Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu: Càng gỡ càng khó!

 Vốn là vấn đề nóng nhất được các doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành hàng đưa ra tại buổi giao ban xuất khẩu trực tuyến quý 1/2011 do Bộ Công Thương tổ chức vào sáng 5/4. Mặc dù đã có nhiều ý kiến được đưa ra, đại diện một số ngân hàng cũng đã lên tiếng nhưng xem ra bài toán này không dễ giải.

 
CôngThương - Doanh nghiệp trước nguy cơ dừng sản xuất
 
Mặc dù các ngân hàng vẫn tuyên bố đảm bảo đủ vốn cho DN nhưng câu chuyện cung- cầu tín dụng xem ra vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng khó có thể giải quyết một sớm một chiều. Thực tế, lãi suất cho vay ở các ngân hàng hiện đã khá cao, mức 16-18%/năm như các ngân hàng công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận tới nguồn vốn có lãi suất “mơ ước” này. Hầu hết các DN đang phải vay vốn ở mức 20 thậm chí trên 20%.
 
Ông Nguyễn Thái Học- Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam- chia sẻ: Các DN trong ngành điều đang gặp bế tắc về tiếp cận vốn tại ngân hàng. Trong quý 2/2011, thời điểm để các DN tiến hành thu mua nguyên liệu ở các nước châu Phi để cho sản xuất cả năm đã đến nhưng không có vốn (khoảng 12.000 tỷ đồng). Thực tế, tổng nhu cầu vốn của cả ngành điều khoảng 25 ngàn tỷ đồng, các DN tự lo được vốn chỉ khoảng 5-6 ngàn tỷ đồng, số vốn còn lại tiếp cận được ở ngân hàng cũng chỉ khoảng 10%.
 
Ông Học lo lắng, lãi suất hiện quá cao, DN đang đứng trước lựa chọn không vay ngân hàng thì phải dừng sản xuất, còn nếu vay sẽ lỗ bởi tính giá đầu vào 1 tấn hạt điều là hơn 8.000 USD mà giá trên thị trường thế giới chỉ hơn 7.700 đô, DN sẽ lỗ hơn 400 đô/tấn. Vì thế, ông Học tha thiết đề nghị được giải quyết lượng vốn 12-13 ngàn đồng để các DN điều thu mua nguyên liệu trong quý 2/2011.
 
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội XK thủy sản (VASEP) cũng cho rằng, vốn là một trong các vấn đề khó khăn nhất mà cộng đồng DN gặp phải từ đầu năm tới nay. Khó khăn này sẽ có độ trễ để bộc lộ mà đến cuối năm 2011 và đầu năm 2012 sẽ nhìn thấy rõ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế.
 
Ông Tăng Văn Hấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, bày tỏ: DN dệt may tiếp cận vốn cũng rất khó khăn, có DN thuộc hiệp hội tại Thái Bình than phiền vì vay 100 tỷ đồng để đầu tư nhà máy sợi, họ đã trả được 80 tỷ mà ngân hàng vẫn không cho rút hồ sơ nên không vay được vốn để đầu tư cho sản xuất.
 
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, lo ngại: đối với DN sản xuất, khó khăn lớn nhất hiện nay là lãi vay, mà đến đến thời điểm này vẫn chưa có giải pháp đột phá tháo gỡ tình hình. Vì thế, cần có gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp hiện đang phải vay vốn với lãi suất trên dưới 20%, thậm chí đến 22% nên cần hỗ trợ để có lãi suất hợp lý từ 14-16%. Không nên thực hiện “nhiệm vụ bất khả thi” là kêu gọi ngân hàng hỗ trợ hạ lãi vay mà nên thực hiện gói kích thích hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ.
 
Giải bài toán vốn vay
 
Trong chính sách tổng thế về phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát của Chính phủ năm 2011 thì tín dụng sẽ chặt chẽ, thận trọng, tăng trưởng dưới 20%. Vì thế, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên: Sẽ không có được gói hỗ trợ lãi suất bởi Chính phủ đã chủ trương không đẩy mạnh lượng tiền ra, vì thế các DN cần cơ cấu lại sản xuất, tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ tài chính, các ngân hàng cũng có nhiều chương trình tín dụng cho DN xuất khẩu.
 
Ông Trần Phú Minh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cho hay: VDB đã tăng doanh số cho vay xuất khẩu năm 2011, khoảng 30-35 nghìn tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm trước, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng, trong các mặt hàng được hưởng lãi suất ưu đãi chủ yếu tập tung cho thủy sản, chiếm 20-30%, tiếp đó là cà phê, điều, rau quả; lãi suất cho vay chỉ 11,4%. Với những mặt hàng chiến lược, các DN sẽ được VDB giữ hạn mức như đã được vay những năm trước, ngân hàng cũng sẽ tăng hạn mức với những DN xuất khẩu có uy tín và DN có mặt hàng mới, thị trường mới.
 
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó giám đốc khối khách hàng DN lớn Vietinbank- cũng cho biết, ngân hàng đang có chương trình hạ lãi suất cho DN xuất khẩu. Theo đó, VietinBank tiếp tục ưu đãi lãi suất cho vay USD đối với doanh nghiệp xuất khẩu với mức giảm đến 1,5% so với lãi suất cho vay ưu đãi thông thường… Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành xuất khẩu mũi nhọn, trọng điểm của đất nước (nông- lâm- thủy hải sản, cao su, dệt may…), các DN xuất khẩu thuộc thế mạnh kinh tế địa phương, xuất khẩu vào thị trường mới... ngoài việc áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi như trước, lãi suất cho vay bằng USD sẽ tiếp tục được giảm đến 1,5%/năm. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có cam kết bán lại nguồn ngoại tệ cho ngân hàng sẽ được giảm tối đa 1%/năm; khách hàng xuất khẩu có đủ ngoại tệ để trả nợ vay từ nguồn thu xuất khẩu theo quy định của Thông tư 07/2011/TT-NHNN sẽ được giảm tối đa 0,5%/năm.
 

Bài toán vốn vay còn được hiến kế để giải theo cách cấp hạn mức vốn cho ngân hàng để ngân hàng tìm DN uy tín cho vay. Ông Đỗ Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, kiến nghị: Giải quyết bài toán vốn thực ra không khó, chỉ cần phân bổ cắt cho từng ngành nông sản số vốn cụ thể rồi giao hạn mức vốn cho ngân hàng, ngân hàng sẽ tìm những DN tốt cho vay, cung ứng đủ vốn cho DN mà vẫn bảo toàn được vốn.
---------------------------------------------
Nguồn: Báo Công Thương

--------------------------------------------------------------------

Đọc thêm:

Doanh nghiệp xuất khẩu “khóc” với lãi suất

Với tình cảnh siết vốn, chi phí đầu vào tăng cao là những rào cản cho xuất khẩu. Điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất 20%-21%, nếu doanh nghiệp nào đủ can đảm vay vốn được thì phải phong anh hùng.
Qua ba tháng đầu năm 2011, tình hình nhập siêu đang có xu hướng tăng lên, giá cả nguyên vật liệu tăng cao đi kèm với lãi suất lên tới hơn 20% khiến doanh nghiệp xuất khẩu khốn đốn. Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình xuất nhập khẩu quý I do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5-4 tại đầu cầu Hà Nội và TP.HCM.
 
Nên ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu
 
Dù đã đạt được những thành tựu về xuất khẩu qua ba tháng đầu năm 2011 nhưng tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp vẫn than thở về giá cả và lãi suất ở mức cao, khiến doanh nghiệp khốn đốn.
 
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết hiện tại các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải ba khó khăn chính. Đó là nguyên liệu tôm, cá tra và cá ngừ rất yếu, giảm mạnh so với năm ngoái. Giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến đời sống công nhân gặp thiếu thốn, những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa thể khắc phục được khó khăn này. Ngoài ra, với tình cảnh siết vốn, tiếp cận vốn cực khó như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ khó trụ vững, chi phí đầu vào tăng cao là những cản trở cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
 
Theo ông Dũng, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng quá cao và giá cả tăng cao, Chính phủ nên giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ sáu tháng đến một năm. “Điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất 20%-21%, nếu doanh nghiệp nào đủ can đảm vay vốn được thì phải phong anh hùng” - ông Dũng nói.
 
 
 
Giá nguyên liệu đi kèm với lãi suất tăng cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Chế biến hạt điều xuất khẩu ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: CTV
 
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN, cho biết năm nay ngành sản xuất điều cần 25.000 tỉ đồng nhưng mới chỉ tiếp cận được 10% vốn vay ngân hàng. Sắp tới, trong quý II, ngành điều cần 12.000 tỉ đồng nhưng với lãi suất cao như hiện nay, doanh nghiệp chỉ còn biết ngậm ngùi. Với chi phí sản xuất điều là 8.100 USD/tấn, bán ra với giá 7.700 USD/tấn, doanh nghiệp bị lỗ mất 400 USD. Cộng thêm, giá nguyên liệu tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái càng khiến xuất khẩu điều rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.
 
Từ đó, ông Học đề xuất rằng lãi suất cho lĩnh vực xuất khẩu nên giảm xuống còn 10%-15%. Bởi nếu ngân hàng không giải ngân 12.000 tỉ đồng trong quý II cho ngành điều thì rất có thể tình trạng thương nhân của Ấn Độ sẽ thu mua hết tái diễn như năm 2010.
 
“Để gỡ khó cho doanh nghiệp, vai trò của hiệp hội là rất lớn”
 
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết các doanh nghiệp đảm bảo khả năng tài chính và làm ăn hiệu quả vẫn được ngân hàng cho vay. Ngược lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. NHNN vẫn luôn chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên lãi suất thấp nhất cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu.
 
Bà Hạnh khẳng định không có chuyện vì kiềm chế lạm phát mà ngân hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Nhưng có trường hợp doanh nghiệp kêu ngân hàng quay lưng nhưng khi chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp nói về phương án kinh doanh thì họ không trả lời được” - bà Hạnh chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Công Thương VN, cho rằng thời gian qua ngân hàng này dành khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp nông thôn rất lớn như cung cấp hạng mục tín dụng cho lĩnh vục lương thực và chế biến lên đến 6.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất 2% đối với mức sàn đang áp dụng. Việc vay vốn dễ hay khó tùy thuộc vào tình hình tài chính và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn vay, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên chia sẻ dù hiện nay NHNN đang chủ trì phối hợp các ngành để đưa ra trần lãi suất hợp lý, lãi suất huy động đang ở mức 14%, tuy nhiên thực tế lãi suất cho vay cao hơn mức này. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Biên kiến nghị vai trò của hiệp hội là rất lớn, các hiệp hội tác động mạnh đến các hội viên để đưa ra những kiến nghị cho các cơ quan nhà nước, như thế quyền lợi của hội viên sẽ được đảm bảo hơn.
 
Ông Biên đưa ra ví dụ, Hiệp hội Lương thực VN cùng Bộ Công Thương đã lập danh sách các hội viên xuất khẩu gạo gửi qua NHNN, từ đó NHNN gửi đến các NHTM để cùng nhau giúp doanh nghiệp vay vốn đảm bảo xuất khẩu. Như vậy, với danh sách này, NHTM yên tâm hơn nhiều đối với các doanh nghiệp không nằm trong danh sách đó. Thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã được vay với mức lãi suất 13% từ Ngân hàng Vietcombank. Đây là minh chứng cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước với các ngân hàng.
 
Về đề xuất của các ngành hàng liên quan đến các loại thuế, Vụ Chính sách thuế cho biết việc ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp rất dễ phạm vào quy định cấm trong cam kết gia nhập WTO. Các điều chỉnh về thuế xuất nhập khẩu cũng thuộc dạng “đèn vàng”, nếu sử dụng có thể sẽ bị áp thuế đối kháng, thuế chống bán phá giá nên cần cân nhắc mối quan hệ lợi ích nhiều ngành, nhiều bên mới áp dụng được.
----------------------------------
 
Hiệp hội cần bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng
 
Đối với các mặt hàng nông sản theo mùa vụ, hiệp hội có thể đứng ra bảo lãnh để ngân hàng yên tâm cho doanh nghiệp vay. Ngân hàng cũng cần điều tiết cho vay để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu.
 
Ông TRẦN VĂN ĐỊNH, 
Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Văn phòng Chính phủ
-------------------------
Lãi suất đẩy giá sản phẩm, khó xuất khẩu
 
Lãi suất hiện trên dưới 20%/năm là quá cao khiến doanh nghiệp phải đẩy giá sản phẩm lên. Nhiều đối tác không chấp nhận giá này và đã chuyển đơn hàng sang Malaysia. Đương nhiên, ở Malaysia hay Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu nhưng họ không chịu lãi suất ngân hàng cao như ta nên giá sản phẩm cạnh tranh hơn.
 
Chính phủ cần ban hành gói hỗ trợ lãi suất như trước đây từng làm, giúp lãi suất còn khoảng 12%-14%/năm. Tình hình giá cả và lãi suất hiện nay chưa thể hiện tác động ngay nhưng đến quý II và quý III sẽ thấy rất rõ hậu quả là doanh nghiệp “đuối”. Do đó mà Nhà nước cần gấp rút có chính sách hỗ trợ, không thì không kịp.
 
Ông TRẦN QUỐC MẠNH, 
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM
-----------------------
Dệt may chịu nhiều phụ phí vô lý
 
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may quý I ước đạt gần 2,8 tỉ USD, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng mạnh, xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng đến 120% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dệt may đang chịu nhiều khó khăn, ngoài việc giá nguyên phụ liệu tăng cao thì doanh nghiệp dệt may còn phải chịu thêm một số phụ phí vô lý. Gần đây, các hãng tàu nước ngoài nói là lượng container nhập khẩu về Việt Nam nhiều mà lượng container xuất đi thì ít nên họ phải xuất container rỗng đi. Vì vậy mà họ thu phụ phí cân đối container. Cứ 30 USD/container 20 feet và 60 USD/container 40 feet.
 
Ông TĂNG VĂN HẤN, 
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam
-----------------------------------------------
TRÀ PHƯƠNG - QUỲNH NHƯ // Theo PLTP


 

  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Xuất khẩu rau quả có thể đạt 1 tỷ USD năm nay
  • EU trả lại lô hàng chè Việt Nam: Doanh nghiệp ngao ngán!
  • Thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu VN sang Thụy Sĩ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Siêu thị điện máy, cuộc chiến sống còn trên đất quê
  • Soi Top 10 hàng xuất khẩu tỷ USD có hàm lượng FDI cao nhất
  • Hàng lậu Trung Quốc tràn ngập chợ Đồng Xuân
  • CPI tháng 7 tại Tp.HCM giảm tốc mạnh
  • Hàng giả: “Căn bệnh” đau đầu kinh niên của cả thế giới
  • Sắm tết Giáp Ngọ, thương hiệu thời trang Việt lên ngôi
  • Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái giảm mạnh
  • Hàng xuất khẩu gánh thêm nhiều chi phí
  • Hàng Thái bám rễ thị trường Việt
  • Trung Quốc làm giá cá toàn cầu cao chưa từng thấy

  • Giành giật thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức ép cạnh tranh nóng lên từng ngày
  • Thị trường thực phẩm chức năng: bị "thổi" giá - người tiêu dùng lãnh đủ
  • Xuất nhập khẩu: xuất ảo, nhập thật - khó kiềm chế nhập siêu
  • Doanh nhân cần biết: Nét đặc trưng văn hóa kinh doanh Nhật Bản
  • Cán cân thương mại quý 1: Xuất khẩu thụt lùi - Nhập siêu tăng tốc
  • Việt Nam: Dự báo nhập khẩu năm 2010
  • ACFTA: Nỗi lo mất thị phần và nhập siêu từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh?
  • Năm 2009: nhập siêu ở mức 12,246 tỷ USD
  • Ôtô nhập khẩu năm 2009 và dự báo năm 2010
  • Doanh nghiệp cần biết khi gia nhập WTO
  • Hàng Việt Nam xuất khẩu: Làm gì để nâng cao giá trị gia tăng ?
  • Bàn về chiến lược kinh doanh xuất khẩu gạo