Trung Quốc đã bắt đầu một nỗ lực nhịp nhàng để giữ cho nền kinh tế dựa vào xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ngay cả khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nước này đã suy giảm cùng với đà suy thoái kinh tế toàn cầu.
Không muốn chọc giận Mỹ và các đối tác thương mại khác, Chính phủ Trung Quốc đã lặng lẽ áp dụng các chính sách khuyến khích xuất khẩu song song với hạn chế nhập khẩu cho dù Trung Quốc, một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, luôn chỉ trích gay gắt chủ nghĩa bảo hộ ở các nước khác.
Khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu
Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh ba chương trình hỗ trợ xuất khẩu: tăng tỷ lệ hoàn thuế cho doanh nghiệp, chỉ đạo các ngân hàng thương mại quốc doanh đẩy mạnh cho vay tài trợ thương mại, và dùng ngân sách thanh toán các chuyến đi xúc tiến thương mại tại các hội chợ triển lãm khắp thế giới.
Cùng lúc đó, Trung Quốc cấm tất cả các cơ quan chính phủ trung ương và địa phương mua hàng nhập khẩu ngoại trừ trường hợp không có sản phẩm trong nước thay thế.
Quy định này là một phần của kế hoạch kích thích kinh tế và thực thi một đạo luật ưu đãi nhà sản xuất trong nước, ra đời từ năm 2003 nhưng hiếm khi được áp dụng. Nó cho thấy Trung Quốc đã khai thác triệt để sự kiện cho đến nay họ chưa ký một thỏa thuận toàn cầu ngăn cản chủ nghĩa bảo hộ trong hoạt động mua hàng của chính phủ.
Và trong nỗ lực tăng cường sức mạnh các nhà xuất khẩu, Trung Quốc còn hạn chế số lượng các nguyên liệu thô được phép bán ra nước ngoài.
Thứ Ba tuần trước (23-6), Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk thông báo rằng Mỹ và Liên minh châu Âu đã kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì nước này hạn chế xuất khẩu 9 loại nguyên liệu thô (bauxite, kẽm…).
Trung Quốc là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới các loại nguyên liệu dùng trong công nghiệp và việc hạn chế xuất khẩu đem lại lợi thế không công bằng cho các nhà sản xuất Trung Quốc, đồng thời gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nước ngoài trong việc sử dụng nguyên liệu.
“Trung Quốc không chỉ tiếp tục mà còn đẩy mạnh nhiều giải pháp mang tính bảo hộ mà họ đã sử dụng trong quá khứ để kích thích kinh tế phát triển”, ông Michael R. Wessel, Ủy viên Ủy ban xét duyệt an ninh- kinh tế Mỹ-Trung, nhận định.
Các chính sách này bảo đảm cho nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng, với rủi ro là làm gia tăng tình trạng căng thẳng thương mại toàn cầu vào một thời điểm nhạy cảm khi ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng các giải pháp hành chính nhằm hạn chế thương mại và WTO phải cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ.
Và các chính sách này cũng đối lập với lời hứa của Trung Quốc xây dựng một nền kinh tế dựa vào tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu quốc tế.
“Sự tập trung duy trì sức cạnh tranh trong xuất khẩu để ngăn chặn tình trạng mất việc làm rõ ràng đã lấn lướt sự tái cân bằng tăng trưởng trong dài hạn và giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên đây lại là một chiến lược nguy hiểm. Các biện pháp bảo hộ, cả công khai lẫn ngấm ngầm, đều rất khó đảo ngược”, Eswar S. Prasad, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Brookings ở Washington, nhận định.
Trong những động thái khác, Trung Quốc còn tạm dừng việc tăng giá đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ bằng việc can thiệp sâu vào thị trường tiền tệ, giảm giá đồng nhân dân tệ, mua đô la Mỹ và các ngoại tệ khác.
Chính quyền các tỉnh dường như cũng nới lỏng việc thực thi các đạo luật về chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Người tiêu dùng Trung Quốc không cần phải mua hàng nhập khẩu khi họ có thể mua hàng nhái sản xuất trong nước với giá rẻ hơn.
Hồi tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố nước này sẽ dựa vào tiêu dùng nội địa để giữ nền kinh tế tăng trưởng khi xuất khẩu giảm sút trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuyên bố này được các nhà kinh tế và các chính phủ trên thế giới đón nhận bằng sự hân hoan lẫn mối hoài nghi, tuy nhiên dường như những người hoài nghi đã đúng.
Bất chấp tai họa mà vụ suy thoái kinh tế toàn cầu mang lại cho các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu - chẳng hạn xuất khẩu của Nhật giảm 45% - trong bốn tháng đầu năm nay xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chỉ giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng khoảng thời gian này, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 17,2%.
Mỹ nhập khẩu hơn 4 đô la giá trị hàng hoá từ Trung Quốc cho mỗi 1 đô la hàng hóa mà nước này xuất sang Trung Quốc.
“Mua hàng Trung Quốc”
Các quan chức và các nhà kinh tế Trung Quốc nhanh chóng lên tiếng bảo vệ các chính sách của nước họ.
Ông Qiao Yu, nhà kinh tế học của Đại học Thanh Hoa, nói rằng Trung Quốc không sản xuất được một số loại thiết bị và sẽ cần nhập khẩu. “Tôi nghĩ vẫn có chỗ cho nhà sản xuất nước ngoài nắm lấy một vài phần của gói kích thích kinh tế”, ông Yu nói.
Có thể lấy một ví dụ là ông Li Junfeng, một quan chức thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc. Ông Li nói rằng những lời phàn nàn gần đây của các nhà sản xuất tua bin gió nước ngoài về luật mua hàng nội địa là không chính xác. Các nhà sản xuất này có nhà máy ở Trung Quốc và có thể dùng chúng để đáp ứng các đơn đặt hàng của Trung Quốc.
Vào ngày 4-6, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ chỉ được mua hàng Trung Quốc nếu dùng tiền từ chương trình kích thích của nhà nước cho dù đầu năm nay, Trung Quốc đã chỉ trích gói kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ Obama do có một yêu cầu hạn hẹp hơn là sử dụng sản phẩm thép do Mỹ sản xuất trong các dự án xây dựng bằng tiền ngân sách.
Theo luật lệ của WTO, Trung Quốc bị cấm phân biệt đối xử quốc tịch trong việc mua hàng hóa - trừ trường hợp mua hàng của chính phủ được quy định bởi một thỏa thuận WTO riêng biệt mà hầu như tất cả các nước công nghiệp đều đã ký. Khi gia nhập vào WTO vào tháng 11-2001 và nhận được quyền tiếp cận đầy đủ các thị trường nước ngoài, Trung Quốc đã cam kết tham gia vào thỏa thuận về mua hàng của chính phủ “ngay khi có thể”. Các cuộc thảo luận sau đó ở Geneva vẫn không đạt được tiến bộ nào, khiến cho Trung Quốc, với khu vực kinh tế nhà nước rộng lớn, được tự do ưu đãi cho các nhà sản xuất nội địa trong các hợp đồng với chính phủ.
Ông Merle A. Hinrichs, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Global Sources, một công ty Hồng Kông chuyên nối kết các nhà sản xuất Trung Quốc với khách hàng phương Tây nói rằng, sự sụt giảm của xuất khẩu Trung Quốc trong mùa đông năm ngoái và mùa xuân năm nay đã khiến nhiều xí nghiệp Trung Quốc thay đổi sách lược, thay vì chỉ dựa vào xuất khẩu họ chuyển sang dựa vào cả xuất khẩu và thị trường trong nước. Tuy nhiên, các nhà máy này thường không trả phí nhượng quyền sản xuất đã chuyển cho họ để làm hàng xuất khẩu khi dùng chúng để sản xuất hàng hóa cho thị trường nội địa.
Richard Gould, quản lý hoạt động ở miền Nam Trung Quốc cho CBI Consulting, một công ty điều tra có trụ sở ở Thượng Hải chuyên về quyền sở hữu trí tuệ nói rằng, việc nới lỏng sự thực thi luật sở hữu trí tuệ xuất phát một phần từ chính sách cắt giảm tạm thời chi phí điều hành của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Không có số liệu đáng tin cậy nào về tình trạng làm hàng giả ở Trung Quốc. Vì đây là hoạt động bất hợp pháp, các công ty không báo cáo số liệu. Các ước lượng chỉ dựa trên giá trị hàng hóa thu được từ các đợt khám xét của cảnh sát. Nhưng những kẻ làm hàng giả “hiểu rất rõ hệ thống pháp lý. Họ thực sự nghĩ rằng họ sẽ không bị bố ráp”, ông Goud nói.
(Theo Theo New York Times // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com