Do đó, doanh nghiệp cần hiểu đúng về bản chất của nguy cơ này, xem nó như một loại rủi ro trong kinh doanh để có chiến lược đối phó (hành động và nguồn lực) như doanh nghiệp đang có với các loại rủi ro kinh doanh khác.

“Việc dân sự cốt ở đôi bên”

Những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp (kể từ khi có vụ kiện cho đến khi bị áp thuế, nếu có). Vì vậy, việc phòng tránh các vụ kiện này và nếu không thể thì đối phó sao cho hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại là điều rất quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp đang hoặc sẽ sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, việc đối phó với các vụ kiện này không đơn giản bởi dù đã có một số vụ việc xảy ra, đây vẫn là vấn đề mới mà không ít doanh nghiệp Việt Nam chưa từng nghĩ tới, chưa nói đến chuyện chuẩn bị đối phó sao cho có hiệu quả. Trong khi đó, việc kháng kiện lại rất phức tạp và khó có thể đáp ứng tốt và đạt hiệu quả nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng và được tư vấn đầy đủ.

Từ góc độ của đơn vị đại diện doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã triển khai cả một chương trình hỗ trợ dài hạn và thiết thực để giúp doanh nghiệp, hiệp hội nhận thức và hành động đúng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài.

Từ góc độ Nhà nước, những cơ quan liên quan như Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cũng đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực để hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.

Tuy nhiên, bản chất của các vụ kiện là tranh chấp thương mại giữa ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu và ngành sản xuất xuất khẩu liên quan của Việt Nam , tức là một tranh chấp tư. Mà “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Do đó, những hỗ trợ này của VCCI cũng như những hỗ trợ từ các đơn vị khác sẽ chỉ có hiệu quả nếu bản thân các doanh nghiệp chủ động, tích cực tìm hiểu và có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực để tham gia các vụ việc này.

Riêng đối với các vụ kiện chống trợ cấp, với đặc thù là không chỉ doanh nghiệp mà cả Chính phủ cũng là một bên của vụ kiện và phải tham gia các thủ tục tố tụng liên quan, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời và có trách nhiệm từ cả hai phía - Chính phủ và doanh nghiệp - là rất quan trọng đối với kết quả cuối cùng. Nói cách khác, không chỉ doanh nghiệp mà Chính phủ cũng cần có một cơ chế linh hoạt, khoa học với sự phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan liên quan và đầy đủ nguồn lực để có thể phản ứng kịp thời và hiệu quả trong những vụ việc như vậy.

(Theo Nguyễn Thu Trang // Báo Doanh nhân)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Xăng có tăng giá tiếp?
  • Chỉ số giá tiêu dùng: Tích cực hay...?
  • Giá hàng hóa cơ bản đang ngấm ngầm dậy sóng
  • Xuất khẩu VN gặp khó khăn do Mỹ thay đổi luật
  • Xuất khẩu giảm, nhập siêu đã trở lại
  • Lô gạo 53.500 tấn không XK được: “Vướng” do Hiệp hội Lương thực VN ?
  • Những tác động nổi bật ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất, nhập khẩu của Việt Nam
  • Khởi động lại thị trường Nga và nỗi lo từ bài học cũ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo