Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Brazil và các nước trên thế giới.
Một thập kỷ trước, Trung Quốc chưa phải là đối tác thương mại hàng đầu, thậm chí chỉ của một trong những nước thuộc nhóm các nền kinh tế G20. Ngày nay, quốc gia này là đối tác thương mại lớn nhất của 6 nước trong nhóm G20 bao gồm: Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và Nam Phi.
Ông Lawrence Summers, nhà kinh tế của Đại học Harvard và cựu trợ lý của TT Mỹ Obama nói: “Khi ai đó viết về lịch sử của thời đại 50 hay 100 năm nữa, họ sẽ không viết về cuộc Đại Khủng hoảng năm 2008 hoặc vấn đề tài chính mà Mỹ phải đối mặt trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 mà sẽ viết về việc liệu thế giới sẽ phải điều chỉnh thế nào trước chuyển động của lịch sử theo hướng Trung Quốc.”
Sự tăng trưởng của Trung Quốc không phải lúc nào cũng được chào đón ở mọi nơi trên thế giới. Sự gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc như một sức mạnh thương mại đang định hình lại các nền kinh tế khác, chuyển đổi mô hình kinh doanh quốc gia của các nước từ mô hình sản xuất trở về mô hình nguyên liệu, đẩy tiền tệ theo hướng không mong muốn và tăng lo ngại về tiền lương tại Mỹ.
Mới đây, Trung Quốc đã công bố thâm hụt thương mại trong tháng Hai một phần là do tác động của kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nay của Trung Quốc tăng 21,3%, còn nhập khẩu tăng 36% so với năm trước. Trong khi đó, hôm 10/3, Mỹ công bố thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc trong tháng Một lớn hơn so với các nước khác. Trong tháng Một, xuất khẩu của Trung Quốc ra toàn cầu lớn hơn 35% so với xuất khẩu của Mỹ ra toàn cầu, còn nhập khẩu toàn cầu của nước này lại ít hơn 14% so với Mỹ.
Tại Nhật Bản, nhà sản xuất các thiết bị xây dựng lớn nhất nước Komatsu có 2,3% doanh thu từ Trung Quốc trong thập kỷ trước, còn hiện tại con số này đã tăng đến 19%.
Trung Quốc hiện cung cấp một nửa số quần áo nhập khẩu và hơn 2/3 số đồ chơi cho Nam Phi. Đổi lại, người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng cam của Ai Cập, cacao của Ghana và rượu vang của Nam Phi.
Còn tại Brazil, tỷ phú Brazil Eike Batista đã xây dựng một cảng biển ở phía Bắc thành phố Rio phục vụ cho các tàu chở dầu tới Trung Quốc.
Thương mại của Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu chậm lại. Sau khi giảm mạnh trong năm 2009 trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, xuất nhập khẩu của nước này đã hồi phục trong năm 2010. Các dòng chảy của đầu tư trong và ngoài nước vào Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác.
Đối với các thị trường mới nổi, lợi nhuận tăng nhờ việc bán hàng sang Trung Quốc luôn được chào đón, tuy nhiên vẫn có những lo ngại về nhiều tác động không mong muốn.
Trong nhiều năm qua, Brazil và các nước láng giềng luôn tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ bằng cách củng cố ngành công nghiệp địa phương và nuôi dưỡng thị trường khu vực nhằm đảm bảo cho việc cung cấp từ năng lượng tới các sản phẩm như máy giặt. Song hiện tại, sự bùng nổ của xuất khẩu sang Trung Quốc đang đẩy Brazil từ nhà sản xuất hàng hóa giá trị cao trở về nhà sản xuất hàng hóa thông thường. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2000, xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc chưa tới 2%, song đến năm 2009, con số này đã lên tới 12,5%.
Theo số liệu của chính phủ Brazil, khoảng 80% xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc là hàng nông nghiệp và khoáng sản; 90% hàng nhập khẩu của nước này từ Trung Quốc là hàng sản xuất giá rẻ mà Brazil không thể sản xuất được do mức lương tại Brazil cao hơn Trung Quốc. Brazil cho rằng, đây là lợi thế để Trung Quốc định giá thấp đồng NDT.
Indonesia đang trở thành nhà nhập khẩu của Trung Quốc. Năm ngoái, nhập khẩu từ Trung Quốc vào nước này đã tăng 50%, hơn hẳn so với xuất khẩu của Indonesia sang Trung Quốc.
IMF cho biết, khoảng 30% thương mại của Trung Quốc là với các nước đang phát triển, tăng từ 20% trong năm 2000. Phần lớn thương mại của Trung Quốc vẫn là với các nước phát triển.
Hiện Trung Quốc chiếm 25% xuất khẩu của Australia, tăng từ 4% của thập kỷ trước. Trung Quốc đang tăng cường khai thác các khu vực phía Tây trong khi cắt giảm ngành du lịch và các ngành công nghiệp phi khai khoáng.
Theo ông Matthew Slaughter, cựu cố vấn Nhà Trắng thời TT Bush, hiện nay, các nước tiên tiến đang có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn từ các nước có thu nhập trung bình hoặc thấp. Ngay cả khi các đối tác thương mại trở nên giàu hơn thì mức lương trung bình của họ vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ.
( Nguồn: ViTinfo )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com