Mua sắm tại một siêu thị ở khu bảo thuế Tịnh Biên. Ảnh: Đại Dương. |
Biến cửa khẩu trở thành vùng đệm nhằm giúp các doanh nghiệp xâm nhập thị trường Campuchia. Mô hình nhiều hứa hẹn này đang được triển khai tại Tịnh Biên, An Giang.
Thay đổi quan niệm
Khu thương mại Tịnh Biên là khu phi thuế quan (bảo thuế) thuộc khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang, sau bốn năm chuẩn bị nay đã đi vào hoạt động. Trong hai ngày 22 và 23-8 vừa qua, UBND tỉnh An Giang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức lễ khai trương Khu thương mại Tịnh Biên và ngày hội “Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) xuất khẩu sang Campuchia”.
Trước đó, ông Lâm Minh Chiếu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã đích thân dẫn đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang làm việc với ba tỉnh, thành phố Takeo, Phnôm Pênh, Kandal để tiếp thị cho hàng Việt Nam.
Những hoạt động này đều nhằm xúc tiến cho một mô hình mới mà các quan chức tỉnh An Giang gọi là “xuất khẩu biên mậu qua khu thương mại bảo thuế”. Theo đó, không chỉ hàng hóa nước ngoài mà hàng sản xuất trong nước cũng được tạo điều kiện với việc miễn các loại thuế và thủ tục hải quan đơn giản khi đưa vào lưu thông tại các siêu thị trong khu bảo thuế.
“Chúng tôi muốn thay đổi một quan niệm không đúng lâu nay rằng siêu thị miễn thuế chỉ dành cho hàng hóa nước ngoài mà không có hàng nội” - ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu An Giang giải thích.
Nhưng quan trọng hơn, từ khu bảo thuế, hàng Việt Nam có một “cứ địa” ngay sát biên giới để lan tỏa dễ dàng hơn, nhanh hơn ra thị trường nước ngoài, điều mà hầu như chưa có khu kinh tế cửa khẩu nào quan tâm đến.
Thậm chí, không ít khu kinh tế cửa khẩu lại chỉ là nơi nhập hàng ngoại về bán với điều kiện ưu đãi, cạnh tranh ngược với hàng hóa sản xuất trong nước. Chủ tịch Lâm Minh Chiếu nói rằng tỉnh quyết không thể để nghịch lý đó xảy ra mà phải biến nơi đây trở thành cửa ngõ thuận lợi cho hàng Việt Nam đi ra thị trường nước ngoài.
Cơ hội kèm khó khăn
Quyết tâm của tỉnh An Giang không phải không có cơ sở. Ông Trí cho biết trong 1,7 tỷ đô la Mỹ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến qua các cửa khẩu với Campuchia trong năm 2009 thì riêng các cửa khẩu An Giang là 1,1 tỷ đô la, tức chiếm tới tỷ lệ 65%. Số lượt người xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu An Giang cũng không ngừng tăng với các con số ấn tượng: năm 2008 có gần 400.000 lượt, năm 2009: ước đạt hơn 530.000 lượt.
Chủ trương của tỉnh được giới doanh nghiệp đón nhận ủng hộ. Bằng chứng là trong hai ngày lễ hội, hơn 60 doanh nghiệp HVNCLC đã đến tham dự với mục tiêu quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương. Ngoài ra, còn một đoàn khách đặc biệt đến từ Campuchia gồm nhiều quan chức cao cấp cùng 20 doanh nghiệp tháp tùng để tìm hiểu cơ hội kinh doanh.
Ông Ngô Thành Cương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần gạch ngói gốm xây dựng Mỹ Xuân cho biết công ty muốn tìm nhà phân phối cho sản phẩm gạch ngói của mình tại Campuchia. “Chúng tôi muốn nhắm đến thị trường xây dựng chùa chiền ở Campuchia, đây là một thị trường khá tiềm năng. Một số vật liệu như ngói gốm đất sét nung, men cần cho chùa chiền hầu như chưa có nhà cung cấp trong khi đây là thế mạnh của chúng tôi” - ông Cương nói.
Tương tự, Công ty cổ phần Quạt Việt Nam (AsiaVina) cũng cử người tới tham dự lễ hội với mục đích quảng bá sản phẩm và tìm nhà phân phối tại Campuchia. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc bộ phận quan hệ công chúng của Công ty Nutifood, thì cho biết Nutifood chuẩn bị hoàn tất thêm một nhà máy sản xuất sữa trị giá 40 tỉ đồng ở Bình Dương nhằm thực hiện chiến lược đến năm 2010 đưa sản phẩm sang Campuchia. “Hiện chúng tôi đang tiến hành công việc xúc tiến thương mại” - ông Đức tiết lộ.
Giám đốc thương hiệu của một hãng thời trang xin giấu tên cho hay sẽ mở kênh phân phối mặt hàng thời trang cao cấp tại Phnôm Pênh để đáp ứng “thị trường còn rất mới về thời trang” của đất nước 14 triệu dân số này. Theo vị giám đốc, một bộ phận dân cư ở Campuchia đang giàu lên nhanh chóng và tầng lớp này có nhu cầu khá lớn về thời trang cao cấp. Trong khi đó, ông Lay Vannak, Phó tỉnh trưởng tỉnh Takeo một mực khuyên các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư mạnh vào các mặt hàng thực phẩm, ăn uống vì đây là thời điểm rất thuận lợi để cạnh tranh với Thái Lan trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng bày tỏ một số lo ngại. Sự phối hợp trong thủ tục xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn chưa có sự ăn ý. “Có lúc, bên này cho sang mua hàng khi về lại bị xét hỏi và ngược lại bên kia cho bên này lại không” - ông Ung Văn Thảnh, Giám đốc Siêu thị miễn thuế Công Danh, phản ánh. Thuế nhập khẩu hàng hóa vào Campuchia cũng là vấn đề quan ngại. Các doanh nghiệp cho hay mức thuế hiện nay vẫn còn rất cao, ví dụ quạt máy lên tới 35%, sữa 35%...
“Theo như tôi biết, do thuế quá cao nên ngay cả Vinamilk cũng chỉ mới có hai sản phẩm là sữa chua và nước trái cây có mặt tại Campuchia” - ông Trần Hữu Đức cho biết. Trong khi đó, nhờ hiệp định thương mại song phương giữa hai nước đã được ký kết nên hàng hóa nhập từ Thái Lan vào Campuchia bao giờ cũng được hưởng mức thuế suất thấp hơn. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nên sớm ký hiệp định thương mại song phương với Campuchia để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp thì phàn nàn thủ tục hải quan tại khu bảo thuế vẫn còn quá cứng nhắc. Chủ một siêu thị cho biết có trường hợp chỉ vì sai sót nhỏ trong tờ khai hải quan mà cán bộ hải quan nhất quyết không cho đưa hàng vào, kể cả khi sai sót đã được khắc phục. Đặc biệt, điều làm các doanh nghiệp lo lắng nhất là sự thiếu ổn định trong chính sách đối với việc đầu tư trong khu bảo thuế.
Ví dụ, trước đây để thu hút đầu tư, Nhà nước cho phép khách du lịch được miễn thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt với mức không quá 500.000 đồng/người/ngày khi mua các loại hàng hóa nhập khẩu tại khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên. Một số siêu thị, công trình tại khu bảo thuế vừa xây xong thì bất ngờ vào tháng 3 năm nay lại có quy định mới không cho phép như trên. Quy định này sau đó được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, cho phép tiếp tục chính sách ưu đãi, tuy nhiên chỉ gia hạn đến 2012.
“Nếu vì sợ xảy ra buôn lậu mà cấm doanh nghiệp là không đúng vì buôn lậu là do quản lý yếu kém. Do đó, nên đẩy mạnh quản lý thay vì thay đổi chính sách, đó là biện pháp hợp lý nhất” - ông Nguyễn Minh Trí đề xuất.
(Theo Nguyên Tấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com