Đồ chơi trẻ em ngoại tại thị trường Việt Nam hấp dẫn mạnh mẽ bởi sự đa dạng của mẫu mã và chủng loại. Dẫu biết rằng chất lượng nhiều đồ chơi ngoại nhập không đảm bảo thậm chí có nguy cơ gây bệnh.
Hàng ngoại “phủ sóng”
Dạo vòng quanh thị trường đồ chơi trẻ em tại các chợ đầu mối như chợ Bình Tây, chợ Kim Biên, chúng tôi nhận thấy có đến 99% sản phẩm đồ chơi tại đây đều ghi xuất xứ từ Trung Quốc.
Khi chúng tôi hỏi về hàng đồ chơi “made in Vietnam” thì chị Nguyễn Thị Thu Hồng, chủ sạp hàng đồ chơi tại chợ Kim Biên, cười nói: Hàng đồ chơi Việt Nam không cạnh tranh nổi về giá cũng như mẫu mã với hàng Trung Quốc nên chúng tôi ít nhận về bán. Hơn nữa, đa phần khách đến lấy hàng tại đây là ở các tỉnh thành, họ ít quan tâm đến xuất xứ của sản phẩm mà chủ yếu chỉ quan tâm đến giá và mẫu mã thôi.
Khu vực chợ Bình Tây quận 6 được coi là “đại bản doanh” của đồ chơi trẻ em nhưng chúng tôi vẫn gặp những câu trả lời khá quen thuộc là gần 100% đồ chơi bán tại đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Các loại đồ chơi như ô tô, máy bay, thú nhồi bông, siêu nhân... bày bán la liệt. Giá mỗi loại rẻ hơn 20% - 50% so với sản phẩm trong nước cùng loại nên rất hút khách.
Bà chủ cửa hàng Long Yến, chợ Bình Tây, cho biết, những loại đồ chơi do Trung Quốc sản xuất thường có màu sắc tươi mới, bắt mắt như xanh, hồng, vàng, đỏ, cam… đánh trúng vào sở thích của trẻ. Chưa kể là mẫu mã các loại đồ chơi khá đa dạng, cách thức chơi cũng như âm thanh linh động, phù hợp thị hiếu trẻ em mọi lứa tuổi. Chỉ với 100.000 đồng, các bậc phụ huynh đã có thể dễ dàng sắm cho con em mình khoảng 3 - 5 loại đồ chơi khác nhau mà chắc chắn các bé sẽ rất thích.
Hàng nội “leo lét”
Nỗ lực để tìm đồ chơi “made in Vietnam” của chúng tôi cũng được đền đáp khi một số chủ sạp hàng chợ Bình Tây quận 6 vẫn dành góc ưu tiên, dù khá khiêm tốn để trưng sản phẩm đồ chơi trong nước.
Ông Tạ Hồ Dung, chủ sạp hàng đồ chơi tại chợ Bình Tây, cho biết: Đồ chơi trong nước bán rất chậm. Chúng tôi rất ngại nhận hàng này do ít người hỏi đến, chôn vốn lâu lại chiếm chỗ. Thế nhưng vì có nhiều đơn vị đến mời chào, thậm chí năn nỉ cho họ để hàng, khi nào bán xong mới đến lấy tiền nên tôi đành…
Chủ cửa hiệu Lợi Phát, một trong số hiếm hoi cửa hàng tại chợ Bình Tây, có bán đồ chơi trẻ em chính hiệu “made in Vietnam”, chia sẻ, đồ chơi của doanh nghiệp trong nước sản xuất có chất lượng cũng khá ổn định nhưng rất ít mẫu mã, lại không được cập nhật thường xuyên, chỉ dừng lại ở vài mẫu xe đẩy, xe hơi, hình thú, búp bê... rất đơn giản nên người tiêu dùng cũng không chuộng.
Ở một góc độ khác, bà chủ cửa hàng Phương Hoa trên đường Hai Bà Trưng quận 3 cho biết thêm, hàng trong nước không cạnh tranh nổi với hàng nhập do khâu phân phối. Hiện hệ thống tiếp thị, phân phối đồ chơi Trung Quốc nhanh hơn. Hàng tuần đều có người đến tận cửa hàng chào mời các mẫu đồ chơi mới nhập từ Trung Quốc với chiết khấu cao và cho nợ gối đầu tiền hàng. Trong khi muốn lấy hàng Việt phải biết đến đúng chỗ, đúng nơi.
Các loại đồ chơi có tính chất bạo lực dễ ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ em khi trưởng thành. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Hơn 90% sản phẩm không được kiểm định chất lượng
Theo quy định, đồ chơi ngoại dành cho trẻ em dưới 3 tuổi muốn nhập khẩu phải qua quy trình kiểm tra độc tố, kim loại nặng, mức độ ô nhiễm, mức độ an toàn… Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi những chủ cửa hàng đang bày bán các loại sản phẩm đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc, họ đều không có chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn cho trẻ em.
Đó là chưa kể, trong danh mục hàng hóa cấm kinh doanh buôn bán trên thị trường do Chính phủ quy định từ năm 1999, thì các loại đồ chơi mô phỏng nhiều loại vũ khí như súng, kiếm... đều không được bán vì có thể kích thích tính bạo lực và gây nguy hiểm cho trẻ em. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi mua thì người bán đều sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Trong vai người đi mua hàng, chúng tôi tìm đến cửa hàng D.T (trên đường Trần Bình, chợ Bình Tây) để hỏi mua khẩu súng loại lớn dành cho trẻ em. Ngay lập tức, người bán lấy ra một túi ni lông màu đen lớn, bên trong chứa hàng chục khẩu súng y như thật để chúng tôi chọn lựa. Các khẩu súng này có giá 60.000 – 100.000 đồng/khẩu. Người bán giãi bày, đồ chơi dạng này bán chạy, nhưng phải bán... lén vì trong quy định cấm không được kinh doanh, hở ra là bị bắt. Khi nào khách có nhu cầu mới mang ra cho lựa.
Chị Thanh Thủy, một người bán đồ chơi ở chợ Bình Tây, khoe một vài mẫu súng, kiếm nhựa và tiết lộ: Đồ chơi này không cho bán đâu, em muốn có mẫu mới thì tuần sau quay lại, chị sẽ lấy hàng về cho xem. Cũng theo giới thiệu của chị, người mua hàng có nhu cầu mua những đồ chơi bạo lực tinh xảo hơn như súng bắn đạn nhựa, kiếm phát quang... với giá 50.000 – 100.000 đồng thì chỉ cần đặt hàng trước một tuần, số lượng bao nhiêu cũng có.
Có thể nói, bằng nhiều cách, đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, có thể gây nguy hiểm vẫn mua được dễ dàng trên thị trường, qua mặt các cơ quan chức năng và đến với trẻ em qua sự “thông đồng” của các bậc phụ huynh.
(Theo SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com