Củ khoai lang đã bao đời gắn liền với người dân xứ Quảng và một thời từng là nguồn lương thực chính. Người nông dân quê tôi thường mô tả cuộc sống hàng ngày của mình bằng câu "tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm". Khoai lang có thể chế biến thành nhiều món như khoai chà, khoai lang luộc, khoai hấp cơm... và cả bánh khoai - một món ăn chơi dân dã nhưng rất ngon miệng.
Ngày trước, những hôm mưa dầm, không đi làm được, cả nhà tôi lại quây quần cùng nhau làm bánh khoai. Món ngon ngày khó, chẳng nỡ ăn một mình, nên bao giờ mẹ tôi cũng làm nhiều, biểu chúng tôi mang sang biếu hàng xóm.
Bánh khoai nướng than. Ảnh: Phan Thanh Ly |
Những củ khoai được mẹ chọn làm bánh phải là khoai ta, loại khoai ruột trắng được trồng trên vùng đất cát. Khoai để nguyên vỏ rửa thật sạch, cho vào nồi đổ một ít nước thêm chút muối đun đến khi nước cạn thì khoai vừa chín tới. Mẹ vớt những củ khoai tròn mũm mĩm, để nguội, bóc vỏ và cho vào bát to nghiền nát. Thường, bột khoai được trộn cùng với ít cốt dừa, sợi dừa thái chỉ, chút muối và chút đường cho đậm đà. Khi bột khoai đã được tán nhuyễn, chị em tôi bao quanh mẹ nặn những miếng khoai tròn tròn.
Khâu cuối cùng và cũng là quan trọng nhất đó là nướng bánh. Bếp nướng thường được tận dụng từ những cái nồi đất lớn hay chậu nhôm bị thủng. Đổ vào nồi một lớp tro, nhóm lửa than phía trên lớp tro. Xong chỉ cần đặt một cái vỉ sắt lên phía trên miệng nồi là có thể xếp từng chiếc bánh khoai lên nướng. Có lẽ giây phút thú vị nhất là ngồi quanh bếp than hồng, vừa ấm cúng lại vừa được hít hà hương thơm lan tỏa. Chiếc bánh tròn trịa, chuyển sang màu vàng lựng, được chuyền từ bàn tay gầy gò của mẹ, mới nhìn thôi là đã thèm.
Đã lâu lắm rồi mẹ không còn làm bánh khoai, bởi các con đã lớn và xa quê lập nghiệp. Những lúc về thăm nhà, cũng chỉ kịp dạo quanh xóm, ghé thăm những rẫy mía, bờ khoai. Giữa phố đông người, mỗi khi nghe cảm giác thiếu "ấm áp", không hiểu sao tôi lại nhớ cái mùi bánh khoai thơm nồng của mẹ và thèm được vừa xuýt xoa, vừa cắn ngập chiếc bánh còn nóng hổi.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)