Năm 2010 là năm xuất khẩu tôm Việt Nam đạt nhiều thắng lợi với sản lượng 240.000 tấn và thu về hơn 2 tỷ USD cho ngành thủy sản. Bước qua năm 2011, ngành hàng này vẫn được dự báo sẽ đạt con số xấp xỉ như năm trước, thậm chí còn vượt xa hơn.
Xuất khẩu vượt chỉ tiêu
Theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết thúc năm 2010 lần đầu tiên xuất khẩu tôm Việt Nam vượt qua con số 2 tỷ USD. Các mặt hàng tôm đã được xuất qua 92 thị trường, tăng 10 thị trường so với năm 2009, trong đó tập trung vào các thị trường như Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản…
Ông Trương Đình Hòe- Phó tổng thư ký VASEP- cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng giá trị cho ngành hàng tôm xuất khẩu trong năm qua, trong đó nổi bật là sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico, sự phục hồi kinh tế của các thị trường chính, tình trạng bệnh dịch khiến giảm mạnh sản lượng tôm nuôi hoặc sự cố an toàn thực phẩm ở một số nước châu Á. Đồng thời, trong năm qua việc đẩy mạnh nuôi trồng tôm thẻ chân trắng cũng là động lực lớn thúc đẩy kim ngạch tăng trưởng. Chỉ tính riêng mặt hàng này đã đạt giá trị xấp xỉ 410 triệu USD, chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm. Hiện tại, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng có gần 25.000 ha (tăng 30% so với năm 2009) với sản lượng đạt 135.000 tấn (tăng 50% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, ông Hòe cũng nhấn mạnh, đối tượng chủ lực quyết định thành công của ngành tôm vẫn là tôm sú. Năm 2010, giá trị xuất khẩu tôm sú đạt xấp xỉ 1,45 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi tôm sú cả nước đạt hơn 613.000 ha với sản lượng gần 333.000 tấn (tập trung vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long), trong đó diện tích nuôi công nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% số còn lại là các hộ nuôi gia đình và doanh nghiệp.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu cao song năm 2010 vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu dẫn tới giá tôm nguyên nguyên liệu tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tình trạng này cũng khiến cho một số nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động 50- 60% công suất, một số khác phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, vấn nạn bơm chích tạp chất trong tôm nguyên liệu, thiếu lao động cục bộ, chí phí sản xuất tăng cao, thêm nhiều rảo cản mới từ các thị trường… cũng là những tồn tại nổi cộm trong ngành tôm năm qua. Theo ông Hòe, trong năm 2011, tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến cho ngành tôm sẽ tiếp tục tái diễn vì nguồn nguyên liệu tôm mang tính thời vụ, người nuôi chưa bám sát nhu cầu và đáp ứng kịp thời cho xuất khẩu.
Tập trung phát triển nguồn nguyên liệu
Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), từ nay đến hết quý I/2011, nguồn cung tôm cho thế giới chưa có tín hiệu cải thiện. Các nước sản xuất tôm ở châu Á vẫn gặp tình trạng thiếu tôm nguyên liệu, do đó dự đoán giá tôm sẽ tiếp tục tăng cao trong quý I/2011. Đây cũng là thuận lợi lớn cho tôm xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, VASEP dự báo giá trị tôm xuất khẩu trong năm 2011 sẽ đạt xấp xỉ con số năm 2010, thậm chí nếu khắc phục được những tồn tại của năm trước thì sẽ còn đạt kết quả khả quan hơn. Đồng thời, diện tích nuôi tôm cả nước sẽ đạt 640.000 tấn, trong đó tôm sú đạt 320.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt khoảng 150.000 tấn do kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh năm 2010 khả quan.
Ông Vũ Minh Chiến- Giám đốc điều hành Trang Corporation- cho biết: Trong năm 2010, do nguồn cung nguyên liệu bất ổn định nên giá trị xuất khẩu của công ty mới chỉ đạt hơn 4,5 triệu USD. Mặc dù hiện tại, đơn hàng cho năm 2011 của công ty đã được các đối tác thỏa thuận đến hết quý II/2011, nhưng tình trạng khan hiếm tôm có thể còn tiếp tục diễn ra đến hết quý I/2011, đây là một trở ngại lớn đối với doanh nghiệp. Để ứng phó với tình trạng này, Trang Corporation dự kiến, trong năm 2011 sẽ tự quy hoạch vùng nuôi tôm tại Cần Giờ với diện tích khoảng 6ha nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tôm chế biến và tăng giá trị xuất khẩu cho công ty.
Bà Âu Ngọc Vững- Giám đốc Công ty cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Âu Vững (Bạc Liêu)- cũng cho biết: Mặc dù không tự cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến tôm xuất khẩu nhưng trong thời gian qua doanh nghiệp này đã liên kết chặt chẽ với các hộ nuôi trồng tại Bạc Liêu. Trong quá trình liên kết, Âu Vững đã cung cấp vốn cho nông dân nhằm giúp họ có nguồn vốn đầu tư giống, thức ăn cho tôm, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho họ. Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu của công ty năm 2010 đạt khoảng 31 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sự phát triển bền vững, công ty cũng đang tính toán đến việc mở rộng diện tích để có thể chủ động hơn trong việc cung cấp nguyên liệu chế biến.
Theo ông Trần Thiện Hải- Chủ tịch VASEP: trong năm 2011 các doanh nghiệp trong ngành cần tăng cường tạo liên kết với người nuôi, giúp người nuôi tiếp cận thị trường, công nghệ và giống nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời xem xét lại toàn bộ giá trị liên quan đến nuôi trồng từ giống, vốn, thức ăn đến chế biến nhằm tạo ra một chuỗi giá trị ổn định, chất lượng theo đúng tiêu chuẩn của các thị trường đưa ra. Ngoài ra, bênh cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống như Nhật, Mỹ, EU, các doanh nghiệp tôm cần linh hoạt hơn nữa trong việc mở rộng thị trường mới nhằm tránh rủi ro về giá và tiêu thụ khi kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn.
Bên cạnh đó, trong năm 2011, VASEP sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh tôm Việt Nam ra thị trường thế giới một cách toàn diện từ khâu nuôi trồng cho đến chế biến xuất khẩu. Hiệp hội cũng xây dựng chiến lược xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc với sự quan tâm đến các nguyên tắc mua bán dài hạn và tránh rủi ro trong thanh toán.
(Báo Công thương)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com