Ngay cả ngành thủy sản có lợi thế về nguồn tài nguyên trong nước nhưng vẫn phụ thuộc công nghệ, máy móc chế biến của nước ngoài.
“Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thấp, chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực rẻ, tài nguyên sẵn có. Đặc biệt giá trị gia tăng của sản phẩm rất thấp. Trong khi đó, phần lớn các nguyên vật liệu, trang thiết bị để sản xuất lại phải nhập khẩu từ bên ngoài. Đó là những nguyên nhân khiến cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn thấp”. Đánh giá này được TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, kết luận tại hội thảo giới thiệu báo cáo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam diễn ra sáng 19-4.
Chỉ sản xuất được… thùng carton, xốp!
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết báo cáo này được thực hiện dựa trên kết quả điều tra 174 doanh nghiệp xuất khẩu trong ba lĩnh vực nằm trong tốp năm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD mỗi năm: may mặc, thủy sản và điện tử.
“Đáng chú ý là cả ba lĩnh vực này chỉ xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm sơ chế, gia công, lắp ráp và còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu, linh phụ kiện nhập khẩu do thiếu công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ngay cả ngành thủy sản có lợi thế lớn về nguồn tài nguyên trong nước nhưng vẫn phụ thuộc công nghệ, máy móc chế biến. Còn ngành may mặc thì phần lớn phải nhập nguyên phụ liệu. Điển hình năm 2008 để đạt giá trị xuất khẩu khoảng 7,75 tỉ USD hàng may mặc sang thị trường EU, Mỹ, chúng ta phải nhập nguyên phụ liệu chính từ các nước trong khu vực hết hơn 6 tỉ USD” - TS Tuệ Anh dẫn chứng.
Tương tự, Thạc sĩ Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho hay công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của ngành điện tử. Vì vậy, tỉ lệ nội địa hóa thấp. “Fujitsu Việt Nam nhập khẩu 100% linh kiện và nguyên vật liệu. Còn Công ty Panasonic Việt Nam và Sanyo Việt Nam chỉ sử dụng sản phẩm trong nước là thùng carton và xốp. Nguyên nhân do doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khó khăn về vốn, thiếu chiến lược phát triển, thiếu năng động, thiếu chính sách về phát triển công nghệ hỗ trợ, thiếu nguồn nhân lực cao” - bà Thảo phân tích.
Thời gian làm thủ tục thuế có xu hướng tăng dần
Thạc sĩ Lưu Minh Đức, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho hay số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sử dụng thuế điện tử còn thấp. Nguyên nhân do thủ tục thuế còn nhiều loại giấy tờ, điều kiện hoàn thuế, miễn, giảm phức tạp, thiếu sự phối hợp giữa hải quan và thuế.
Bà Thảo cũng cho hay có đến 66,7% doanh nghiệp xuất khẩu điện tử được hỏi cho rằng chính sách thuế hiện nay phải cần quá nhiều loại giấy tờ. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng chưa hài lòng về thái độ của cán bộ ngành thuế, quá trình thực hiện phải qua nhiều bộ phận, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan…
“Có đến 24,6% doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được hỏi kêu ca về việc yêu cầu nhiều giấy tờ, 16,9% doanh nghiệp cho rằng thiếu thông tin hướng dẫn…” - ông Đức cho biết thêm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điện tử cũng than phiền về việc thực hiện cơ chế một cửa chưa đúng nghĩa, thủ tục hải quan vẫn còn rất phức tạp. “Nhất là thủ tục mô tả hàng hóa và mã hệ thống cùng thủ tục kê khai hải quan. Đây là hai thủ tục khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu” - bà Thảo nhấn mạnh.
Theo như báo cáo, chi phí thời gian và tiền bạc để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến thuế và hải quan của doanh nghiệp xuất khẩu điện tử đang có xu hướng tăng dần. Cụ thể năm 2007, thời gian doanh nghiệp thực hiện thủ tục thuế và hải quan trung bình 161 ngày thì năm 2009 tăng lên 172 ngày. Chi phí thực hiện hai thủ tục này cũng tăng lên từ 86,2 triệu đồng năm 2007 thành 105 triệu đồng năm 2009. Đối với lĩnh vực may mặc, chi phí thực hiện hai thủ tục này có giảm từ 169 triệu đồng năm 2007 còn 123 triệu đồng năm 2009, thời gian thực hiện thủ tục gần như không thay đổi.
(Pháp Luật TPHCM)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com