Trên thực tế, từ khi thị trường xuất khẩu bắt đầu có xu hướng suy giảm, các bộ, ngành, cũng như các doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến thị trường nội địa. Tuy nhiên, sự "quay về" này phần nhiều mang tính trước mắt hơn là định hướng chiến lược. Thị trường nội địa lâu nay không những chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của các doanh nghiệp, mà ngay trong định hướng chiến lược và chính sách cũng chưa được coi trọng đúng mức.
Nền kinh tế Việt Nam, trong gần hai thập kỷ qua, đã phát triển nhanh dựa vào xuất khẩu. Từ một nền kinh tế dường như khép kín, "tự sản, tự tiêu", sau 20 năm đổi mới, kim ngạch xuất khẩu đã bằng 70% GDP. Đó là một thành tựu quan trọng trong việc thực hiện chính sách mở cửa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài, trong đó có thị trường xuất khẩu cho phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế đã có độ mở rất lớn, dựa tới 70% vào xuất khẩu, thậm chí cả nhập khẩu (vì Việt Nam vẫn phải nhập khá lớn nguyên liệu cho hàng hóa xuất khẩu), thì trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút, giá cả thị trường thế giới biến động mạnh, các yếu tố phát triển bền vững sẽ bị đe dọa. Nếu chỉ quan tâm tới xuất khẩu, mà không coi trọng đúng mức thị trường nội địa, tiêu dùng trong nước và không kết hợp hài hoà giữa sản xuất cho xuất khẩu với sản xuất thay thế nhập khẩu, thì không thể duy trì sự phát triển ổn định và bền vững.
Với gần 87 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đã vượt ngưỡng 1.000 USD/năm, thị trường nội địa có dư địa khá lớn để các doanh nghiệp khai thác. Thị trường nội địa cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định là điểm tựa để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trong cạnh tranh, là nơi mà các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn so với thị trường nước ngoài. Chính bởi vậy, việc quay về với thị trường trong nước là điều tất yếu, không chỉ trong bối cảnh khó khăn xuất khẩu hiện tại, mà cả về lâu dài.
Song vấn đề đặt ra là, bản thân các doanh nghiệp - khi muốn chuyển hướng thị trường thì cũng phải cơ cấu lại mặt hàng cho phù hợp với thị trường trong nước. Không thể vẫn những mặt hàng xuất khẩu ấy đưa về tiêu thụ trong nước, bởi thị hiếu tiêu dùng mỗi nơi mỗi khác. Hơn thế, một khi đã có định hướng đối với phát triển thị trường nội địa, thì vẫn phải cần những chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam củng cố vị trí của mình trên sân nhà.
Mặt khác, quay về và phát triển nội địa, song không thể coi nhẹ hoặc bỏ quên thị trường xuất khẩu. Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, có những mặt hàng mà khả năng tiêu thụ trong nước đã bão hoà như hàng hải sản, gạo, cà phê, hàng dệt may, giày dép... Mất đi thị trường xuất khẩu các mặt hàng này cũng có nghĩa là mất đi hàng triệu việc làm cho người lao động. Bởi vậy, cần quán triệt thị trường trong nước là cơ sở, thị trường nước ngoài là quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp và cả trong chiến lược phát triển của đất nước.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com