Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

VFA: Xuất khẩu gạo theo hướng linh hoạt

Công nhân đang đóng bao tại một nhà máy xáy xát lúa tại Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Hùng

Do những diễn biến về thời tiết nên nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới sẽ tăng cao, để tạo được lợi nhuận cao nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Hiệp hội lương thực Việt Nam sẽ điều hành xuất khẩu gạo theo hướng linh hoạt.

Đây là thông tin được tất cả thành viên thuộc Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cùng thống nhất tại buổi họp thường niên của hiệp hội này tại TPHCM ngày 10-2.

Tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng giá lương thực

Tại cuộc họp này, các thành viên VFA đã phân tích những biến động của thị trường, cụ thể, yếu tố thời tiết bất thường tại Trung Quốc, còn Indonesia bất ngờ tăng lượng gạo dữ trữ cùng lạm phát giá lương thực như lúa mỳ, bắp, gạo tại nhiều nước đang có dấu hiệu gia tăng.

“Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới và với những diễn biến như hiện nay thì năm nay giá gạo sẽ tăng cao. Vì vậy, chúng ta cần phải chủ động để điều tiết được giá bán sao cho có lợi nhất, qua đó, gián tiếp giúp nông dân bán được lúa với giá cao”, ông Cao Minh Lãm, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang nói.

Ông Lãm cũng cho rằng, hiện giá gạo của Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan, Pakistan nên sẽ thu hút được các nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Indonesia, hay các nước châu Phi. Tuy nhiên, những quốc gia này chưa muốn ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam vì có tâm lý chờ Việt Nam thu hoạch đông xuân xong với hy vọng giá gạo của nước ta xuống thấp để ký hợp đồng.

“Đây là chiến lược mà các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam đã từng áp dụng trong những năm qua nên việc chúng ta chưa có những hợp đồng xuất khẩu trong quý 2 và 3 là điều dễ hiểu”, ông Lãm cho hay. Còn ông Nguyễn Thanh Ngọc, Giám đốc Ccông ty lương thực Bạc Liêu cho rằng, năm 2010 Philippines đã nhập khẩu hơn 2,3 triệu tấn gạo, trong đó, có 1,6 triệu tấn gạo của Việt Nam và năm nay quốc gia này sẽ nhập khẩu từ 1,3- 1,5 triệu tấn gạo. Có thể, từ quý 3 hoặc 4 nước này mới mua gạo của Việt Nam.

Hiện Việt Nam chưa ký được hợp đồng giao gạo trong quý 2 nhưng theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, ngoài Philippines thì thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu chi phối của Indonesia khi nước này mua vào với số lượng gạo lớn sau khi đã mua của Việt Nam gần 900.000 tấn gạo và 280.000 tấn của Thái Lan vào cuối năm 2010 và tháng 1-2011. Và thời gian tới nước này tiếp tục mua thêm gạo của các nước trong khu vực.

“Vào thời điểm này thị trường gạo của thế giới chưa có những nhu cầu mới nhưng vào tháng 6, 7 Indonesia nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo, thêm vào đó, do biến động của thời tiết nên những nước như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan sẽ hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới còn lớn và nếu chủ động được gạo dự trữ thì Việt Nam sẽ chù động điều tiết giá bán trên thị trường”, ông Phong nói.

Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Hiện các tỉnh ĐBSCL đang bắt đầu vào vụ thu hoạch đông xuân, VFA cho biết, sẽ bắt đầu mua 1 triệu tấn gạo (quy ra lúa) dự trữ. Thời gian mua là từ 1-3 đến 15-4. Giá lúa sẽ được 60-65 doanh nghiệp trực thuộc VFA mua theo giá thị trường.

Tuy nhiên, các thành viên của VFA cho rằng với lãi suất ngân hàng 16-18% như hiện nay sẽ làm khó cho doanh nghiệp trong việc mua tạm trữ. Vì vậy, theo các thành viên này, VFA cần xin Cchính phủ hỗ trợ doanh nghiệp mua gạo dự trữ được vay vốn với lãi suất 14,5%.

Lần mua gạo dự trữ cho vụ đông xuân năm 2010, có 49 doanh nghiệp mua gạo dự trữ nhưng năm nay tăng lên tối thiểu là 60 doanh nghiệp. Vì theo ông Phong, ngoài việc mua 1 triệu tấn gạo dự trữ theo kế hoạch thì thì các doanh nghiệp này sẽ mua thêm 500.000 tấn gạo nữa, nâng tổng tổng lượng gạo mà các doanh nghiệp mua là 1,5 triệu tấn.

Ngoài ra, chưa kể đến các doanh nghiệp trong và ngoài VFA không nằm trong danh sách mua tạm trữ gạo sẽ mua lúa của nông dân nên lượng lúa thu hoạch của nông dân sẽ được mua hết với giá cao.

Theo VFA, tháng 1 đã xuất khẩu trên 485.000 tấn gạo, tăng gần 37% về số lượng, đạt gần 244 triệu đô la Mỹ (giá FOB), tăng hơn 48,5% về giá trị. Dự kiến trong tháng 2, nước ta sẽ xuất khẩu thêm 700.000 tấn gạo. Còn tháng 3 vào khoảng 400.000-500.000 tấn. Như vậy, quý 1 sẽ xuất khẩu khoảng 1,6 triệu tấn, tăng 300.000 tấn so với kết hoạch.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
  • Hai mặt của thị trường xe máy
  • Năm 2011:Thị trường bán lẻ sẽ ra sao?
  • Kỳ vọng xuất khẩu 5,5 tỷ US
  • Đối mặt với “bão giá” thức ăn chăn nuôi
  • Bán lẻ sẽ đi vào khuôn khổ
  • Hạn chế nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu
  • Hàng nhập khẩu rục rịch 'té nước theo đôla'
  • Xuất khẩu nông sản 2011: Viết tiếp những kỳ tích?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com