Nếu nhìn vào các số liệu thống kê xuất, nhập khẩu cho tới thời điểm này, có thể thấy một số kết quả rất đáng mừng.
Thứ nhất, xuất khẩu đã tăng vượt xa so với mục tiêu đề ra. Trong khi mục tiêu tăng xuất khẩu năm nay chỉ khiêm tốn ở mức 6%, thì đến thời điểm hiện tại, với ước tính kim ngạch xuất khẩu 32,127 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2009, chúng ta đã hoàn thành trên 53% mục tiêu của cả năm nay, cho nên khả năng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch cả năm là “trong tầm tay”.
Thứ hai, cho dù chúng ta vẫn chưa thể kiềm chế được nhập siêu như mục tiêu đề ra, nhưng do “đoàn tàu xuất khẩu” đã tăng tốc ngoạn mục, nên nhập siêu không còn là vấn đề quá nóng bỏng như 3 năm gần đây. Cụ thể, cho dù kim ngạch nhập khẩu 6 tháng qua ước tăng tới 29,4%, nhưng cũng chỉ là 38,855 tỷ USD, nên kim ngạch nhập siêu chỉ ở mức 6,728 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu chỉ là 20,94%, cao hơn không đáng kể so với mục tiêu kiềm chế ở ngưỡng 20% trong năm nay và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nhập siêu bình quân tới 26,73% trong 3 năm gần đây. Do vậy, với việc quyết liệt kiềm chế nhập siêu hiện nay, khả năng hoàn thành được mục tiêu này cũng không phải là quá xa vời.
… và những bất cập
Bên cạnh những kết quả khả quan trong hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, chúng ta cũng phải đối mặt với những tồn tại và bất cập không nhỏ trong lĩnh vực này.
Thứ nhất, tuy kết quả tăng xuất khẩu rất khả quan và đây cũng chỉ là chìa khóa để kiềm chế tỷ lệ nhập siêu, nhưng xét trên bình diện toàn cầu, đây vẫn là mức tăng chưa thực sự cao so với một số nước trên thế giới.
Thứ hai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng sự suy giảm khối lượng một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là một nguyên nhân quan trọng. Sự biến thiên của giá cả trên thị trường thế giới cũng tác động tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam
Cụ thể, các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê 6 tháng qua cho thấy, đối với 11 mặt hàng chủ yếu có đủ số liệu thống kê về khối lượng và giá trị, kim ngạch xuất khẩu thực tế đạt gần 8,9 tỷ USD, chỉ tăng 345 triệu USD và tăng 4,05% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng nếu quy về giá cùng kỳ năm 2009, thì “co lại” chỉ còn gần 6,9 tỷ USD. Điều này cho thấy, trong xuất khẩu 11 mặt hàng này, chúng ta được lợi về giá gần 2 tỷ USD, tương ứng với 28,8%, nhưng cũng có nghĩa là khối lượng hàng hoá xuất khẩu trong 6 tháng qua giảm trên 1,6 tỷ USD, tương ứng với mức giảm 19,2%.
Trong khi khối lượng hàng hoá giảm mạnh khiến xuất khẩu tăng chậm như vậy, thì ở đầu vào nhập khẩu 10 mặt hàng chủ yếu, tuy kim ngạch thực tế đạt 11,235 tỷ USD, tăng gần 2,5 tỷ USD và 28,4%, nhưng nếu quy về giá cùng kỳ năm 2009 lại giảm gần 330 triệu USD và 3,8%. Điều này cho thấy, trong nhập khẩu 10 mặt hàng chủ yếu này, chúng ta đã bị thiệt về giá tới trên 2,8 tỷ USD, tương ứng với 33,4% kim ngạch nhập khẩu hiện tại quy giá cùng kỳ 2009, mà khối lượng hàng hoá nhập khẩu trong 6 tháng qua đã giảm 330 triệu USD, tương ứng với mức giảm 3,8%.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, cho dù tăng xuất, giảm nhập là hiện tượng tích cực nhằm hạn chế nhập siêu, nhưng mức tăng xuất khẩu còn rất thấp, trong khi mức giảm nhập khẩu không lớn, mà những biến thiên rất mạnh trong xuất, nhập khẩu thể hiện trong các số liệu thống kê chủ yếu xuất phát từ biến động giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới. Do vậy, “bài toán” hạn chế nhập khẩu để giảm nhập siêu bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu càng trở nên bức xúc hơn.
(Theo Nguyễn Đình Bích // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com