Những dữ liệu mới cho thấy thương mại thế giới có thể đang chạm đáy, điều kiện quan trọng để kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái.
Khối lượng thương mại trong tháng 6 tăng 2,5% so với tháng trước đó, và là tháng tăng mạnh nhất kể từ 7/2008, đây là số liệu mới nhất do Cục phân tích chính sách kinh tế Hà Lan - một viện nghiện cứu độc lập - công bố.
Khảo sát này được dựa trên dữ liệu từ chính phủ của 23 nền kinh tế phát triển và 60 nền kinh tế đang phát triển.
Tuy nhiên, dù thương mại trong tháng 6 tăng so với tháng trước đó, xu hướng chung của thương mại toàn cầu vẫn còn ảm đạm. Xuất khẩu của các cường quốc thương mại như Đức và Nhật giảm hơn 30% trong 5 tháng đầu năm.
Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại trong năm nay sẽ giảm hơn 10%, triển vọng này được dựa trên số liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu và số liệu chính thức của các cảng.
Phát ngôn viên của tổ hợp cảng Long Beach - một trong những tổ hợp cảng lớn nhất nước Mỹ nói rằng, số container nhập khẩu vào Mỹ trong tháng 7 giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy thương mại vẫn thực sự yếu.
Ông nói thêm hiện chưa thấy một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình hình đang được cải thiện. Cảng Long Beach dự đoán sẽ không có bước cải thiện ổn định về khối lượng thương mại cho đến sang năm.
Hãng vận tải biển hàng đầu thế giới AP Moller Maersk A/S của Đan Mạch mới đây cũng công bố khoản lỗ trong nửa đầu năm nay và nhận định tình hình kinh doanh vẫn chưa khởi sắc trong nửa cuối năm 2009.
Thương mại hồi phục là yếu tố quan trọng để đưa nền kinh tế khởi động trở lại do nhu cầu nội địa vẫn còn tương đối yếu, đặc biệt là tại Mỹ và châu Âu.
Nhưng một số nhà kinh tế không tỏ ra lạc quan về mức tăng trưởng 2,5% trong tháng 6 vì cho rằng mức tăng này là nhờ đơn đặt hàng cho mùa tựu trường và mùa mua sắm giáng sinh vào nửa cuối năm.
Tuy nhiên, những con số này lại được sự ủng hộ nhờ những dấu hiệu khác cho thấy giai đoạn tệ nhất đang dần kết thúc. Theo Raed Safadi, phó giám đốc phụ trách thương mại của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), sự hồi phục là có nhưng chưa ổn định.
Ông Safadi cũng nói rằng thương mại hồi phục cũng có thể phản ánh giai đoạn kết thúc của việc dự trữ đi xuống và sự tái kết nối với chuỗi cung toàn cầu. Nhu cầu đang trở lại và đã đến lúc thay đổi dự trữ. Bên cạnh đó, có thể nhận thấy dòng tài chính thương mại cũng đang trở lại.
Sự hồi sinh của dòng tài chính thương mại là một trong những yếu tố đứng đằng sau sự trở lại của những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Đức và Nhật Bản.
Theo Cục phân tích chính sách kinh tế Hà Lan, mức giảm của thương mại thế giới trong quý 2 so với quý trước đó chỉ đứng ở mức 0,7%. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức sụt giảm 11,2% trong quý đầu năm nay và mức giảm 7,1% trong quý 4 năm ngoái.
Trong tháng 6, thương mại tại khu vực Mỹ La tinh đặc biệt hồi sinh mạnh với xuất khẩu tăng 14,3% và nhập khẩu tăng 11,9%.
Phần lớn mức tăng của xuất khẩu Mỹ La tinh là nhờ nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc tăng– thị trường lớn của cả khu vực. Trung Quốc đã mua nguyên liệu thô nhờ gói kích cầu được ban hành và chính sách nới lỏng cho vay.
Nhà kinh tế Simon Evenett của Đại học Saint Gallen, Thụy Sĩ nhận đinh, phần lớn khả năng khiến thương mại tăng trong tháng 6 là do doanh nghiệp thay đổi mức dự trữ - vốn bị cắt giảm vào năm ngoái. Chưa có ai tin vào khả năng tiêu dùng đang trở lại.
Nhiều nhà kinh tế nói rằng thương mại thế giới sẽ phải nỗ lực rất nhiều để hồi phục. Hãng tư vấn Capital Economics nhận định, sớm nhất là cuối năm 2011, thương mại thế giới mới trở về mức trước khi xảy ra khủng hoảng.
(CafeF)
(Internet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com