Giá một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng 7-2009 đã bắt đầu nhích lên, nhưng chưa thể cứu vãn kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm bị giảm mạnh, chỉ đạt trên 32,3 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khả năng xuất khẩu năm 2009 chỉ đạt 61 tỷ USD thay vì 64,6 tỷ USD như kế hoạch. Đây là nội dung chính của buổi giao ban xuất khẩu 7 tháng, bàn kế hoạch nước rút của 5 tháng cuối năm do Bộ Công thương tổ chức ngày 27-7 tại TPHCM.
Quá khó khăn
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, trong khi GDP, thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp vẫn tăng thì xuất khẩu lại giảm khá mạnh. Đây là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm cho thị trường xuất khẩu bị co lại. Sản phẩm của VN bị cạnh tranh rất dữ dội về giá cũng như các rào cản thương mại từ các nước nhằm bảo hộ thương mại nội địa. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản VN (VASEP) nhìn nhận, xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm không phải là khó khăn mà là quá khó khăn! 7 tháng đầu năm, kim ngạch mới chỉ đạt 2,1 tỷ USD. Con số này so với chỉ tiêu đã điều chỉnh xuất khẩu cả năm 4,6 tỷ USD là quá xa (chỉ tiêu ban đầu đặt ra năm 2009 là 5,3 tỷ USD). Cố gắng lắm thì xuất khẩu thủy sản cũng chỉ đạt mức 4 – 4,2 tỷ USD.
Không riêng thủy sản, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, giày dép… đều đã điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu theo hướng giảm so với kế hoạch đầu năm đưa ra. Cụ thể, dệt may từ 10,5 tỷ USD, hiện giảm còn 9,1 tỷ USD; giày dép 5,1 tỷ USD xuống còn hơn 4 tỷ USD, đồ gỗ 3 tỷ USD nay còn 2,8 tỷ USD…
Trông chờ những tháng cuối năm?
Theo nhận định của ông Nguyễn Thành Biên, xuất khẩu đã và đang vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu của tháng sau luôn cao hơn tháng trước, sức mua và đơn hàng có dấu hiệu tăng. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng cho rằng, xuất khẩu trong 5 tháng tới sẽ tốt hơn so với 7 tháng đầu năm.
Ở góc độ doanh nghiệp (DN), ông Văn Thành Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Đắk Lắk cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của VN phụ thuộc rất nhiều vào giá thế giới, trong khi đến thời điểm này chưa ai có thể dự kiến chính xác giá hàng hóa đang diễn ra theo chiều hướng nào, khi nào thì kinh tế thế giới phục hồi. Dệt may đang được coi là ngành hàng triển vọng nhất trong các mặt hàng xuất khẩu hiện nay.
Trong tháng 5 và 6 có khá nhiều DN ký hợp đồng xuất khẩu đến hết năm 2009 và đầu năm 2010. Nhưng theo nhận định của Tập đoàn Dệt may VN, mức tăng trưởng của ngành này chỉ có thể bằng năm ngoái hoặc tăng 2% - 3% là tối đa. Từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, những chuyển biến này vẫn chưa thể đảm bảo để xuất khẩu VN trong năm 2009 có thể chạm đến con số 64,6 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2008. Nhiều khả năng kim ngạch sẽ chỉ bằng năm ngoái là 62,9 tỷ USD, thậm chí chỉ đạt khoảng 61 tỷ USD.
Cần những giải pháp quyết liệt
Xuất khẩu hiện vẫn chiếm hơn 60% GDP cả nước, do vậy nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp thì mới có thể gỡ khó cho DN. Theo ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sadaco, để làm được việc này, công tác xúc tiến thương mại phải được cải tiến hơn nữa bằng việc xác định lại cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, hướng vào các mặt hàng chế tạo và chế biến để gia tăng giá trị. Đồng thời xây dựng các chợ nguyên phụ liệu và lập các kho ngoại quan tại các quốc gia, để sản phẩm của VN thâm nhập trực tiếp vào các kênh phân phối, giảm các khâu trung gian, nhằm giảm giá thành ở mức thấp nhất.
Vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nhức nhối của ngành thủy sản, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh VN. Theo ông Trương Đình Hòe, vào ngày 29-7 tới đây, VASEP sẽ tổ chức hội nghị “Nói không với tôm tạp chất” nhằm đẩy lùi nạn bơm tạp chất vào con tôm. Nếu tình hình được cải thiện thì xuất khẩu tôm vào Nhật Bản sẽ tăng trưởng và Mỹ sẽ nhập khẩu trở lại.
Về hỗ trợ lãi suất, nhiều ý kiến cho rằng DN đang rất cần vốn vì vậy thủ tục cho vay phải thông thoáng hơn. Nên ưu tiên cho các DN nhỏ và vừa. “Ảnh hưởng của đợt xiết lại nguồn vốn vay từ năm ngoái vẫn còn nặng nề, nhiều DN nếu không tiếp cận được các nguồn vốn chắc chắn sẽ phá sản” - ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, nhấn mạnh. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành cần rà soát lại các DN đang chịu lãi suất ở mức rất cao để điều chỉnh sớm.
(Theo Thúy Hải/SGGP)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com